Nâng cao năng lực công ty chứng khoán trong thực hiện không ký quỹ trước giao dịch

Một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là việc cơ quan quản lý đề xuất cho phép các công ty chứng khoán (CTCK) có đủ năng lực cung cấp dịch vụ không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ 100% tiền trước thời điểm đặt lệnh mua chứng khoán. Giải pháp đột phá này cũng đặt ra những yêu cầu về việc nâng cao năng lực của các CTCK.

Năng lực về vốn của các CTCK để đáp ứng dòng vốn đầu tư từ các tổ chức nước ngoài khi TTCK được nâng hạng là rất quan trọng. Ảnh: ST

CTCK cần nâng cao năng lực tài chính

Để tháo nút thắt trong nâng hạng TTCK, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của CTCK và công bố thông tin trên TTCK. Theo dự thảo, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ không cần phải chuẩn bị đủ 100% tiền trước khi đặt lệnh mua chứng khoán, họ chỉ cần có đủ tiền trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch và nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp đến thời điểm đó nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng không có đủ tiền thì nghĩa vụ thanh toán sẽ được chuyển sang chính CTCK. Quy định này sẽ chỉ áp dụng với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của nhóm đối tượng chính, cũng như góp phần đảm bảo an toàn vốn cho các công ty chứng khoán khi thực hiện dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI (SSI), khi FTSE chấp thuận nâng hạng cho TTCK Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi, ngay lập tức thị trường Việt Nam sẽ có 1,6 tỷ USD được rót vào từ các quỹ ETF bị động, con số này sẽ nhân lên 4 – 5 lần nữa từ các quỹ đầu tư chủ động. Do đó, năng lực về vốn của các CTCK để đón nhận lợi ích này là rất quan trọng.

Trong bối cảnh đó, để đề phòng những biến cố, rủi ro khi nhà đầu tư không thanh toán đúng thời gian, ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng trước hết phải đảm bảo năng lực về vốn của các CTCK. Điều này rất quan trọng khi không yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ trước khi giao dịch chứng khoán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP). “Đối với giải pháp giao dịch không yêu cầu ký quỹ, các CTCK phải chịu trách nhiệm đầu tiên, sau đó mới là Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán (VSD). Như vậy, giải pháp đầu tiên là các CTCK cần nâng cao năng lực tài chính bằng cách phải tăng vốn. Bên cạnh đó, một giải pháp dự phòng quan trọng nữa là hệ thống quản trị rủi ro của CTCK. Các CTCK phải xây dựng hệ thống quản trị rủi ro để từ đó đánh giá được năng lực nhà đầu tư, có cơ sở kiểm soát rủi ro một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Khắc Hải nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, nếu các CTCK không không đáp ứng được những năng lực này, họ có thể gây ra rủi ro khi tham gia thị trường, trước tiên là rủi ro cho chính bản thân CTCK đó, thứ hai là rủi ro cho nhà đầu tư và thứ ba là rủi ro cho toàn thị trường.

Nên đưa ra các điều kiện áp dụng tỷ lệ ký quỹ cho các cổ phiếu

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam nhấn mạnh, việc chủ động cho các CTCK thực hiện tỷ lệ ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài vừa là giải pháp ngắn hạn vừa là giải pháp rất hiệu quả. Đây là giải pháp hợp lý vì chính các CTCK là người hiểu rõ khách hàng của mình nhất, hiểu rõ khẩu vị rủi ro của khách hàng đó cũng như hiểu rõ rủi ro về các cổ phiếu mà khách hàng đang sở hữu và CTCK sẽ chủ động trong việc xử lý trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. “Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh điều này, chúng ta cần có quy định cụ thể về tỷ lệ ký quý là bao nhiêu phần trăm, và các CTCK có thể dựa vào mức giới hạn đó để quyết định theo khẩu vị của mình, theo khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đồng thời, cần đưa ra điều kiện đối với các cổ phiếu sẽ được xem xét để áp dụng tỷ lệ ký quỹ. Giống như hoạt động cho vay margin, chúng ta cũng nên đưa ra các điều kiện áp dụng cho các cổ phiếu”, ông Nguyễn Thế Minh đề xuất.

Khẳng định đây là giải pháp đột phá, ông Nguyễn Thế Minh cũng lưu ý, giao quyết định về tỷ lệ ký quỹ cho các CTCK thực ra là giải pháp mang tính rủi ro cho các CTCK hiện nay. Rủi ro ở đây là, về bản chất, hoạt động tỷ lệ ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giống như hoạt động cho vay margin ở các CTCK, điều này cũng trao thêm rủi ro cho CTCK bên cạnh các rủi ro cho vay margin cho các nhà đầu tư trong nước.

Trong dài hạn, chuyên gia này cũng cho rằng nên áp dụng việc xây dựng một quỹ của CTCK khi tham gia vào hoạt động ký quỹ cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Quỹ này sẽ giúp đảm bảo tính thanh khoản trong trường hợp khách hàng hoặc CTCK rơi vào mất khả năng thanh toán, đáp ứng dự phòng cho những rủi ro xảy ra trong tương lai.

Link gốc

https://haiquanonline.com.vn/nang-cao-nang-luc-cong-ty-chung-khoan-trong-thuc-hien-khong-ky-quy-truoc-giao-dich-185890.html