Nền kinh tế Nhật Bản trượt dốc, cản trở kế hoạch tăng lãi suất của BOJ

Nền kinh tế Nhật Bản giảm nhanh hơn dự kiến ​​trong quý I/2024, khi đồng Yên yếu tiếp tục gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặt ra thách thức mới cho nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm đưa lãi suất tiến xa hơn mức gần 0.

Kinh tế suy giảm

Theo dữ liệu GDP sơ bộ do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng 16/5, nền kinh tế Nhật Bản giảm 2% trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm ngoái do tiêu dùng và suất khẩu giảm.

Ngoài ra, sự tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tại công ty con Daihatsu của hãng sản xuất ô tô Toyota Motor mặc dù hoạt động sản xuất hiện đã được khôi phục. Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh cho Daihatsu Motor Co. ngừng sản xuất toàn bộ dòng sản phẩm của mình vì kết quả kiểm tra an toàn giả mạo.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong quý I, được điều chỉnh theo lạm phát, giảm 0,5% so với quý trước.

Dữ liệu được điều chỉnh giảm cho thấy GDP hầu như không tăng trưởng trong quý IV/2023 do ước tính chi tiêu vốn bị hạ cấp.

Sự thu hẹp này đã được dự đoán rộng rãi vì các nhà kinh tế do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản thăm dò đã dự báo mức giảm thực tế hàng năm là 1,17%, tương đương 0,29% so với quý trước.

Vụ bê bối giả mạo kiểm tra an toàn của thương hiệu Daihatsu là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới kinh tế Nhật Bản.

Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong quý từ tháng 4 đến tháng 6. Nhưng dữ liệu cũng chỉ ra khó khăn mà Ngân hàng Nhật Bản phải đối mặt trong việc theo đuổi một đợt tăng lãi suất khác khi ngân hàng này phải vật lộn với triển vọng tăng trưởng chậm, lạm phát và đồng yên yếu.

Theo Văn phòng Nội các, tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế, đã giảm 0,7%, giảm trong quý thứ 4 liên tiếp.

Chuỗi giảm giá dài nhất trong 15 năm cho thấy nhu cầu trong nước đang suy yếu, một yếu tố quan trọng để Nhật Bản củng cố chu kỳ tăng lương và giá tích cực, giúp BOJ giảm kích thích tiền tệ mà họ đã duy trì trong cuộc chiến chống giảm phát kinh niên.

Saisuke Sakai, nhà kinh tế cấp cao tại Mizuho Research & Technologies Ltd, cho biết: “Khi tăng trưởng tiền lương thực tế vẫn ở mức âm, thật khó để mong đợi tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ”.

Các nhà kinh tế ước tính rằng các hộ gia đình Nhật Bản sẽ phải trả thêm 106.000 yên (690 USD) trở lên trong năm kinh doanh hiện tại tính đến tháng 3, do lạm phát do giá dầu thô tăng, đồng yên yếu và các yếu tố khác.

Chi tiêu vốn giảm 0,8%, giảm lần đầu tiên trong hai quý. Các công ty Nhật Bản hạn chế đầu tư vào máy móc và các mặt hàng liên quan đến ô tô sau vụ bê bối gian lận dữ liệu tại Daihatsu, một công ty thuộc tập đoàn Toyota Motor Corp.

Ngành công nghiệp ô tô là động lực chính của nền kinh tế Nhật Bản, với dữ liệu GDP mới nhất nêu bật những tác động lan tỏa của vụ bê bối kiểm tra an toàn tại Daihatsu Motor, làm ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và các công ty cũng như xuất khẩu.

Xuất khẩu giảm 5% mặc dù du lịch nội địa tiếp tục tăng trưởng. Nhập khẩu giảm 3,4% trong bối cảnh nhập khẩu năng lượng giảm.

Sự suy yếu của nhu cầu trong nước đi kèm với lạm phát vượt quá tốc độ tăng trưởng tiền lương. Điều này diễn ra bất chấp các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm vào mùa xuân giữa liên đoàn lao động và ban quản lý đã mang lại kết quả tốt nhất trong 3 thập kỷ, sau khi các công ty lớn cân nhắc tác động của đợt lạm phát do chi phí đẩy gần đây và đồng ý tăng lương.

Theo dữ liệu, Nhật Bản đã suýt trượt mục tiêu thúc đẩy quy mô nền kinh tế lên 600.000 tỷ yên trở lên, khi đạt tổng quy mô 599.000 tỷ yên.

Cản trở con đường tăng lãi suất của BOJ

Mặc dù dữ liệu chi tiêu vốn sơ bộ thường phải điều chỉnh nhiều trong lần công bố cuối cùng, nhưng sự sụt giảm trên diện rộng ở tất cả các thành phần GDP cho thấy nền kinh tế Nhật Bản không có động lực tăng trưởng lớn trong quý đầu tiên.

Điều đó có thể tạo ra một số do dự đối với Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), cơ quan đã tăng lãi suất vào tháng 3 lần đầu tiên kể từ năm 2007 và kể từ đó chưa có thêm động thái thắt chặt.

Đồng yên Nhật gần đây đang được giao dịch ở mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, vào khoảng 155 yên đổi 1 USD. Điều này giúp ích cho du lịch nhưng lại làm tổn hại đến khả năng chi tiêu, đặc biệt đối với một quốc gia phải nhập khẩu gần như toàn bộ năng lượng.

Theo AP, Kyodo News, Reuters

Linh Anh

Link gốc

https://vietnamfinance.vn/nen-kinh-te-nhat-ban-truot-doc-can-tro-ke-hoach-tang-lai-suat-cua-boj-d110820.html