Áp lực giải chấp trên thị trường chứng khoán hôm nay được tiếp nối từ phiên giảm giá mạnh ngày 25/9; độ dốc xuống lớn dẫn đến tỷ lệ phải giảm margin tăng lên.
Từ trạng thái tăng gần 10 điểm lúc 14h, VN-Index nhanh chóng chuyển trạng thái sang giảm 10 điểm trước 14h30. Lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên khiến chỉ số nới biên độ giảm lên mức 15,2 điểm qua đó đóng thủng mốc 1.140.
Giá trị giao dịch toàn thị trường giảm so với phiên trước, còn 24.900 tỷ đồng.
Diễn biến các chỉ số ngành phiên 26/9
Toàn thị trường phiên hôm nay có 47 mã giảm sàn trong đó quá nửa đến từ HOSE. APG, DXS, IDI, MHC, PSH, ANV, FCN, HHS, LCG, TCH, TLH, GEX, SGR là những gương mặt tiếp tục được gọi tên.
GVR là cái tên duy nhất giảm sàn (phiên giảm thứ 2 liên tiếp). Phiên trước đó, nhóm VN30 thậm chí ghi nhận loạt mã bị bán hết biên độ như SSI, VIC,…
Quan sát trong chuỗi giảm mạnh 4 phiên liên tiếp của VN-Index, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như NVL, GEX, PDR, KDH, DXG, DIG, VHM, POW,… đã bị bán mạnh, giá giảm từ 8 - 25%.
Dẫn nguồn Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, áp lực giải chấp phiên hôm nay 26/9 được tiếp nối từ phiên giảm giá mạnh trước đó; độ dốc xuống lớn dẫn đến tỷ lệ phải giảm margin sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, các động thái này không phải là điều gì “quá khủng khiếp”.
Về phần mình, các công ty chứng khoán cũng sẽ có chính sách đồng hành với nhà đầu tư, thương lượng bán dần thay vì bán tháo 100% khi cổ phiếu giảm xuống. Cổ phiếu giảm sâu và nhanh khiến nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy lỗ kép và có tâm lý sẽ tìm cách tăng ký quỹ thay vì chấp nhận bán tháo.
Đồng quan điểm, ông Võ Văn Huy, Trưởng phòng Khách hàng cao cấp - Công ty Chứng khoán DNSE ước tính, margin hiện tại quanh 140.000 tỷ đồng (chưa tính nguồn thứ 3) - tăng hơn 30% so với đầu năm. Cũng bởi vậy, việc call margin trong giai đoạn hiện tại và sắp tới là điều hiện hữu, nhất là khi VN-Index đã giảm hơn 100 điểm từ mức đỉnh phiên 12/9 và nhiều cổ phiếu đã giảm từ mức 15 - 30%.
Tuy vậy, điểm tích cực là các công ty chứng khoán đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm qua các giai đoạn thị trường nên việc xử lý call margin linh hoạt và chủ động hơn.
Theo ông Trương Hiền Phương, sau 2 phiên bị bán vì áp lực call margin, thị trường có sẽ bình ổn dần lại (phiên hôm nay lực bán trên toàn thị trường đã giảm dần cả về số lượng mã giảm và giá trị).
Quan sát, các động thái xả bán trong những phiên gần đây có sự tham gia của cả những “cá mập” dẫn đến lực bán nhanh trên diện rộng và rất quyết liệt. Vị chuyên gia cho rằng Lực bán này chắc chắn không đến từ bán call margin từ công ty chứng khoán.
Trong khi đó, ông Phan Tấn Nhật - Trưởng nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, lượng cho vay margin đến cuối quý 2/2023 đạt khoảng 150.000 tỷ đồng và đến cuối quý 3 có thể tăng lên mức 170.000 tỷ. Tỷ lệ vay nợ margin trên tổng vốn hóa toàn thị trường hiện khoảng 2,83% - tương đương thời điểm đỉnh lịch sử năm 2022.
Như vậy, nếu xét theo tỷ lệ, nhiều quan điểm e ngại tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa đạt đỉnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại hoàn toàn khác so với thời điểm cách đây hơn 1 năm khi tổng dư nợ cho vay vẫn còn thấp (chủ yếu căng thẳng ngắn hạn ở một số công ty khi tỷ lệ dư nợ cho vay đã vượt hơn 150%/vốn chủ sở hữu và buộc phải cắt giảm tỷ lệ). Do đó, áp lực margin hiện tại là chỉ xảy ra cục bộ, ngắn hạn ở một vài công ty.