Tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm đi cùng tăng trưởng tín dụng hồi phục khiến nhiều nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn.
'Cuộc đua' tăng lãi suất huy động manh nha trở lại?
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã rục rịch từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng trong tháng 4. Theo khảo sát, trong tháng 4, có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB.
Từ đầu tháng 5 tới nay, đã có 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Theo đó, ngay sau kỳ nghỉ lễ, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất, ACB tăng 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.
Cùng xu hướng chung, lãi suất huy động các kỳ hạn 6 - 10 tháng và 12 - 36 tháng được Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đồng loạt tăng thêm 0,2 điểm %, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 11 tháng tăng thêm 0,1 điểm %. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại NCB tăng lên mức 5,7%/năm, áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn từ 24-60 tháng.
Hay như tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam (GPBank), ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ kỳ hạn 6 - 36 tháng với mức tăng trung bình 0,2-0,3 điểm %.
Từ 3/5, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cũng tăng lãi suất huy động lên tới 0,35 điểm %.
Ngay trong sáng nay 6/5 đã có 2 ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới với xu hướng tăng.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng mạnh lãi suất huy động với mức tăng 0,2 - 0,5 điểm %; đưa lãi suất huy động online kỳ hạn 1 - 2 tháng lên lần lượt 2,7% và 2,9%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, ngân hàng này cũng tăng thêm 0,5 điểm %, lên mức 3,2%/năm; Lãi suất kỳ hạn 4 - 5 tháng cũng được niêm yết ở mức 2,8%/năm, tăng 0,3 điểm %.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) tiếp tục điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi 1 - 12 tháng.
Đây là lần đầu tiên trong vòng một năm qua, thị trường đón nhận số lượng ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất lớn. Sau lần điều chỉnh này, thị trường bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi OceanBank nâng mức lãi suất ở kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm.
Việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại diễn ra trong bối cảnh quy mô tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm. Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố cho thấy, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến cuối tháng 1/2024, lượng tiền gửi của dân cư tại ngân hàng đã giảm gần 35.000 tỷ so với đầu năm, tương đương hơn 0,5%; tiền gửi của doanh nghiệp, tổ chức cũng giảm 165.000 tỷ đồng so với đầu năm, tức hạ trên 2,4%.
Động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động của các ngân hàng được kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi trong dân sẽ “chảy” vào các ngân hàng.
Lãi suất tiết kiệm dự báo còn tiếp tục tăng
Lý giải nguyên nhân khiến cho các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động tiền gửi, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm KHCN, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc tăng lãi suất tiền gửi có nguyên nhân từ việc nhu cầu vay một phần có xu hướng tăng. Tất nhiên, mức tăng này có thể chưa đạt ngưỡng cao. Ngoài ra, cần phải xét đến vấn đề là từ cuối năm ngoái, rất nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng về mặt kỹ thuật.
Cụ thể, nói dễ hiểu hơn tín dụng tăng khi đó là do đảo nợ. Sang năm nay, khi nhu cầu tín dụng mới tăng lên, bản thân các ngân hàng hiện tại cần phải bổ sung nguồn vốn để cho vay. Như vậy, khả năng cao họ phải nâng lãi suất huy động để bổ sung thanh khoản.
Tín dụng bơm vào đảo nợ cách đây vài tháng chưa đáo hạn, mà nhu cầu mới tăng nên tất yếu cần thêm nguồn tiền để đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy các ngân hàng mới có nhu cầu nâng lãi suất tiền gửi.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu dự báo trong nửa năm sau của năm 2024, hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng rầm rộ hơn. Chính vì vậy ngân hàng có sự chuẩn bị từ trước về vốn để cho vay ra. Đó cũng là nguyên nhân chính đẩy lãi suất cho vay cũng như huy động lên trong những tháng còn lại của năm.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, áp lực nâng lãi suất với các ngân hàng Việt Nam trong nửa sau của năm 2024 sẽ giảm đi so với nửa năm đầu. Với khoảng thời gian còn lại của năm 2024, dự báo lãi suất huy động sẽ tăng tối đa 1% tùy kỳ hạn.
Nhận định về diễn biến lãi suất tiết kiệm hiện nay, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.
Ông Quang phân tích thêm, mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/ 2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc; từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý 1 và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý 2 hàng năm.
"Từ nhận định đó, chúng tôi cho rằng lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5%-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024" , ông Quang đưa ra dự báo.
Lãi suất cho vay có tăng theo?
Động thái tăng lãi suất huy động các ngân hàng thương mại không chỉ thu hút sự chú ý của người gửi tiền, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay vốn cũng đang băn khoăn việc lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Khi lãi suất huy động đầu vào của ngân hàng tăng, thông thường lãi suất tín dụng (đầu ra) sau một khoảng thời gian cũng sẽ có mức tăng tương ứng. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đã tăng lên, xuất hiện không ít lo ngại về khả năng lãi suất tín dụng thời gian tới sẽ tăng theo, đặc biệt với những ngân hàng không có tiềm lực tài chính tốt.
Nhận định đầu tiên về hướng diễn biến của lãi suất cho vay trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng, trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu như hiện tại, lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, nên dù có tăng lãi suất huy động, phần đông các ngân hàng thương mại sẽ không tăng lãi suất cho vay trong suốt khoảng thời gian còn lại của năm 2024. Việc tìm đầu ra cho khoản vay đã khó, lãi suất cho vay nếu tăng sẽ khó cho vay, hoặc ngân hàng sẽ mất khách.
Cũng theo ông Khoa, khi tăng lãi suất huy động mà không tăng lãi suất cho vay, chắc chắn lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, tuy nhiên họ sẽ buộc phải chấp nhận trong bối cảnh như hiện nay.
"Thời điểm nâng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sớm nhất cũng sẽ từ đầu năm 2025" , theo nhận định của ông Khoa.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Thế Minh - Chứng khoán Yuanta Việt Nam: " Việc nâng lãi suất cho vay rồi sẽ xảy ra, nhiều khả năng ở 6 tháng cuối năm, còn trong ngắn hạn, khả năng này là thấp. Bởi hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng còn chậm, chưa đạt kế hoạch của các ngân hàng.
Trước mắt, các ngân hàng vẫn phải duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tức là chấp nhận biên lợi nhuận (NIM) thấp. Khi tăng trưởng tín dụng đạt mức mục tiêu, lúc đó họ mới bắt đầu nâng lãi suất. Dù vậy, khả năng mức tăng cũng nhẹ."
Sản xuất chiếm phần quan trọng trong tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng, nhưng bất động sản mới là phân khúc chiếm tỷ trọng cao, ít nhất là 40-45%. Chúng tôi dự báo trong 6 tháng cuối năm, tình hình của các doanh nghiệp bất động sản sẽ khả quan, nhưng chưa thể bùng nổ. Phục hồi thực sự phải khoảng quý IV-2024 hoặc đầu năm 2025. Lúc đó, lãi suất cho vay mới thực sự được điều chỉnh tăng. Nhưng ngay cả vậy cũng chưa thể tăng mạnh.