Giải quyết những vướng mắc nào để có thể về đích nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) đúng kế hoạch hay làm gì để tránh “nâng hạng xong lại xuống”? Đây là những vấn đề quan trọng, đòi hỏi các bên liên quan nghiên cứu những giải pháp hợp lý nhằm thúc đẩy tiến trình này một cách bền vững hơn.
Giải quyết những vấn đề gì để có thể về đích nâng hạng thị trường đúng kế hoạch không phải câu hỏi dễ với các cơ quan quản lý Việt Nam. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ |
Không chỉ gỡ vướng ở ký quỹ trước giao dịch
Mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi được đặt ra trong thời gian dài, từ khi FTSE Russell đã đưa thị trường Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai vào năm 2018. Nhưng đến kỳ đánh giá tháng 3-2024, tổ chức này vẫn giữ Việt Nam trong danh sách chờ nâng hạng.
Tương tự, MSCI vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng với lý do các tiêu chí không có thay đổi so với kỳ đánh giá một năm trước đó.
Ông Ketut Kusuma, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), khuyến nghị Việt Nam cần tập trung xử lý nhanh ba vấn đề gồm: ký quỹ trước giao dịch (pre-funding); tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; phẩm cấp hàng hoá.
Chuyên gia này dẫn chứng việc TTCK Việt Nam có tới 1.599 doanh nghiệp niêm yết và giao dịch, trong khi các thị trường khu vực chỉ có vài trăm doanh nghiệp nhưng sở hữu mức vốn hoá lớn hơn. Điều này cho thấy quy mô của doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, khiến tỷ lệ cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua ở mức thấp. Để mua được số lượng lớn, nhà đầu tư nước ngoài phải mua với giá cao hơn nhiều thị giá trên sàn.
Thậm chí, bảng xếp hạng 10 cổ phiếu sở hữu vốn hoá lớn nhất trên sàn HOSE chỉ ghi nhận sự thay đổi về thứ hạng, mà không có hàng hoá mới trong 10 năm qua, dù còn nhiều doanh nghiệp lớn chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Để giải quyết vấn đề pre-funding, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, giải pháp hiện nay tập trung tháo gỡ với nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giao dịch. Bởi nhóm này có tính tuân thủ cao, chưa phát sinh mất khả năng thanh toán nhờ chưa thu xếp được nguồn tiền.
Nguyên tắc thực hiện là cho phép dựa trên việc công ty chứng khoán đánh giá năng lực, xác định mức ký quỹ để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể thanh toán đúng hạn. Tới thời điểm thanh toán, nhà đầu tư không đủ điều kiện nộp, nghĩa vụ thanh toán sẽ chuyển về khối tự doanh công ty chứng khoán. Còn chứng khoán nhận về được công ty chứng khoán xử lý để thu hồi tiền đã bỏ ra.
Tuy nhiên, thách thức phải xử lý trong trường hợp vào ngày thanh toán, nhà đầu tư không đủ tiền là thời gian để xử lý vấn đề kỹ thuật như chuyển nghĩa vụ thanh toán. Ngoài ra, nếu công ty chứng khoán không thu xếp đủ nguồn tiền cũng sẽ ảnh hưởng an toàn trong hoạt động thanh toán.
“Để kiểm soát rủi ro, chúng tôi đang xem xét đặt hạn mức giao dịch cho thành viên thị trường”, ông Tuấn nói tại một hội thảo diễn ra giữa tháng 4-2024.
Nâng cao chất lượng nhà đầu tư là một trong những điều kiện cần để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh minh hoạ: DNCC |
Cũng theo vị này, công ty chứng khoán cần đảm bảo quy mô giao dịch thực hiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, năng lực thanh toán của công ty chứng khoán phải đủ để thanh toán thay trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
“Chúng tôi coi đây là mấu chốt để quản lý rủi ro khi triển khai cơ chế giao dịch mới này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Về phía công ty chứng khoán, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TPHCM ( HSC ) cho rằng, việc bỏ ký quỹ trước giao dịch cần có đáp ứng được một số yêu cầu gồm: thông tư (đã đưa ra); quy định công ty chứng khoán và nhà đầu tư đáp ứng điều kiện để có thể thực hiện; hướng dẫn thanh toán của VSDC thống nhất; hợp đồng mẫu hoặc thông báo cấp hạn mức giao dịch với nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc khối – phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ Công ty chứng khoán SSI đánh giá, giải pháp ngắn hạn hay dài hạn cho vấn đề pre-funding đều tạo áp lực về vốn và nâng cấp hệ thống do trách nhiệm về rủi ro đặt lên công ty chứng khoán là rất lớn. Vì vậy, cần triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài của các công ty chứng khoán trên thị trường.
“Trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về công ty chứng khoán. Do đó, tất yếu các công ty chứng khoán khoán phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán”, ông Hải cho biết.
Tại Việt Nam, đa số các đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025 như một bước chuẩn bị cho những thay đổi trên thị trường này. Ngoài ra, các đơn vị sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh.
Bên cạnh vấn đề pre-funding, TTCK Việt Nam cũng tồn tại hàng loạt vấn đề cần xử lý, mà nếu chỉ dự vào nỗ lực của ngành chứng khoán, mục tiêu nâng hạng sẽ khó hoàn thành đúng hẹn.
Cụ thể, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam, theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế là còn hạn chế và cần phải cải thiện. Điển hình là việc thông tin công bố bằng tiếng Anh.
Giải pháp được đưa ra là yêu cầu công ty đại chúng quy mô lớn (vốn góp chủ sở hữu từ 120 tỉ đồng trở lên) công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các thông tin công bố định kỳ. Với công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu dưới 120 tỷ đồng và việc công bố thông tin bất thường sẽ thực hiện sau.
Để thực hiện việc này, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đề nghị các đơn vị liên quan rà soát lại các ngành nghề và công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh, để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận được thông tin tại doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cũng được đề nghị phối hợp với các bộ, ngành thực hiện rà soát những ngành nghề có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu, nhất là những ngành nghề không thiết yếu.
Theo kế hoạch, UBCKNN sẽ tiến hành sửa đổi một số quy định về công bố thông tin bằng tiếng Anh và định kỳ, trong đó áp dụng với các công ty đại chúng, công ty niêm yết từ ngày 1-1-2025, các thông tin bất thường từ ngày 1-1-2026, sau đó áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng.
Như vậy, để đáp ứng được tiêu chí tưởng chừng đơn giản như công bố tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp đại chúng, cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan.
Thận trọng với những biến số sau khi lên hạng
Bên cạnh mục tiêu và những lợi ích có được sau khi nâng hạng thị trường, một câu vấn đề được đặt ra là “sau nâng hạng, phải nỗ lực để trụ hạng”. Thực tế, đã có những thị trường như Argentina được nâng hạng nhưng sau đó rớt hạng vì không duy trì được các điều kiện cần thiết.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế thuộc UBCKNN, cho rằng các công ty chứng khoán sẽ phải nâng cấp hệ thống để kết nối trực tuyến với các Sở gia dịch chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh. Quy mô thị trường tăng cao cùng với việc phát triển các sản phẩm cho phép nhà đầu tư tăng vòng quay vốn như bán khống (short sell), giao dịch trong ngày (day trading) dẫn đến số lượng lệnh giao dịch tăng. Điều này đòi hỏi năng lực nhận, xử lý lệnh giao dịch của nhà đầu tư nói chung đối với công ty chứng khoán trở nên cấp thiết.
Thị trường chứng khoán ‘tăng chất’ để tránh việc nâng hạng rồi lại xuống. Ảnh minh họa: DNCC |
Ngoài ra, việc thị trường không duy trì được sức hấp dẫn sau khi nâng hạng có thể dẫn tới rủi ro sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn.
Các chuyên gia của Ban phát triển thị trường tài chính (Viện Chiến lược và chính sách tài chính) cho biết, động thái rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài không hẳn do nội tại của thị trường mà từ sự biến động của thị trường quốc tế.
Giai đoạn 2022-2023 ghi nhận xu hướng rút khỏi các thị trường cận biên của dòng vốn ngoại (trong đó có Việt Nam) để trở về Mỹ trong bối cảnh Fed duy trì mặt bằng lãi suất ở mức cao.
Đây là giai đoạn vốn ngoại không chiếm tỷ trọng lớn trên TTCK Việt Nam, nhưng tính dẫn dắt của dòng vốn này vẫn thể hiện rõ nét. Chẳng hạn, từ tháng 10-2022 tới tháng 1-2023, khối ngoại đã ồ ạt mua ròng trên thị trường Việt Nam, sau nhịp giảm mạnh của VnIndex. Bên cạnh đó, sự xuất hiện một số thông tin hỗ trợ như đô la Mỹ giảm giá, Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài theo đuổi chính sách “Zero-Covid”, góp phần giúp thị trường cũng tăng mạnh và đạt đỉnh.
Tới giữa tháng 2-2023, khối ngoại đảo chiều bán ròng, kéo theo sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán từ cuối quí 1-2023. Do vậy, việc dòng vốn ngoại rút mạnh có thể gây ra tâm lý tiêu cực đối với thị trường, tạo hiệu ứng bán ra mạnh khiến thị trường sụt giảm ở mức khó kiểm soát.
Thực tiễn tại một số quốc gia cho thấy việc nâng hạng thị trường không phải lúc nào cũng mang lại tác động tích cực. Năm 2001, TTCK Hy Lạp được nâng hạng lên nhóm thị trường phát triển, bất chấp việc bong bóng trên thị trường mới đổ vỡ trước đó vài năm. Trong 2 năm sau khi được nâng hạng, chứng khoán Hy Lạp giảm khoảng 45%, trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm 17%.
Vân Phong
https://vietstock.vn/2024/05/nang-hang-thi-truong-va-nhung-bien-so-can-theo-doi-143-1186002.htm