Được coi là biểu tượng của sự giàu có, an toàn cho tài sản, và di sản văn hóa, vàng đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường vàng Việt Nam đang gặp phải những vấn đề về cơ cấu góp phần gây biến động giá, cản trở sự ổn định kinh tế và khiến người tiêu dùng gặp rủi ro tài chính. Bài viết này nhằm phân tích những yếu tố cơ cấu trong thị trường vàng, chỉ ra các yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng vọt và đề xuất năm biện pháp nhằm ổn định thị trường để tiến đến một môi trường tài chính bền vững hơn.
Nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này cản trở sự minh bạch về giá và tạo điều kiện cho việc thao túng giá. Ảnh: LÊ VŨ
Các vấn đề cơ cấu gây khó khăn cho thị trường
Một số yếu tố cơ cấu góp phần vào sự bất ổn của thị trường vàng Việt Nam:
Lựa chọn đầu tư hạn chế: Hệ thống tài chính đang phát triển của Việt Nam thiếu nhiều công cụ đầu tư an toàn và hấp dẫn. Với niềm tin hạn chế vào thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu thấp, nhiều người dân Việt Nam chuyển sang vàng như một nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
Sự phụ thuộc cao vào vàng miếng hay vàng vật chất (physical gold): Không giống như thị trường của các nước phát triển nơi các giao dịch liên quan đến vàng chủ yếu được thông qua các công cụ phái sinh (derivatives) và quỹ ETF, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào vàng miếng và đồ trang sức. Nhu cầu vật chất này gây áp lực lên giá vàng trong nước, khiến giá vàng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động toàn cầu.
Cơ cấu thị trường phân tán: Thị trường vàng Việt Nam thiếu sàn giao dịch tập trung, với rất nhiều cửa hàng và nhà kinh doanh vàng quy mô nhỏ hoạt động độc lập. Sự phân mảnh này cản trở sự minh bạch về giá và tạo điều kiện cho việc thao túng giá.
Sự can thiệp của Chính phủ: Những nỗ lực của Chính phủ nhằm kiểm soát giá vàng thông qua thuế nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu thường gây ra những hậu quả không lường trước được. Sự can thiệp này có thể tạo ra tình trạng thiếu hụt giả tạo, bóp méo tín hiệu thị trường và tạo cơ hội cho buôn lậu.
Các yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng vọt ở Việt Nam
Ngoài các vấn đề về cơ cấu, một số yếu tố bên ngoài đã khiến giá vàng tăng vọt ở Việt Nam:
Diễn biến giá vàng thế giới: Thị trường vàng Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá vàng thế giới. Khi giá vàng thế giới tăng do các yếu tố như căng thẳng địa chính trị (geo-politics) hay bất ổn kinh tế, giá vàng Việt Nam chắc chắn sẽ tăng theo, làm tăng tác động đến người tiêu dùng trong nước. Gần đây, với xung đột quân sự ở Ukraine, Trung Đông, một số nước đã tăng dự trữ ngoại tệ bằng vàng để đề phòng bất trắc. Mức cầu về vàng do đó tăng lên.
Đặc biệt, vì chiến tranh kinh tế với Mỹ, Trung Quốc đã cố gắng chuyển số ngoại tệ hối đoái từ đô la Mỹ ra các cách giữ khác và vì vậy mức cầu của vàng cũng tăng lên từ phía Chính phủ Trung Quốc. Mặt khác, do tình trạng kinh tế trong nước bất ổn, người dân Trung Quốc sợ giá trị nhân dân tệ so với đô la Mỹ sẽ sụt giảm nên đã đầu tư mua vàng. Cả hai nguồn cầu này từ Trung Quốc, cũng như từ các nước khác, làm giá vàng trên thế giới tăng cao khi mức cung không có gì thay đổi.
Tại sao ngân hàng trung ương một số nước muốn giảm lệ thuộc vào dự trữ bằng đô la Mỹ? Nguyên nhân rất dễ hiểu. Hiện khoảng 65% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang được giữ bằng đô la Mỹ để thanh toán các giao dịch xuất nhập khẩu và đầu tư. Thế nhưng khi giữ ngoại hối này bằng đô la Mỹ, họ lại bị tùy thuộc vào giá trị của đô la Mỹ và các chính sách kinh tế của Mỹ. Chẳng hạn, khi lạm phát ở Mỹ tăng lên vì Chính phủ Mỹ tiêu pha quá lớn thì giá trị dự trữ ngoại hối của các nước này sụt xuống. Đem số ngoại hối này đổi ra vàng sẽ giúp các nước tránh khỏi tình trạng đó.
"Hai biện pháp đầu tiên nhắm vào ngắn hạn để ổn định thị trường trong lúc này, trong khi ba biện pháp còn lại nhắm vào trung và dài hạn để đối phó với căn nguyên của vấn đề."
Nhưng tại sao giá vàng ở Việt Nam lại cao hơn giá vàng thế giới khá nhiều trong khi Chính phủ chỉ thị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải làm sao giảm bớt khoảng cách này để ổn định thị trường vàng trong nước?
Giá vàng miếng SJC ở Việt Nam vừa đạt đỉnh mới là hơn 92 triệu đồng một lượng và cao hơn giá vàng thế giới tới 19 triệu đồng một lượng, hay hơn 20%, tức là rất nhiều. Nguyên nhân chính là số cầu vượt xa số cung trong nước, do đặc tính của dân Việt Nam là có thói quen giữ vàng để đảm bảo tài sản và đầu cơ, nhất là khi thấy giá vàng thế giới đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, mức cung lại bị giới hạn vì NHNN giữ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC.
Biến động của đô la Mỹ: Vì vàng được định giá bằng đô la Mỹ nên tiền đồng suy yếu so với đô la Mỹ dẫn đến giá vàng trong nước tăng. Điều này tạo ra một vòng phản hồi theo đó giá vàng tăng càng làm suy yếu tiền đồng, thúc đẩy việc mua vàng nhiều hơn như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Điều kiện kinh tế trong nước: Trong lúc lạm phát người dân sợ tiền sẽ mất giá hoặc bất ổn kinh tế nên đua nhau mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư và người dân tìm cách bảo vệ tài sản của mình bằng cách đổi tiền đồng thành vàng, đẩy giá lên cao.
Hoạt động đầu cơ: Cơ cấu thị trường manh mún và tính minh bạch hạn chế tạo mảnh đất màu mỡ cho hoạt động đầu cơ. Tin đồn, sự thao túng thị trường của một số người chơi nhất định và tâm lý bầy đàn (herd mentality) có thể khuếch đại biến động giá, dẫn đến bong bóng và các vụ sụp đổ sau đó.
Hậu quả của thị trường vàng biến động
Sự biến động trên thị trường vàng Việt Nam gây ra những hậu quả sâu rộng:
Xói mòn niềm tin của người tiêu dùng: Biến động giá vàng lên xuống tạo ra sự bất ổn và ảnh hưởng xấu đến các đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực sản xuất. Người tiêu dùng cảnh giác với giá vàng tăng có thể trì hoãn các kế hoạch mua sắm hoặc tiết kiệm thiết yếu, cản trở tăng trưởng kinh tế.
Bất ổn kinh tế vĩ mô: Biến động giá vàng có thể gây bất ổn cho tiền đồng. Sự thay đổi đột ngột của nhu cầu vàng tạo ra những biến động trong dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng đến khả năng quản lý lạm phát và lãi suất của Chính phủ.
Bất bình đẳng: Giá vàng tăng cao có tác động lớn đến người Việt Nam có thu nhập thấp và trung bình, những người dựa vào vàng để tiết kiệm cũng như dùng vàng trong các sự kiện thông thường như đám cưới, đám hỏi… Giá vàng tăng có thể cản trở khả năng tiết kiệm cho tương lai hoặc khả năng mua sắm thiết yếu của họ.
Năm biện pháp để có thị trường vàng ổn định hơn
Để giảm thiểu những vấn đề trên và đạt được sự ổn định cho thị trường vàng Việt Nam, cần thực hiện năm biện pháp căn bản dưới đây, kèm theo những biện pháp thực tiễn tùy theo hoàn cảnh đặc thù từng trường hợp. Hai biện pháp đầu tiên nhắm vào ngắn hạn để ổn định thị trường trong lúc này, trong khi ba biện pháp còn lại nhắm vào trung và dài hạn để đối phó với căn nguyên của vấn đề:
Thứ nhất, xem xét bãi bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng SJC. Cần xem xét thiết lập một cơ chế giao dịch vàng tập trung, theo đó các công ty quốc doanh có thể cạnh tranh nhau nhập khẩu vàng nguyên liệu sau đó sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn SJC và bán ra cho tư nhân một cách minh bạch (bán cho các cửa hiệu vàng toàn quốc với hóa đơn chính thức có sự kiểm tra của NHNN). Tương tự như xăng dầu ở Việt Nam, điều này sẽ thúc đẩy sự minh bạch về giá và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch vàng hiệu quả. Mặt khác, việc này sẽ giúp hạn chế thao túng giá và cung cấp điểm tham chiếu đáng tin cậy hơn cho những người tham gia thị trường.
Thứ hai, chống buôn lậu: Kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực là điều cần thiết để hạn chế buôn lậu vàng. Buôn lậu làm suy yếu hoạt động kinh doanh hợp pháp, bóp méo giá cả thị trường và gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Thứ ba, phát triển hệ thống tài chính đa dạng: Về lâu về dài, Chính phủ cần ưu tiên phát triển nhiều lựa chọn đầu tư an toàn và hấp dẫn hơn như cải cách để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh hơn, lợi suất trái phiếu công (bond yields) cao hơn và hệ thống lương hưu mạnh mẽ. Điều này sẽ cung cấp các lựa chọn thay thế cho vàng, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
Thứ tư, nâng cao hiểu biết về tài chính: Thiết lập và mở rộng các chương trình hiểu biết về tài chính (financial literacy programs) là biện pháp rất quan trọng để cho người dân Việt Nam có các quyết định tài chính sáng suốt. Các chương trình này nên giáo dục người dân về rủi ro và lợi ích của các khoản đầu tư khác nhau, bao gồm cả vàng.
Thứ năm, thiết lập các công cụ dựa trên thị trường: Việc thay thế sự can thiệp của Chính phủ bằng các công cụ dựa trên thị trường như hợp đồng tương lai (future contracts) và quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng (gold-backed ETF) có thể mang lại cơ chế hiệu quả và minh bạch hơn để phòng ngừa biến động giá cả. Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận pháp lý để mua hoặc bán một tài sản hàng hóa cụ thể hoặc chứng khoán ở mức giá định trước tại một thời điểm xác định trong tương lai. Quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng (ETF) là một chứng khoán theo dõi giá vàng và cho phép các nhà đầu tư tiếp cận với vàng qua các chứng chỉ (certificates) mà không cần mua, lưu trữ hoặc bán lại vàng vật chất.
Hệ quả của việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền vàng miếng SJC lên tỷ giá
Như đã nói, giá vàng và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có tác động đến nhau. Giá đô la Mỹ tăng làm suy yếu tiền đồng, thúc đẩy việc mua vàng nhiều hơn như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, khi giá vàng giảm do thực hiện biện pháp đưa ra nêu trên thì sẽ làm giảm nhu cầu mua vàng, mua đô la Mỹ và như vậy sẽ giúp ổn định tỷ giá.
Còn về ngoại hối, có nhiều điểm cần xem xét kỹ hơn. Trong đó, doanh nghiệp khi được phép nhập khẩu vàng thì họ phải trả bằng đô la Mỹ của họ chứ không dùng ngoại hối của NHNN. Hơn nữa, nếu như hiện nay, không nhập khẩu chính ngạch vì lo ngại thâm hụt ngoại tệ, thì cũng khó loại trừ việc gom đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức rồi nhập lậu.
Dù cách này hay cách khác, vẫn chảy máu ngoại tệ và gây tác động ngược lại thị trường chính thức. Mặt khác, hiện tại NHNN vẫn còn một số dự trữ vàng mà họ chưa bán hết do đã hủy một số phiên đấu thấu vừa qua. Một khi bán hết số vàng này thì cùng với kết quả của việc thực hiện biện pháp đề nghị nêu trên, nhu cầu vàng và đô la Mỹ sẽ giảm xuống.
Làm thế nào để không bị vàng hóa nền kinh tế?
Để không bị vàng hóa nền kinh tế thì Chính phủ phải tạo niềm tin cho dân chúng với tiền đồng và như vậy phải thực hiện những chính sách kinh tế thích hợp. Đúng là Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, như chúng tôi đã bàn trong bài viết Vượt qua đại dương bão tố – những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam 2022-2025 trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 1-12-2022(*).
Những thức thách Việt Nam đang đối mặt không phải chỉ nằm ở vĩ mô mà còn nằm ở các lĩnh vực khác rất quan trọng. Do đó Chính phủ cần thực hiện một chương trình kết hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô và cơ cấu để giải quyết những thách thức trước mắt, trung hạn, và dài hạn. Chúng tôi đã bàn về các giải pháp này một cách chi tiết trong bài báo đó và những bài báo khác.
Kết luận
Thị trường vàng Việt Nam đặt ra một thách thức phức tạp đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều. Bằng cách giải quyết các vấn đề cơ cấu cơ bản, thúc đẩy hệ thống tài chính vững mạnh hơn và nâng cao hiểu biết về tài chính, Việt Nam có thể tạo ra một thị trường vàng ổn định và hiệu quả hơn. Điều này sẽ bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy ổn định kinh tế và cho phép người dân Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào nhiều cơ hội đầu tư hơn.
Giá vàng thế giới có tăng nhưng theo chúng tôi biết không có nước nào tăng như ở Việt Nam. Còn ở Mỹ thì ít ai đầu tư theo “vàng thẻ” (physical gold) như đã viết ở trên. Người Mỹ nếu muốn đầu tư về vàng thì mua cổ phiếu của các công ty sản xuất vàng hoặc là các ETF có liên quan đến vàng. Những người Mỹ gốc Á đông vẫn còn mua vàng ở các tiệm vàng nhưng không có chuyện đứng xếp hàng chen chúc như ở Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống siêu thị Costco ở đây đôi khi cũng có bán vàng thẻ (1 ounce gold bar) và có thể mua trên mạng rồi họ chuyển về.
Nói tóm lại ở Mỹ hay các nước châu Âu, hoàn toàn không có cơn sốt vàng kiểu Việt Nam như báo chí đã tường thuật.
https://thesaigontimes.vn/nam-bien-phap-cho-thi-truong-vang-viet-nam/