Bulog dự báo nhu cầu gạo ở Indonesia vào năm 2024 sẽ đạt 31,2 triệu tấn. Điều này có nghĩa là việc thực hiện nhập khẩu gạo ở Indonesia mới chỉ đạt 4,1% tổng nhu cầu trong nước.
Gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Dương Vũ tại ấp Bình Cang, xã Bình Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) ngày 13/5 cho biết việc thực hiện nhập khẩu gạo thông qua Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) chỉ đáp ứng chưa đến 5% tổng nhu cầu quốc gia.
Theo ông Jokowi, hoạt động nhập khẩu gạo cần tiến hành thường xuyên để đảm bảo nguồn dự trữ quốc gia và ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng cơ bản.
Ông Jokowi nói rằng, “5% gạo nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Pakistan không đủ đáp ứng nhu cầu gạo cho 280 triệu người Indonesia.”
Chính phủ Indonesia hiện đang nỗ lực để đảm bảo nguồn gạo dự trữ quốc gia và phân phối phù hợp nhu cầu sử dụng của người dân.
Chính sách lương thực hiện nay là kết hợp giữa việc đảm bảo nguồn cung cấp tại chỗ khi Indonesia chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính nhưng đồng thời cũng cần duy trì hoạt động nhập khẩu gạo từ nước ngoài.
Theo ông Jokowi, chính sách phân phát 10kg gạo viện trợ hàng tháng cho các hộ gia đình nghèo sẽ tiếp tục đến tháng 6 và dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 12, tùy thuộc vào khả năng sẵn có của Ngân sách Nhà nước.
Sáng kiến viện trợ gạo là phản ứng của chính phủ trước tình trạng giá gạo tăng do lạm phát lương thực toàn cầu.
Kết quả là giá gạo ở Indonesia vẫn đảm bảo ổn định trong khi giá gạo một số quốc gia khác trong khu vực đã tăng đến 50%.
Dựa trên dữ liệu mới nhất vào đầu tháng 5/2024, Bulog đã nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo trong kế hoạch nhập khẩu 3,6 triệu tấn năm 2024.
Bulog dự báo nhu cầu gạo ở Indonesia vào năm 2024 sẽ đạt 31,2 triệu tấn. Điều này có nghĩa là việc thực hiện nhập khẩu gạo ở Indonesia mới chỉ đạt 4,1% tổng nhu cầu trong nước./.