Nâng hạng thị trường: hiểu sao cho đúng?

, ,
                   **Nâng hạng thị trường hiểu sao cho đúng!**

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam gần giống như 1 câu chuyện…cổ tích. Vì đến mỗi mùa “nước nổi thuyền lên” người ta lại lấy câu chuyện này ra để kể, và cứ như vậy từ 2017 tới giờ, chỉ là gần đây tần suất kể nhiều hơn thôi. Còn đối với NĐT F0 – những người mới tham gia thị trường thì chuyện nâng hạng cũng là một tác nhân để thúc đẩy họ đầu tư vào chứng khoán.
Thì đây mình xin chia sẻ một chút hiểu biết hạn hẹp của mình về việc nâng hạng, để những ai quan tâm về TTCK có một cái nhìn rõ hơn về việc này.
Tại sao “cần” nâng hạng? Nâng hạng có lợi ích gì?
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, và đi cùng với đó là nhu cầu lớn về vốn. Nguồn vốn có thể đến từ 1) hệ thống ngân hàng, 2) thị trường vốn. Và hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang hoạt động quá hiệu quả khi dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đang là hơn 13 triệu tỷ đồng, GDP Việt Nam năm 2023 khoảng hơn 10 triệu tỷ đồng thì so ra dư nợ tín dụng đang xấp xỉ 130% GDP.


Trong khi đó vốn hóa của TTCK Việt Nam khoảng 6 triệu tỷ khoảng 60% GDP, và quy mô thị trường trái phiếu chỉ khoảng hơn 30% GDP. Có thể thấy, một đặc điểm của nguồn vốn huy động tại thị trường Việt Nam là chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để nền kinh tế phát triển bền vững thì cần sự san sẻ từ những nguồn huy động khác, ở đây là từ thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Từ đó mới dẫn tới nhu cầu cần phải nâng hạng thị trường chứng khoán và đặt ra hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho thị trường trái phiếu. Cũng không phải tự nhiên mà mấy năm gần đây mấy bác ở trên bắt đầu mạnh tay hơn trong việc làm trong sạch thị trường và cùng với đó là đưa ra nhiều thông tư, nghị định về việc huy động vốn bằng trái phiếu. Trong lòng chứng sĩ chắc vẫn còn nhớ vụ anh Q hay vụ trái phiếu của THM, mặc dù sai phạm của anh là đã có từ rất lâu rồi nhưng đến năm 2022 mới ra tay, còn vụ trái phiếu THM là điển hình cho việc sử dụng tiền huy động trái phiếu không đúng mục đích, một khía cạnh khá khó để kiểm soát trong thị trường trái phiếu.
Việc nâng hạng thành công sẽ giúp nền kinh tế có thêm một nguồn huy động vốn hiệu quả và đặc biệt là sẽ thu hút dòng vốn FII - đầu tư gián tiếp nước ngoài. Từ đó giúp thị trường chứng khoán và trái phiếu trở thành kênh huy động vốn hiệu quả hơn.
Vậy TTCK Việt Nam đang ở đâu trên thế giới?
Trên thế giới có 2 tổ chức xếp hạng thị trường uy tín là MSCI và FTSE, 2 tổ chức này sẽ đánh giá và phân loại các TTCK ở các nước và phân loại thành 3 nhóm: 1) thị trường phát triển 2) thị trường mới nổi và 3) thị trường cận biên. Việc phân loại này để cho các quỹ đầu tư trên thế giới phân bổ danh mục đầu tư của họ, dĩ nhiên là phần lớn nguồn vốn sẽ đổ vào thị trường phát triển và mới nổi, chỉ một phần nhỏ vào thị trường cận biên. Quy mô thị trường phát triển theo MSCI là 65.000 tỷ đô, thị trường mới nổi là 7.200 tỷ đô, và thị trường cận biên khoảng 120 tỷ đô.
image
Và Việt Nam mình nằm trong cái phần nhỏ xíu 120 tỷ đô của thị trường cận biên. Mặc dù nằm trong vùng trũng nhưng Việt Nam lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ cận biên, 28,57%, cao hơn rất nhiều so với nước đứng thứ 2 (Romania 12,21%). Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thì tỷ trọng của Việt Nam lại rất bé so với các nước trong khu vực mới nổi. Nói vui vẻ, thì TTCK Việt Nam đang như con rồng bơi trong vũng nước, nhưng khi được thả ra cái hồ lớn hơn thì lại thành con giun. Mặc dù vậy, việc nâng hạng sẽ giúp Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý hơn, vì nhiều quỹ đầu tư bị giới hạn không được đầu tư vào thị trường cận biên.
Hai hình thức nâng hạng thị trường:
Vậy thì sẽ có 2 hình thức nâng hạng thị trường khác nhau, 1 cách là theo tiêu chuẩn của FTSE Russel, và 1 cách là theo MSCI. Thì việc được nâng hạng theo chuẩn của FTSE thì đơn giản hơn và nhiều bên kỳ vọng TTCK Việt Nam được nâng hạng vào tháng 3 năm 2025. Trong khi đó, nâng hạng theo chuẩn của MSCI thì khó hơn và có thể phải đến năm 2026 Việt Nam mới được đánh giá nâng hạng. Còn về nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam khi được nâng hạng thì nhiều bên có dự đoán khác nhau, từ 2-3 tỷ đô (nếu nâng hạng theo chuẩn FTSE) cho tới 8-10 tỷ đô (theo chuẩn MSCI). Với thanh khoản thị trường lúc cao trào cỡ vào khoảng hơn 1 tỷ đô/phiên thì nguồn vốn nước ngoài này, nếu xảy ra, thì sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy cho thị TTCK.
Và theo cá nhân mình thấy, không phải đợi đến lúc thị trường chính thức nâng hạng thì dòng vốn nước ngoài mới đổ vào Việt Nam. Cái này ai đi làm ở mấy CTCK lớn sẽ thấy là dạo gần đây số lượng NĐT nước ngoài mở tài khoản đang có chiều hướng gia tăng, riêng ở SSI thì phần là lớn là NĐT từ Đài Loan.
Và cuối cùng là…3 chữ cái:
Chém gió số triệu triệu tỷ rồi thì giờ đến cái mần ra tiền, đầu tư 3 chữ cái gì, hay mua hết cả bảng chữ cái :)))
Điều đầu tiên là phải hiểu đặc tính của dòng vốn nước ngoài. NĐT nước ngoài họ rất thích những doanh nghiệp cơ bản tốt, bộ máy quản trị hiệu quả, tiềm năng dài hạn. Quanh đi quẩn lại cũng một vài doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí đó mà thôi. Dạo trước thị trường sụp hố nhưng NĐT NN lại bắt đầu mua ròng trở lại sau vài tháng ròng rã bán.
Nhưng ở đây mình xin nhận định một chút về nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ việc nâng hạng, là nhóm các công ty chứng khoán. Đương nhiên việc nâng hạng có thể đẩy thanh khoản thị trường lên cao hơn thì các CTCK sẽ là bên thu phí giao dịch và trực tiếp hưởng lợi. Tuy nhiên, không phải công ty chứng khoán nào cũng đón trọn được “con sóng” nâng hạng này. Một trong những yêu cầu của việc nâng hạng là Non-prefunding – giao dịch không ký quỹ cho NĐT Tổ chức Nước ngoài. Hiểu đơn giản là NĐT Tổ chức nước ngoài có thể đặt lệnh mua cổ phiếu trong khi tài khoản không đủ sức mua. Đây là một điểm mấu chốt để thu hút dòng vốn ngoại và Bộ Tài chính đang gấp rút lấy ý kiến để sửa đổi 4 thông tư về TTCK đặt ra hành lang pháp lý cho nghiệp vụ này.

Có 2 điều cần lưu ý là

  1. chỉ có NĐT Tổ chức NN mới được xét giao dịch không ký quỹ và
  2. nếu NĐT Tổ chức NN không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán thì CTCK phải dùng tiền của tài khoản tự doanh để thực hiện nghĩa vụ.

Điều đó dẫn tới 3 vấn đề là

  1. khả năng quản trị nguồn vốn của CTCK – bộ phận tự doanh là bên dùng tiền của CTCK để giao dịch trên thị trường, nếu như phải gánh thêm nghiệp Non-prefunding thì sẽ phải suy tính làm sao cho hài hòa được lợi ích của 2 bên. Cái này mình thấy khá giống nghiệp vụ Liquidity risk – rủi ro thanh khoản bên Ngân hàng ,
  2. kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư tổ chức – làm việc với NĐT Tổ chức và đặc biệt là Tổ chức nước ngoài nó rất đặc thù, không dễ như làm với khách hàng cá nhân. Và NĐT Tổ chức họ cũng lựa chọn CTCK uy tín, đội ngũ chuyên môn cao trên thị trường để giao “chứng” và
  3. bộ phận tự doanh đủ mạnh – đội tự doanh mạnh thì lợi nhuận họ kiếm được tốt thì không nói, bên cạnh đó còn là khả năng quản trị rủi ro, lỡ những lúc thị trường sập mà không có tiền để đóng non-prefunding thì chắc cũng móm.

==>Tựu chung lại, không phải CTCK nào cũng có khả năng đáp ứng đủ hết các yêu cầu này, có một vài CTCK “lớn mà không lớn” chỉ tập trung thị phần môi giới mà không có bộ phận khách hàng tổ chức, không có bộ phận tự doanh thì chắc chắn sẽ không thực hiện được nghiệp vụ giao dịch không ký quỹ.
Trên thị trường hiện nay chỉ một vài CTCK có nguồn vốn lớn, có kinh nghiệm làm việc với NĐT Tổ chức, có bộ phận tự doanh mạnh thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Còn tìm ra được 3 chữ cái nào và đầu tư cái nào cuối cùng vẫn là lựa chọn của mọi người :slight_smile:

Năm 2024 là năm mà các công ty chứng khoán tăng vốn ồ ạt nhất từ trước tới giờ, tất cả là để chuẩn bị cho sóng nâng hạng 2025. Chuyện nâng hạng không chỉ đơn giản là dòng vốn quốc tế đổ vào Việt Nam, nó còn là cơ hội để thị trường chứng khoán trở thành nơi huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.