Nền kinh tế có nhiều khởi sắc nhưng vẫn cần thêm trợ lực

Diễn biến kinh tế quý 1/2024, cho thấy nền kinh tế đã có những tín hiệu khởi sắc và đang dần phục hồi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt, đặc biệt là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, vì vậy vẫn cần thêm “trợ lực” để kích thích tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư…

Quý I khởi sắc nền kinh tế vẫn cần thêm trợ lực

Nhận diện các yếu tố tác động đến tổng cầu nền kinh tế

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân trong sách chuyên khảo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2023 vừa được công bố, cho thấy những thực trạng cần suy ngẫm về nền kinh tế, nhất là các yếu tố động lực quan trọng cũng như vấn đề phục hồi tổng cầu.

Xem xét ở góc độ đầu tư, tính toán của nhóm nghiên cứu, cho thấy tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI có mối tương quan thuận chiều với tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn. Ngược lại, vốn đầu tư công dường như có xu hướng tác động tiêu cực đến tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn.

Nhóm nghiên cứu, cho rằng đầu tư của khu vực FDI là nhân tố tạo ra thu nhập kém nhất. Đầu tư của khu vực này giai đoạn 2016-2022 tuy lan tỏa đến giá trị sản xuất mạnh hơn giai đoạn 2010-2015 (1,83 so với 1,7), nhưng mức độ lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm đáng kể (0,55 so với 0,65).

Bên cạnh đó, nhóm ngành dẫn đầu trong thu hút FDI là chế biến chế tạo chứng kiến suy giảm về giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất. Tỷ lệ này giảm từ 34,7% giai đoạn 2007-2014 xuống còn 21,7% giai đoạn 2015-2023. Đồng thời, xuất khẩu của Việt Nam có sức lan tỏa lớn đến nhu cầu nhập khẩu, đặc biệt là các đầu vào cho sản xuất như máy móc; thiết bị; nguyên, nhiên, vật liệu.

Ở góc độ tiêu dùng, theo nhóm nghiên cứu, trong năm 2023, tích lũy tài sản tăng 4,09% và tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52%, thấp hơn tốc độ tăng vào năm 2022 (lần lượt là 5,4% và 7,09%). Cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy gộp tài sản đều tăng thấp hơn mức tăng chung (5,05%). Như vậy, tăng trưởng GDP năm 2023 chủ yếu đến từ chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh.

Trong tiêu dùng hộ gia đình, tiêu dùng hàng nhập khẩu sẽ làm giảm GDP vì những hàng hóa này không được sản xuất trong nước mà phải nhập khẩu. Còn tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, do nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là gia công, công nghiệp hỗ trợ không phát triển, nên việc sử dụng hàng hóa trong nước thực chất sẽ kích thích nhập khẩu.

Về xuất khẩu, trong giai đoạn 2016-2022, mức độ lan tỏa của xuất khẩu đến giá trị sản xuất và nhập khẩu tăng mạnh (11,7% và 52%), nhưng mức độ lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm (-13,3%) so với giai đoạn 2010-2015. Điều này, theo nhóm nghiên cứu thì xuất khẩu hiện nay về cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công, và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu mạnh của khu vực kinh tế trong nước.

Trước các vấn đề được nhóm nghiên cứu đề cập, có thể thấy, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước trong bức tranh tổng cầu nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, theo nhóm tác giả nghiên cứu, cần tháo gỡ các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, có các chính sách kích cầu nội địa và chính sách phát triển thương mại quốc tế. Mặt khác, cần khắc phục tình trạng gia công của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ.

Đã có tín hiệu khởi sắc, nền kinh tế vẫn cần thêm trợ lực

Diễn biến kinh tế quý I năm 2024, cho thấy nền kinh tế đang phục hồi dần, GDP tăng 5,66% cũng là tín hiệu đáng mức, đây là mức cao so với cùng kỳ những năm trước. Đáng chú là mức tăng khá đồng đều ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, dù vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước dịch 2011-2019.

Phân tích về những chuyển biến đáng chú ý, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng BIDV, ông Cấn Văn Lực lưu ý, rằng: doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý 1/2024 tăng 8,2%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (13,9%); loại trừ yếu tố giá, tăng 5,1% (thấp hơn mức 10,1% cùng kỳ năm 2023 cũng như giai đoạn trước dịch). Điều này chứng tỏ sức mua vẫn thấp, do đó, nhóm nghiên cứu BIDV kiến nghị cần có giải pháp kích cầu tiêu dùng.

Về du lịch, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam rất đông, quý 1 tăng 72% song doanh thu dịch vụ lưu trú - ăn uống, du lịch lữ hành chỉ tăng 24% so với cùng kỳ 2023, điều này chứng tỏ khách du lịch tiêu dùng tiết kiệm, chắt chiu, thông minh hơn.

Bên cạnh đó, về hoạt động thương mại, quý 1/2024 xuất khẩu tăng trở lại 17%, nhập khẩu tăng 13,9% (một phần là do so với mức nền thấp), kéo theo sản xuất phục hồi, đặc biệt trong ngành dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ... Xuất khẩu sang một số đối tác chính đang phục hồi như xuất khẩu quý 1/2024 sang Mỹ tăng khá tốt 26%, châu Âu 16%, Hàn Quốc 13%, ASEAN gần 10% (so với mức âm của cùng kỳ năm trước).

Theo ông Lực, đơn hàng quay trở lại nhưng đơn hàng có nhiều thay đổi khi tình trạng đơn hàng ngắn hơn trước, chỉ cho vài quý, chủ hàng yêu cầu không tăng giá. Trong khi đó, doanh nghiệp khó khăn do chi phí đầu vào tăng như chi phí logistics tăng, chi phí nhân công, thuê công xưởng tăng, khiến biên lợi nhuận của nhiều ngành như điện máy, gỗ, da giày, dệt may…bị co hẹp.

Đầu tư công vẫn là động lực quan trọng, dự kiến năm nay cả nước đẩy mạnh giải ngân khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng (gồm cả phần kết chuyển), tăng 12% so với năm ngoái. Tiếp tục xu hướng tăng dần qua từng tháng, vốn FDI vào Việt Nam vẫn khá tích cực. Vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4%; vốn giải ngân FDI đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Nhìn lại diễn biến kinh tế quý 1/2024, đặc biệt là với các trợ lực tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế, cho rằng nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, lạm phát dù tăng nhưng chấp nhận được và thấp hơn nhiều nước và khu vực. Nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách nhà nước trong ngưỡng Quốc hội cho phép, do đó, rủi ro tài khóa ở mức trung bình.

Vẫn biết dư địa chính sách tài khoá khá rộng để chúng ta có thể đưa ra những gói hỗ trợ mới nhằm tiếp thêm động lực cho thúc đẩy tăng trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các gói hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là triển khai các gói hỗ trợ giãn, hoãn, giảm thuế và phí.

Cùng với đó là tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là những doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy, trong đó có việc hướng dẫn triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi… và quy hoạch các địa phương cơ bản đã được ban hành,… đang tích cực triển khai. Đây như là những trợ lực quan trọng cũng như tăng tính lan tỏa, liên kết vùng, tạo thuận lợi trong giao thương và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục tận dụng cơ hội từ những động lực mới đến từ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thông qua nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Úc, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và nhiều lĩnh vực khác…

Linh hoạt trong điều hành chính sách để kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được dự báo sẽ còn gặp nhiều rủi ro, thách thức, bao gồm: xung đột địa chính trị phức tạp (nhất là xung đột Biển Đỏ, Trung Đông gần đây) và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong đó, căng thẳng chính trị khu vực Trung Đông nếu leo thang hơn sẽ đẩy giá năng lượng, giá dầu, giá vàng và giá lương thực - thực phẩm tăng cao. Đây là những nhân tố gây sức ép trực tiếp lên lạm phát và gián tiếp lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao. Cùng với đó, đà phục hồi chậm lại ở 1 số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc… kéo theo tăng trưởng toàn cầu thấp hơn năm 2023. Ngoài ra, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu, biến đổi khí hậu bất thường, động đất.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có xu hướng ngược chiều thế giới, lạm phát năm nay cao hơn năm 2023 (3,25%) ở mức 3,4-3,8% vì năm nay kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn, cung tiền tung ra nhiều hơn, vòng quay tiền nhanh hơn, tăng lương cơ sở từ ngày 1/7, chưa kể học phí, viện phí, tiền điện cũng đã tăng. Dù vậy, lạm phát ở Việt Nam 2024 được dự báo vẫn dưới mục tiêu (4-4,5%).

Tại tọa đàm “Nhận diện Kinh tế quý 1/2024, mở lối cho kinh tế cả năm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia đề xuất lấy chính sách tài khóa làm chủ lực, “mở rộng, có trọng tâm”. Trong đó có việc cân nhắc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, cho phép giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước. Cùng với đó, thúc đẩy và lành mạnh hóa tín dụng tiêu dùng cũng là giải pháp kích cầu.

Về vấn đề chính sách tiền tệ, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, là nhóm chính sách “bổ trợ”, điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.

“Ngoài ra không quên những động lực tăng trưởng mới (như kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, năng suất lao động, tăng đóng góp TFP vào tăng trưởng). Nếu phát huy, khai thác tốt 7 động lực tăng trưởng mới này sẽ giúp GDP có thể tăng thêm từ 0,9 - 1,4 điểm%, trước mắt trong bối cảnh toàn cầu đang suy giảm cũng như lâu dài”, TS. Cấn Văn Lực lưu ý.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng đề nghị các doanh nghiệp cũng cần chủ động quyết liệt tái cơ cấu, quan tâm quản trị rủi ro (rủi ro an toàn thông tin, dữ liệu, an ninh mạng; rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn...); chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí...

Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; quan tâm hơn đến năng lực thích ứng, năng lực quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi xanh, nhất là khi các thị trường khó tính như Mỹ, EU… dần đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn xanh nên doanh nghiệp phải chuẩn bị từ bây giờ; thực thi chiến lược chuyển đổi số, gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...

Minh Đức

https://thuongtruong.com.vn/news/nen-kinh-te-co-nhieu-khoi-sac-nhung-van-can-them-tro-luc-120496.html