Ngân hàng thương mại cổ phần bưu điện liên việt (mã cổ phiếu: lpb) game mới dẫn dòng bank

Giới thiệu

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (hay còn gọi là LienVietBank) được thành lập ngày 28/03/2008 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký quyết định. Cổ đông sáng lập của LPBank là Công ty Cổ phần Him Lam, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).

Năm 2011, với việc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và bằng tiền mặt, Ngân hàng Liên Việt đã được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt. Cùng với việc đổi tên này, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chính thức trở thành Cổ đông lớn nhất của LPBank.

Ngày 5/10/2017 cổ phiếu LPB có phiên giao dịch đầu tiên tại UPCoM với giá khởi điểm là 14.800 đồng/cổ phiếu. Ngày 9/11 LPB chính thức niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.800 đồng/cổ phiếu.

THAY ĐỔI TÊN

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vừa được tố chức vào tháng 4 vừa qua, một trong những nội dung quan trọng được thông qua là việc đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam. Lãnh đạo ngân hàng cho biết: “Việc đổi tên Ngân hàng đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hóa chiến lược thay đổi mạnh mẽ, hiệu quả toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng”.

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024:

Ngày 12/04, LPB công bố cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó, ngân hàng thay đổi kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 từ 9.500 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng (tăng gần 50% so với năm 2023). Trong khi đó các kế hoạch về tăng trưởng tín dụng và huy động tiếp tục được giữ nguyên, tương ứng tăng 15,9% và 11,2% so với cuối năm trước.

Về kế hoạch phát hành cổ phiếu:

LPBank dự kiến phát hành thêm 800 triệu cổ phiếu trong năm 2024 - 2025 để nâng vốn điều lệ. Số cổ phiếu mới phát hành trong đợt chào bán này là cổ phiếu phổ thông, không bị hạn chế chuyển nhượng. Giá chào bán cổ phiếu là 10.000 đồng/cp. Sau chào bán, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên mức 33.576 tỷ đồng, thuộc nhóm các nhà băng có vốn cao nhất Việt Nam. Với số vốn tăng thêm, ngân hàng này sẽ sử dụng để cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng. Trong đó dự kiến 4.528 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và 3.472 tỷ đồng cho vay trung - dài hạn.

Về triển vọng tăng trưởng năm 2024 :

Dự kiến LPB sẽ ghi nhận khoản phí trả trước trên 2.000 tỷ đồng trong 1-2 năm khi ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm với Dai-ichi Life, từ đó gia tăng thu nhập từ HDDV;

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức cao (ước tính trên 15%) được hỗ trợ bởi ngành xây dựng tiếp tục hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công, ngành sản xuất phục hồi nhờ các đơn hàng tăng trở lại ở các thị trường xuất khẩu lớn và nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân tăng vào cuối năm 2024;

Và mới đây nhất, ngày 8/5, VIS Rating - Công ty Xếp hạng Tín nhiệm hàng đầu Việt Nam, được thành lập bởi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s và các tổ chức tài chính uy tín trong nước, đã công bố kết quả Xếp hạng Tín nhiệm Tổ chức phát hành dài hạn đối với LPBank ở mức A+ với Triển vọng “Ổn định”. Đánh giá tích cực của VIS Rating khẳng định khả năng sinh lời của LPBank ở mức tốt. Điều này phản ánh sự cải thiện trong hiệu quả hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa trong chi phí hoạt động, cũng như kỳ vọng của VIS Rating về sự ổn định của khả năng sinh lời trong vòng 12-18 tháng tới.

Trong 5 năm vừa qua, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của LPBank cải thiện đáng kể, đạt mức cao hơn trung bình ngành vào cuối năm 2023, chủ yếu từ việc cơ cấu và hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới, tối ưu chi phí vốn và tăng cường số hóa, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian thực hiện nhằm tăng năng suất lao động. Đánh giá này cũng khẳng định sức mạnh nền tảng và tính hiệu quả, an toàn trong định hướng hoạt động kinh doanh bền vững của LPBank.

An toàn vốn của LPBank được VIS Rating định vị ở mức tốt, phản ánh mức Vốn cấp 1 (Tier 1 Capital hay vốn lõi bao gồm vốn chủ sở hữu và lợi nhuận giữ lại) cao hơn nhờ các đợt tăng vốn gần đây. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của LPBank duy trì cao hơn mức trung bình ngành năm 2023. VIS Rating kỳ vọng an toàn vốn của LPBank sẽ ổn định trong vòng 12-18 tháng tới nhờ sự ổn định trong khả năng tạo vốn nội bộ từ lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ tăng trưởng tài sản.

Ngoài ra, việc LPBank và Tập đoàn Xuân Thiện đã ký kết hợp đồng tín dụng với hạn mức 9.600 tỷ đồng để phát triển các dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk không chỉ góp phần mở rộng tệp khách hàng lớn, thúc đẩy thị phần tín dụng của LPBank trong mảng khách hàng doanh nghiệp mà còn nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu của Ngân hàng trong lĩnh vực tài trợ phát triển năng lượng xanh. Theo hợp đồng tín dụng, nguồn vốn do LPBank cung cấp sẽ hỗ trợ các chi phí xây dựng, vận hành các nhà máy điện Ea Súp thuộc tổ hợp dự án nhà máy điện mặt trời Ea Súp có tổng công suất gần 1.000 MW, hàng năm cung cấp hơn 1 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia, giúp đáp ứng nhu cầu về điện tái tạo cho cả nước và qua đó góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Hiện nay, cụm nhà máy điện Ea Súp là một trong những tổ hợp dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Về giá trị hợp lý

Hiện tại giá cổ phiếu LPB đang khá cao và có nhiều rủi ro. Do đó, Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu LPB với giá mục tiêu 25000 – 26.000 đồng cổ phiếu. Nhà đầu tư cần cân nhắc trong việc đầu tư đối với cổ phiếu này.

CHÚC ANH CHỊ GIAO DỊCH HIỆU QUẢ.