1. DIỄN BIẾN NGÀNH:
1.1 Tín dụng tăng trưởng chậm lại
Tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 9,15% tính tới cuối T11.2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 12% cùng kỳ 2022 => Động lực chính đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ giảm tốc.
- Nhu cầu tín dụng nhìn chung vẫn ở mức yếu do nền kinh tế và thị trường bất động sản hồi phục chậm.
- Dư địa cho vay toàn hệ thống ở mức dồi dào, nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng được NHNN phân bổ. Một số ngân hàng có khả năng mở rộng tín dụng đạt đến 80% chỉ tiêu như TCB, MBB, MSB, HDB, VPB … đã tiếp tục được nới hạn mức tín dụng trong đợt cấp bổ sung vào cuối tháng 11 và nhóm ngân hàng này dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng khoảng 20% trong năm 2023.
1.2 Lãi suất cho vay bắt đầu điều chỉnh giảm:
Cuối Q3.2023, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên BCTC các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 0,6% từ mức đỉnh Q1.2023, tuy nhiên vẫn cao hơn 1,6% so với mức đáy Q4.2021.
Sau khi NHNN thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm nhanh và lãi suất cho vay thực tế đã ghi nhận giảm khoảng 2 – 2,5% tại các khoản vay phát sinh mới, tuy nhiên lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao khoảng trên 10%/năm do có độ trễ 3 – 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề. Mặt bằng lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1 – 1,5% trong năm 2024.
Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận mức lãi suất cho vay giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh do hạ lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng sau khi kết thúc giai đoạn khó khăn về thanh khoản, cùng với việc các khoản cho vay chậm trả lãi có xu hướng gia tăng. Dự kiến lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng này giảm chậm lại trong thời gian tới khi khách hàng quay lại trả nợ.
1.3 Lãi suất huy động hạ nhiệt:
Trạng thái dư thừa thanh khoản tăng lên:
-
Đến cuối T9.2023, huy động từ khách hàng tăng 7,28% ytd, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng 6,96%.
-
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm giúp cho thanh khoản hệ thống chịu mức áp lực thấp.
-
Các chỉ số thanh khoản hiện duy trì ở mức an toàn. Hầu hết các ngân hàng đảm bảo tỷ lệ Vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 30% từ trước 1/10/2023. Tỷ lệ LDR tăng nhẹ ở một số ngân hàng do tối ưu hóa việc sử dụng vốn để cái thiện NIM.
-
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống ghi nhận giảm 2– 2,9% tùy kỳ hạn so với thời điểm cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn chưa được phản ánh hoàn toàn khi chi phí huy động tiền gửi chỉ mới giảm 0,1% từ đỉnh. Hiện mặt bằng lãi suất huy động niêm yết đã về mức thấp hơn giai đoạn dịch bệnh và còn ít dư địa giảm tiếp.
1.4 CASA trên đà hồi phục:
Toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA bắt đầu hồi phục tăng lên 18,8% từ mức đáy 17,6% tại Q1.2023 nhờ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dài giảm nhanh khiến một phần dòng tiền chảy vào các tài khoản thanh toán và tiền gửi kỳ hạn ngắn.
Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn giảm xuống 0,29% từ mức đỉnh 0,41% trong T10.2022, và hiện tương đương mức trước dịch Covid, tuy nhiên đà giảm đã chậm lại so với các kỳ hạn khác nhằm duy trì sức hút đối với CASA.
=> Việc xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp cho tỷ lệ CASA toàn ngành tiếp tục cải thiện trong năm 2024. Tuy nhiên CASA dự kiến chưa quay lại mức đỉnh cuối 2021 do việc các thị trường đầu tư tài sản như chứng khoán, BĐS vẫn trầm lắng và chưa hấp dẫn dòng tiền chảy khỏi các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm hay vàng…
1.5 Nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế
Lãi suất và rủi ro tỷ giá ở mức cao: Mức lãi suất của các khoản cấp vốn quốc tế thường được neo theo các lãi suất liên ngân hàng quốc tế (LIBOR, SOFR) và hiện tại ở mức khoảng 5,4%/năm. Tỷ giá USD tiếp tục tăng khoảng 3% so với đầu năm 2023 và kỳ vọng về xu hướng mất giá tiếp diễn của đồng VND nâng tổng chi phí huy động ngoại tệ (chưa bao gồm các chi phí liên quan như chi phí bảo hiểm, bảo lãnh, phí giao dịch…) tăng lên đến 6,5 – 7,5%/năm cho các kỳ hạn 1 – 5 năm (so với mức 1 – 2% của năm 2021 và 5,5 – 6,5% năm 2022).
Trong giai đoạn thanh khoản hệ thống dồi dào và chi phí vay vốn nước ngoài cao hơn chi phí huy động nội địa, số lượng và quy mô các khoản vay hợp vốn của các ngân hàng giảm đi trong năm 2023 và 2024. Một số ngân hàng quy mô nhỏ vẫn có kế hoạch tăng sử dụng các khoản huy động trung dài hạn ổn định từ các tổ chức tín dụng quốc tế nhằm đa dạng hóa nguồn huy động và tối ưu hóa chi phí vốn.
1.6 NIM kỳ vọng cải thiện từ Q4.2023:
Trong Q3.2023, NIM toàn ngành giảm xuống 3,51% từ mức 3,81% cuối năm 2022 do:
-
Chi phí vốn cao khi lãi suất huy động tăng nhanh trong Q4.2022 và tỷ lệ CASA giảm về mức thấp
-
Tín dụng tăng chậm lại, đặc biệt là tín dụng bán lẻ có tỷ lệ sinh lời cao
-
Các khoản nợ chậm trả có xu hướng gia tăng.
Kể từ Q4.2023, NIM dự kiến hồi phục từ mức đáy tại Q3.2023 khi nguồn vốn huy động giá cao được hấp thụ hết, đồng thời với việc nguồn vốn giả rẻ CASA tăng trở lại, trong đó có sự phân hóa:
-
Nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân thường xuyên dồi dào có NIM tăng nhanh nhờ tỷ lệ CASA và tín dụng bán lẻ hồi phục khi mặt bằng lãi suất giảm dần.
-
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước NIM đi ngang hoặc tăng nhẹ.
-
Mức độ cải thiện NIM của nhóm ngân hàng trung bình - nhỏ phụ thuộc vào áp lực giảm lãi suất cạnh tranh tăng trưởng tín dụng, và tốc độ phục hồi khả năng chi trả của khách hàng.
1.7 Kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán có hướng hồi phục:
Trong 9T.2023, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán tích cực (tăng lần lượt 25,6% yoy và 66,5% yoy) nhờ được hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá, lãi suất trên thị trường.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan với xu hướng tăng giá tiếp diễn của đồng USD trong năm 2024.
Hoạt động đầu tư TPCP ở nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận khả quan khi lãi suất TPCP của Việt Nam đảo chiều giảm. Mức lãi suất TPCP 10 năm tại T11.2023 ở mức 2,82% (giảm 2,1% so với cùng kỳ). Tuy nhiên phần lớn lợi nhuận từ đầu tư TPCP đã được thực hiện hóa và ghi nhận hết trong Q3 và triển vọng trong thời gian tới sẽ không còn thuận lợi như trước khi lãi suất trái phiếu bắt đầu có xu hướng tăng với giả định thanh khoản hệ thống ngân hàng bớt dư thừa.
2.TRIỂN VỌNG NGÀNH:
1.1 Hiệu quả hoạt động toàn ngành cải thiện rõ rệt sau hơn 10 năm tái cơ cấu
1.2 Lợi nhuận giảm tốc, triển vọng phân hóa
Tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 12% trong năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì mức 12% trong năm 2024. Tăng trưởng tín dụng chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và SME. Danh mục TPDN của các ngân hàng dự kiến duy trì ổn định.
NIM đi ngang hoặc tăng nhẹ trong 2024 khi chi phí vốn được cải thiện, tuy nhiên lãi suất cho vay tiếp tục chịu áp lực giảm khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng chất lượng tốt. Tiềm năng mở rộng NIM thuộc về nhóm khách hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA.
Nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các thông tư và chính sách hỗ trợ và khách hàng quay lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm bớt. Thông tư 02 không được gia hạn thêm 6 tháng => Là tin tốt đối với các doanh nghiệp vay nợ tín dụng lớn như nhóm BĐS, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ Q2.2024.
1.3 Một số ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và có mức định giá hấp dẫn
Tốc độ tăng trưởng cao của lợi nhuận và vốn chủ sở hữu tại một số ngân hàng giúp hệ số P/B forward duy trì ở mức hấp dẫn.
3.CỔ PHIẾU KHUYẾN NGHỊ
1.NGÂN HÀNG TMCP QUÂN ĐỘI MB BANK (MBB):
1.1 Kết quả kinh doanh:
9T.2023 MBB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 35.556 tỷ đồng (+5,1% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 20.019 tỷ đồng (+10% yoy) nhờ tăng thu nhập từ lãi, tiết giảm chi phí hoạt động và chi phí trích lập.
1.2 Triển vọng doanh nghiệp:
Tín dụng tăng trưởng trong top cao nhất ngành: Uớc tính MBB có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong 2024 và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5– 2 lần trong các năm tới nhờ việc nhận chuyển giao ngân hàng Oceanbank.
NIM duy trì ở mức cao: NIM kỳ vọng cải thiện theo đà giảm của chi phí vốn, đồng thời với việc đẩy mạnh tăng tỷ trọng bán lẻ lên 50– 55% dư nợ (hiện chiếm 46%).
Tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao: tỷ lệ CASA 34% cao nhất ngành, trong đó CASA từ khách hàng cá nhân chiếm khoảng 40% với số lượng khách hàng cá nhân tăng nhanh lên 24 triệu người, tiếp tục là động lực duy trì nguồn huy động lãi suất thấp. Dự kiến CASA sẽ tiếp tục cải thiện trong 2024 nhờ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hạ nhiệt.
Chất lượng tài sản ổn định ở mức tốt: chi phí trích lập trong các năm tới dự báo tăng, nhưng vẫn chậm hơn tăng trưởng thu nhập hoạt động, tỷ lệ NPL bảo đảm quanh mức dưới 2%.
2. NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN THƯƠNG TÍN SACOMBANK (STB):
1.1 Kết quả kinh doanh:
9T.2023 STB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 19.465 tỷ đồng (+6,3% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 6.840 tỷ đồng (+54,1% yoy), nhờ NIM mở rộng và giảm trích lập dự phòng.
1.2 Triển vọng doanh nghiệp: Tích cực hoàn thành trích lập tài sản tồn đọng.
Thu nhập lãi kỳ vọng cải thiện: STB đã hoàn tất xử lý lãi dự thu và đưa phần lớn các tài sản tồn đọng ra khỏi bảng cân đối. Nhờ đó, quy mô tài sản sinh lời tăng nhanh, tín dụng kỳ vọng hồi phục tốt trong 2024 với tăng trưởng tín dụng năm dự kiến đạt 12%, giúp STB cải thiện biên lãi ròng NIM và có tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần khả quan.
Áp lực trích lập dự phòng giảm đáng kể từ 2024: STB có thể tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2023 nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại dồi dào. Sau khi trích lập phần lớn nợ xấu tồn đọng, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2024 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.
Kỳ vọng tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của STB sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới và hoàn thành trong 2024 - 2025: STB có thể đẩy nhanh quá trình đấu giá các tài sản bảo đảm bất động sản và chào bán thành công 32,5% cổ phần STB do VAMC quản lý trong H2.2024. Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, STB được kỳ vọng sẽ trở lại cuộc đua một cách mạnh mẽ do có thể cùng lúc giải quyết 2 vấn đề về nợ xấu tồn đọng và chủ sở hữu.
3. NGÂN HÀNG TMCP QUỐC TẾ VIỆT NAM (VIB):
1.1 Kết quả kinh doanh:
9T.2023 VIB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 16.318 tỷ đồng (+22% yoy), trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 13.000 tỷ đồng (+17,9% yoy), thu nhập ngoài lãi đạt 3.291 tỷ đồng (+42% yoy). Tuy nhiên việc gia tăng chi phí trích lập dự phòng lên 3.153 tỷ đồng ( cùng kỳ ghi nhận hơn 926 tỷ đồng) khiến LNTT chỉ tăng nhẹ hơn 6,5% yoy, đạt 8.325 tỷ đồng.
1.2 Triển vọng doanh nghiệp:
Cho vay bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngân hàng: Việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ và SME đem lại lợi suất cao cho VIB trong khi ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức chi phí vốn hợp lý nhờ sự linh hoạt trong huy động vốn.
Tiếp tục duy trì lợi suất sinh lãi ROE cao hàng đầu trong ngành ngân hàng: VIB có chỉ số ROE trên 30%, cao bền vững trong nhiều năm nhờ việc tối ưu hóa lợi suất đầu ra cũng như kiểm soát tốt chi phí hoạt động nhờ vào chuyển đổi ngân hàng số.
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành: Tính đến cuối Q3.2023, VIB có số dư TPDN khoảng 835 tỉ đồng, tương đương 0,34% tổng dư nợ tín dụng, trong đó phần lớn trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu dùng có tài sản đảm bảo chất lượng và có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, khiến áp lực dự phòng thấp.