Ngành bán lẻ Việt Nam: Bước ngoặt phục hồi mạnh mẽ năm 2025

, , , ,

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng đầu năm 2024 đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tỷ trọng bán lẻ chiếm cao, luôn duy trì từ 60 - 70%.

Điểm sáng của ngành bán lẻ năm 2024 là các doanh nghiệp đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động. Theo khảo sát của Việt Nam Report, có 79,2% số doanh nghiệp chọn bán hàng đa kênh nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và nâng cao trải nghiệm mua sắm. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22,6% so với kết quả khảo sát năm 2023). Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại được quan tâm, nhất là phân khúc thị trường nông thôn, giúp người dân mua sắm thuận tiện, văn minh thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thị trường bán lẻ Việt Nam đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực nhờ sự kết hợp của các yếu tố thuận lợi sau:

  • Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ

Nhu cầu tiêu dùng nội địa đã cải thiện đáng kể, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ. Sự cải thiện này đến từ việc thu nhập khả dụng của người dân gia tăng, giúp họ chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và các sản phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, môi trường kinh doanh thuận lợi nhờ chính sách giảm lãi suất và các gói kích thích kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động và gia tăng việc làm.

  • Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, trong 11 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,8 triệu lượt người, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, đến hết năm 2024, tổng số lượt khách quốc tế đạt gần 17,6 triệu lượt người, vượt xa kỳ vọng ban đầu.

=> Nhu cầu mua sắm của khách du lịch quốc tế đã thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm thương mại lớn và cửa hàng bán lẻ tại các điểm du lịch nổi tiếng. Sự gia tăng này không chỉ góp phần trực tiếp vào doanh thu của các ngành bán lẻ và dịch vụ mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các ngành liên quan như nhà hàng, khách sạn, vận tải, và giải trí.

  • Sự tăng trưởng của du lịch nội địa

Du lịch nội địa cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, với tổng số lượt khách du lịch nội địa đạt 19,6 triệu lượt người, tăng 6,3% so với năm 2023. Điều này giúp gia tăng đáng kể chi tiêu tiêu dùng tại các địa phương du lịch, đặc biệt là trong các lĩnh vực như ẩm thực, dịch vụ giải trí, và bán lẻ hàng hóa phục vụ khách du lịch.

Bước qua năm 2025, ngành tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhờ tác động tích cực từ các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.

1. Trong nước:

(1) Kinh tế tăng trưởng ổn định:

Kinh tế ổn định giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình cao (khoảng 6-7%), tạo cơ hội cho việc gia tăng thu nhập và chi tiêu của người dân. Cùng với đó là quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng mạnh mẽ cũng góp phần tăng cường tiêu dùng không chỉ tại các thành phố lớn mà còn lan tỏ đến các khu vực vùng ven.

(2) Cơ cấu dân số trẻ:

Với hơn 60% là dân số trong độ tuổi lao động và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, Việt Nam đang sở hữu lực lượng người tiêu dùng lớn. Tầng lớp trung lưu mở rộng sẽ tăng nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ tiện ích sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, lối sống hiện đại hóa và sự gia tăng nhận thức về sức khỏe, tiện nghi cũng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong các lĩnh vực như thực phẩm hữu cơ, sản phẩm công nghệ, và giải trí.

(3) Gia tăng đầu tư nước ngoài:

Các Tập đoàn bán lẻ quốc tế như AEON, Central Group và Lotte đang đầu tư mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, giúp mang lại nhiều lựa chọn và tiêu chuẩn mới cho người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp nội địa như WinMart, Thế Giới Di Động cũng không ngừng mở rộng hệ thống và đổi mới giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

(4) Sự bùng nổ của thương mại điện tử:

Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, doanh thu thương mại điện tử tăng cao, chiếm trung bình khoảng 20% trong tổng mức bán lẻ trong năm 2024. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt giá trị hàng tỷ USD vào năm 2025, nhờ sự mở rộng của các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, và Tiki, cùng với sự tham gia của các thương hiệu quốc tế. Cùng với đó, xu hướng mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt đang tiếp tục chiếm ưu thế, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng thanh toán và logistic được cải thiện.

(5) Sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại

Các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và trung tâm thương mại tiếp tục mở rộng, đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh chóng và tiện lợi. Sự kết hợp giữa trải nghiệm truyền thống và công nghệ số sẽ trở thành xu hướng nổi bật trong tương lai.

Song song đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính Phủ nhằm đẩy mạnh và tối ưu hóa ngành tiêu dùng trong nước, như: Chính sách kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chính sách khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam; Chính sách khuyến khích tiêu dùng bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp,… Đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% tiếp tục được gia hạn đến tháng 6 năm 2025, cùng với việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đã có hiệu lực từ 1/7/2024 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp như hiện nay sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân.

2. Ngoài nước:

(1) Tình hình kinh tế toàn cầu

Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tác động đến nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu Việt Nam. Sự phục hồi của các thị trường lớn này sẽ giúp duy trì nhu cầu tiêu dùng trên thị trường quốc tế, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam.

(2) Động thái giảm lãi suất của FED

Quyết định giảm lãi suất của FED có thể làm giảm chi phí vốn vay quốc tế, giúp các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam dễ dàng huy động vốn với lãi suất thấp hơn để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh. Tâm lý tiêu dùng toàn cầu được cải thiện, cùng với việc đồng USD giảm giá so với VND sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho nhập khẩu hàng hóa và tăng khả năng cạnh tranh về giá cả của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

(3) Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Nếu Mỹ tiếp tục chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam có thể được hưởng lợi khi các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ, từ đó gián tiếp hỗ trợ ngành bán lẻ thông qua việc gia tăng sản xuất và tiêu dùng nội địa. Các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với mức thuế quan ưu đãi, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.

(4) Các gói kích cầu kinh tế của Trung Quốc:

Trong năm 2025, Trung Quốc dự kiến triển khai nhiều gói kích cầu kinh tế nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước. Việc gia tăng tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và các sản phẩm trung gian từ Việt Nam, gián tiếp đem lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Việc giao thương và hợp tác kinh tế với Trung Quốc được tăng cường sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tiếp cận nguồn hàng giá rẻ, chất lượng cao, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp sản phẩm đa dạng và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam.

Với tiềm năng tăng trưởng lớn, ngành tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam vào năm 2025 hứa hẹn sẽ là điểm sáng. Tuy nhiên trong quá trình đầu tư cần chú ý đến các yếu tố như sự đổi mới, thích nghi và tận dụng hiệu quả xu hướng thị trường