Nâng hạng trong 2024

, , , , , , , , ,

1. Thị trường Việt Nam hiện tại và sự đánh giá của FTSE và MSCI

Phân loại thị trường chứng khoán thế giới

Hiện tại, có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường gồm: Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell và S&P Dow Jones, trong đó sự phân hạng thị trường của FTSE và MSCI là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu.

Mỗi tổ chức có một hệ thống tiêu chí đánh giá riêng, tuy nhiên, đều tập trung vào các khía cạnh cơ bản về: (1) Mức độ phát triển của nền kinh tế, (2) sự ổn định về chính trị, (3) quy mô, tính thanh khoản và hiệu quả vận hành của thị trường, (4) khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, và (5) khả năng lưu chuyển dòng vốn.

  • Đối với MSCI: TTCK thế giới được chia thành 3 nhóm chính gồm: (1) Thị trường phát triển (Developed Market), (2) Thị trường mới nổi (Emerging Market), và (3) Thị trường cận biên (Frontier Market). Tính tới T06/2023, có khoảng 76 thị trường chứng khoán được MSCI xếp hạng. Trong đó, có 29 TTCK nằm trong nhóm thị trường cận biên, 24 thị trường thuộc thị trường mới nổi và 23 thị trường thuộc nhóm thị trường phát triển.


    Tiêu chí phân loại thị trường của MSCI

    Các thị trường được MSCI phân loại

  • Đối với FTSE:chia riêng nhóm thị trường mới nổi thành 2 nhóm là: thị trường mới nổi tiên tiến (Advanced Emerging) và Thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging), bên cạnh đó cũng phân loại thị trường phát triển (Developed) và thị trường cận biên (Frontier) như MSCI.


    Tiêu chí phân loại thị trường của FTSE

    Các thị trường được FTSE phân loại (cập nhật tháng 03/2023)

Trong báo cáo phân loại thị trường công bố vào T09/2023, FTSE Russell đang xếp hạng: 29 thị trường thuộc nhóm cận biên, 14 thị trường thuộc thị trường mới nổi thứ cấp, 10 thị trường thuộc thị trường mới nổi tiên tiến và 25 thị trường thuộc nhóm thị trường phát triển.

Việt Nam trong kỳ đánh giá gần nhất của FTSE và MSCI

Theo tiêu chí của MSCI và FTSE, Việt Nam đang ở thị trường cận biên (Frontier Market) đã đáp ứng một số các tiêu chí phân loại thị trường mới nổi tuy nhiên vẫn còn nhiều điều kiện cần thay đổi để đáp ứng, cụ thể như sau:

Việt Nam cần cải thiện gì để được nâng hạng?

Nhìn chung Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging), tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 9/18 tiêu chí => tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.

  • Đối với FTSE: Việt Nam tiếp tục được FTSE Russell duy trì trong danh sách chờ để xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong 2024, FTSE Russell cũng nêu rõ Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi kể từ T09/2018 tuy nhiên sự tiến triển chậm hơn so với dự kiến. Một điểm đáng ghi nhận trong báo cáo đánh giá T09/2023 khi FTSE nêu rõ nhận định tích cực về tính cam kết của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đối với các công việc cần phải thực hiện và UBCKNN cũng đã có nhiều động thái tìm kiếm giải pháp khả thi để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). FTSE đang đánh giá 02 tiêu chí còn hạn chế là “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại”. Hiện nay, việc kiểm tra có sẵn tiền trước khi thực hiện giao dịch để đảm bảo an toàn là thông lệ tại Việt Nam do đó thị trường sẽ không có các giao dịch thất bại (failed trades), vì vậy tiêu chí “Thanh toán – các chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” không được đánh giá. Tuy nhiên, hiện nay UBCKNN đang tìm kiếm giải pháp để gỡ bỏ yêu cầu cần ký quỹ trước khi giao dịch (pre-funding) bên cạnh sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX - các động thái này được FTSE Russell đánh giá cao.
  • Đối với MSCI: Việt Nam vẫn chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, các tiêu chí của MSCI khắt khe, cứng rắn hơn so với FTSE Russell. Trong 03 năm gần nhất từ 2021-2023, 09 tiêu chí Việt Nam chưa đáp ứng vẫn không có sự cải thiện, do đó trước khi được chính thức MSCI nâng hạng => Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để được xem xét đưa vào danh sách theo dõi của MSCI.

MSCI cũng chỉ ra nhiều yếu tố Việt Nam cần thay đổi, trong đó 02 điểm có thể sớm được cải thiện là: (1) quy trình đăng ký mở tài khoản cho NĐTNN – do hiện nay NĐTNN bắt buộc phải đăng ký giao dịch và thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận của VSD, và (2) việc công bố thông tin về quy định pháp luật, doanh nghiệp bằng ngôn ngữ tiếng Anh để NĐTNN có thể tiếp cận và nắm bắt kịp thời – công bằng như NĐT trong nước. Nhìn sang TTCK Philippines trong khu vực, mặc dù còn nhiều tiêu chí chưa được MSCI đánh giá hoàn thiện nhưng Philippines đang được MSCI xếp hạng thị trường mới nổi, so sánh một cách tương quan với Philippines- Việt Nam có thể khắc phục được những yếu tố này (bảng trên)

Tóm lại

Trong báo cáo đánh giá gần nhất của MSCI và FTSE trong năm 2023, Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần phải cải thiện để sớm được nâng hạng thị trường. Về cơ bản, một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh bao gồm:

  1. Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường.
  2. Cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao tính minh bạch cũng như chất lượng công bố thông tin của các doanh nghiệp trên thị trường (thời gian, ngôn ngữ bằng tiếng Anh).
  3. Hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật.
  4. Vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng như quy trình đăng ký tài khoản mở mới cho NĐTNN.
  5. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
  6. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.

Những nỗ lực từ các cơ quan quản lý và thành viên thị trường

Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là trở ngại lớn nhất đối với quá trình nâng hạng thị trường đồng thời để đảm bảo được các tiêu chí nâng hạng thì có những thách thức rất lớn với bản thân doanh nghiệp, cơ quan quản lý do yêu cầu bảo đảm toàn vẹn khả năng chống chịu rủi ro của thị trường.

Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch là quy định bắt buộc nhà đầu tư phải ký quỹ một khoản tiền nhất định trước khi thực hiện giao dịch. Quy định này thường được áp dụng cho các loại giao dịch có rủi ro cao, như giao dịch phái sinh, giao dịch ký quỹ, giao dịch margin.

Mức ký quỹ được yêu cầu sẽ phụ thuộc vào loại giao dịch, giá trị giao dịch, và rủi ro của giao dịch. Ví dụ, mức ký quỹ cho giao dịch phái sinh thường cao hơn so với mức ký quỹ cho giao dịch chứng khoán.

Có hai loại ký quỹ chính:

  • Ký quỹ tiền mặt: Nhà đầu tư nộp một khoản tiền mặt vào tài khoản ký quỹ.
  • Ký quỹ chứng khoán: Nhà đầu tư nộp một lượng chứng khoán vào tài khoản ký quỹ.

Ví dụ minh họa

Ví dụ 1:

An muốn mua 100 cổ phiếu XYZ với giá thị trường hiện tại là 100.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, An chỉ có 50 triệu đồng trong tài khoản giao dịch.

Sàn giao dịch yêu cầu mức ký quỹ 50% cho giao dịch mua cổ phiếu. Do đó, An cần phải ký quỹ 50 triệu đồng (50% x 100 triệu đồng) trước khi thực hiện giao dịch.

Ví dụ 2:

Bình muốn mở một vị thế giao dịch phái sinh trên hợp đồng tương lai dầu thô. Mức ký quỹ cho giao dịch này là 10%.

Bình muốn mở vị thế giao dịch với giá trị hợp đồng là 1 tỷ đồng. Do đó, Bình cần phải ký quỹ 100 triệu đồng (10% x 1 tỷ đồng) trước khi thực hiện giao dịch.

=> Tìm kiếm phương án giải quyết pre-funding: Vào T12/2023, lãnh đạo UBCKNN đã tổ chức các cuộc họp với các thành viên thị trường, doanh nghiệp, cơ quan liên quan để tìm giải pháp liên quan đến nội dung ký quỹ trước giao dịch. Bên cạnh việc đưa vào vận hành hệ thống KRX, tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát hành vi của NĐT trên thị trường thì việc tăng thẩm quyền cho các CTCK trong việc thẩm định rủi ro: tự ra quyết định trong vấn đề ký quỹ đối với từng NĐT, được phép tịch thu tài sản, thanh lý chứng khoán khi NĐT không thể thanh toán… cũng đang được cân nhắc.

Giải quyết pre-funding thế nào: Nếu ngân hàng không chịu chấp nhận rủi ro thì công ty chứng khoán phải là bên chấp nhận rủi ro cho việc nhà đầu tư nước ngoài không phải trả tiền ngay khi thực hiện lệnh mua.

Trước mắt là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện lệnh mua mà không cần phải trả tiền ngay => Công ty chứng khoán sẽ cho nhà đầu tư vay trong 1 ngày, sau đó sáng ngày T+2 thì nhà đầu tư phải chuẩn bị tiền để trả lại => Nhà đầu tư sẽ trả tiền xong rồi nhận chứng khoán. Nếu vì lý do gì đó mà nhà đầu tư không thể chồng tiền vào kịp, có thể tiền về chậm 1-2 ngày thì tiền nhà đầu tư buộc phải thỏa thuận với công ty chứng khoán để khoản chứng khoán đó gửi vào tài khoản tự doanh rồi sau đó nhà đầu tư có tiền sẽ trả lại sau. Còn trường hợp nhà đầu tư bùng tiền hoặc không có khả năng trả thì công ty chứng khoán sẽ mang số chứng khoán đó ra bán đi để thu hồi tiền lại. Hiện nay có khoảng 10 công ty chứng khoán đủ sức làm việc này, nên- nhiêu đó cũng khá đủ rồi!

Tích cực hợp tác quốc tế, hội nghị xúc tiến đầu tư, làm việc với các UBCK, SGDCK, tổ chức xếp hạng thế giới: (1) Hội nghị bàn tròn về kết nối thị trường vốn nhằm xây dựng thị trường vốn xanh giữa Việt Nam – Luxembourg tại SGDCK Luxembourg, (2) Gặp gỡ 2 tổ chức MSCI, FTSE và các NĐT Quốc tế họp bàn giải pháp nâng hạng thị trường tại Hong Kong (Trung Quốc) vào T08/2023, (3) Làm việc với tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings và ký kết Ý định thư giữa UBCKNN và SGDCK Nasdaq vào T09/2023 nhân chuyến thăm của Thủ tướng đến Hoa Kỳ, (4) Tham gia diễn đàn OECD về Tài chính và đầu tư xanh vào T10/2023, (5) Thúc đẩy hợp tác song phương giữa UBCK Việt Nam và Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ vào T11/2023 và (6) Thúc đẩy hợp tác song phương với UBCK và Đầu tư Australia vào T12/2023.

Nỗ lực đưa hệ thống KRX vào vận hành: trong Quý 4/2023, SGDCK Tp Hồ Chí Minh (Hose) cùng các thành viên thị trường đã tích cực kiểm thử và vận hành hệ thống KRX. Theo kế hoạch dự kiến vào tháng 12/2023 hệ thống sẽ go-live, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thời gian chính thức đưa vào vận hành vẫn đang bỏ ngỏ. => Nếu hệ thống giao dịch KRX sớm đi vào hoạt động sẽ là bước quan trọng về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu NĐTNN phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán cũng như cải thiện đánh giá của các tổ chức xếp hàng trong các kỳ đánh giá định kỳ sắp tới.

Sự kết hợp giữa ngân hàng nhà nước và Bộ kế hoạch đầu tư

  • Về vấn đề ký quỹ: Theo lãnh đạo của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ sẽ là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc pre-funding. Vai trò của NHNN rất quan trọng trong việc triển khai CCP cũng như mức độ linh hoạt trong việc điều hành chính sách tỷ giá.
  • Về tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài: để giải quyết vấn đề này sẽ cần thay đổi các quy định đối với từng ngành nghề, danh mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐTNN. Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện nay đang được quy định tại: Luật Đầu tư (Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành), Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành). Ngoài ra, việc nghiên cứu và thí điểm áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – TTCK Thái Lan đã triển khai khá thành công – cũng cần có cơ chế phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp. Chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết (NVDR) hiện tại muốn làm rất khó khăn nên thôi để qua 1 bên để làm cái khác. Chủ yếu làm về room dễ hơn. Ví dụ: yêu cầu các công ty niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, công bố room, công bố thông tin ngành nghề kinh doanh => Nhà đầu tư có thể dễ dàng nhận ra các ngành nào đang có room sở hữu nước ngoài thấp => Cổ đông có thể yêu cầu công ty bỏ bớt những ngành nghề kinh doanh vốn không có kinh doanh mà lại kéo room công ty thấp xuống.

Trong thời gian tới một số mốc thời gian và sự kiện đáng chú ý cần theo dõi về khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam nhà đầu tư cần lưu ý như:

  1. Báo cáo đánh giá phân loại thị trường định kỳ hàng năm của các tổ chức xếp hạng thị trường – đặc biệt là nhận xét của FTSE.
  2. Tiến độ thực tế triển khai hệ thống KRX.
  3. Hành động của cơ quan quản lý trong việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc – trước
    tiên là tiêu chí “pre-funding”.
  4. Diễn biến của khối ngoại, ETF trên thị trường – trong đó động thái mua ròng mạnh mẽ các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí của NĐTNN là một yếu tố cần quan sát kỹ lưỡng.
  5. Quan điểm của các Bộ và cơ quan ngang Bộ có liên quan đến việc phối hợp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường.

2. Thị trường Việt Nam sẽ được gì khi nâng hạng thành công

Dòng vốn đầu tư từ các Quỹ đầu tư Quốc tế chuyên đầu tư thị trường phát triển sẽ đỗ bộ vào Việt Nam

Khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán (TTCK) có khả năng thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư thụ động (hình thức đầu tư này ngày càng phổ biến hơn trên thế giới), như các quỹ đầu tư theo các chỉ số của các tổ chức uy tín trên thế giới như MSCI, FTSE Russell… Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.

  • Theo dữ liệu tính đến hết ngày 30/11/2023 từ Bloomberg, hiện đang có 491 Quỹ với tổng quy mô 956 tỷ USD bao gồm 180 Quỹ ETF (quy mô 421 tỷ USD) và 311 Quỹ mở có thông tin (quy mô 533 tỷ USD) đang đầu tư vào TTCK mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE, trong đó tỷ trọng số lượng các Quỹ tham chiếu theo MSCI (87%) nhiều hơn so với FTSE (13%). Cũng cần lưu ý rằng số liệu của các Quỹ mở theo Bloomberg thống kê chưa bao quát hết toàn bộ thị trường/quy mô của các quỹ đang hoạt động đầu tư vào các khu vực, do đó giá trị thực tế sẽ lớn hơn số liệu tổng hợp.
  • Xét riêng khu vực ASEAN5 đối với 04 thị trường: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines có tổng cộng 240 Quỹ với tổng giá trị tài sản 859 tỷ USD, trong đó bao gồm 135 Quỹ mở (quy mô 490 tỷ USD – với tổng giá trị đầu tư 13.12 tỷ USD) và 105 Quỹ ETF (quy mô 369 tỷ USD – với tổng giá trị đầu tư 19.04 tỷ USD) đang phân bổ tài sản vào 04 thị trường này.

Theo ước tính của BSC Research, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi sẽ có khoảng 3.5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Bên cạnh đó, các Quỹ đầu tư sẽ xem xét về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia để phân bổ danh mục đầu tư phù hợp, do đó con số này có thể sẽ thấp hơn thực tế khi Việt Nam đang là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, đang tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn, là đối tác chiến lược toàn diện của các nền kinh tế lớn trên thế giới và được nhiều tổ chức uy tín đánh giá cao.

Do Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và đã trong
danh sách theo dõi của FTSE nên trong tương lai gần TTCK Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp. Khi FTSE Russell chính thức nâng hạng, dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1.3-1.5 tỷ USD từ các Quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700-800 triệu USD (tương đương với quy mô TTCK Philippines hiện tại).

Danh mục cổ phiếu đáng chú ý khi Việt Nam được nâng hạng

Bên cạnh các bộ chỉ số bao quát chung, phân bổ ở các quốc gia theo tỷ trọng, MSCI và FTSE
cũng sẽ có các bộ tiêu chí dành riêng cho từng thị trường để các Quỹ tham khảo và tham chiếu– phần lớn các Quỹ ETF sử dụng để đầu tư vào các thị trường theo phân loại của MSCI, FTSE.

Bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ chỉ số VN30-Index, các cổ phiếu khác đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng cần được lưu ý trong trường hợp TTCK Việt Nam được các tổ chức nâng hạng thị trường.
BSC Research thực hiện tổng hợp 20 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất thuộc các ETF ngoại đang nắm giữ cổ phiếu Việt Nam theo đó có tổng cộng 31 cổ phiếu thuộc 06 ETF ngoại cần chú ý, trong đó có 15/30 cổ phiếu VN30-Index gồm: HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VJC, SHB, POW, BID, STB, SAB, BVH. Đối với những cổ phiếu hết “room-ngoại” các NĐTNN có thể sở hữu gián tiếp thông qua việc đầu tư CCQ ETF VN-Diamond hoặc sản phẩm NVDR trong tương lai (nếu có).

Tổng kết

Nâng hạng thị trường là bước đầu tiên để nâng cao chất lượng hoạt động của toàn bộ các thành viên trên thị trường và tiệm cận các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên cũng cần phải xây dựng nền tảng thật tốt để có thể “trụ vững” qua các kỳ đánh giá định kỳ của FTSE, MSCI do trong quá khứ đã không có ít quốc gia đã được nâng hạng nhưng sau đó do không đáp ứng các tiêu chí đã bị các tổ chức này loại khỏi danh sách.

Tham khảo

Báo cáo chiến lược tuần 29/01-02/02/24- BSC research (Bài này khá hay và đầy đủ, phần lớn bài viết mình copy từ đây ra, anh em cần trọn bài thì contact mình nhé!)
FTSE Country Classification Criteria
MSCI Market Classification Framework
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Tháo gỡ hai vướng mắc về ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Bộ Tài chính tăng cường hợp tác hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh
Chuyện vận hành hệ thống KRX đến giờ chỉ có thể nói là sẽ cố gắng sớm nhất
Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết - Công cụ tài chính mới để tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
4 tỷ USD vốn ngoại đổ vào nếu chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, những cổ phiếu nào sẽ được quan tâm?

6 Likes

õ, bài đã được duyệt :’)

3 Likes

loại bỏ pre-funding với nhà đầu tư cá nhân thì khó quá nhỉ, lỡ lỗ T2 thì quỵt tiền luôn

4 Likes

Chính phủ đang chỉnh sửa một nghị định- đồng thời sửa đổi 4 thông tư giải quyết vấn đề pre-funding này. Nếu sửa xong thì phải mất tầm 2 tháng nữa → rời vào khoảng đầu tháng 4. Rồi công ty chứng khoán mới có thể áp dụng vào tháng 5-6 gì đó sẽ triển khai.

5 Likes

vậy là VN được ftse nâng hạng rồi thì msci mới chỉ cho vào ds theo dỏi theo sao, khó thật

5 Likes

Đúng rồi bác, hành trình đc MSCI nâng hạng gian nan lắm :’)

2 Likes

dạo này F kiểm duyệt từ “roo m” nhỉ

2 Likes

ông này không có thói quen viết bài ngắn nhỉ, nhưng mà chất lượng đấy. Like nhé!

2 Likes

Giờ ngân hàng chiếm gần phân nữa vốn hóa TT, nhưng những ngân hàng ngon lại kín hết room ngoại

2 Likes

đâu chứ ở Vn thì tôi nghi là có sang năm lắm, cái KRX thôi mà lỡ hẹn năm này qua tháng nọ rồi

2 Likes

Đặc sản rồi bác. Nhưng phát triển thị trường chứng khoán nằm trong mục tiêu trọng điểm quốc gia, mình nghĩ VN mình sẽ rất quyết tâm

2 Likes

lên thì tiền đổ vào, tiền càng nhiều thì TTCK càng bùng nổ. Như bác nói là trọng điểm kinh tế quốc gia ấy, em thấy cũng đúng, gọi vốn ngoại cho thị trường đa dạng với mang tính hội nhập

3 Likes

Giải pháp này khá hợp lý đấy, nhưng vẫn thấy nó khó khó. Nhở T2 về hàng lỗ tụi nó quỵt tiền luôn rồi sao, không có gì đảm bảo khó thật

3 Likes

khó thật bác :slight_smile:

3 Likes

đợi được MSI đưa vào danh sách theo dỏi thì điện kiện là phải được FTSE nâng hạng trước hả ad?

3 Likes

nói vậy không đúng bác. Nhưng mà đc FTSE nâng hạn cũng là 1 bước đệm tốt để VN được MSCI xem xét

2 Likes

dân số VN đang bước vào giai đoạn dân số vàng, qua 10 năm nữa dân số VN bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa. Nếu mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình thì khả năng sẽ mãi kẹt ở đó => Chính phủ phải thúc mạnh phát triển kinh tế đất nước, chứng khoán cũng là 1 kênh cần được phát triển khi huy động vốn cho nền kinh tế, dư địa tăng trưởng cũng còn lớn nữa

3 Likes

nghe bác nói có vẻ nghiêm trọng nhỉ, kiểu chưa biết cảm giác giàu sang thế nào đã già rồi

2 Likes

Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng.

3 Likes

thanks bác!

2 Likes