Tổng quan ngành Bảo hiểm Việt Nam
Ngành bảo hiểm là ngành kinh doanh đặc thù dựa trên việc bảo vệ tài sản, sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, đặc thù của ngành là huy động phí bảo hiểm sau đó dùng các kỹ thuật chuyên ngành để vừa phòng ngừa rủi ro và vừa kiếm lời dựa trên các khoản phí nhận được.
Dù đã hơn 20 năm hoạt động nhưng đối với các tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển nên tiềm năng khai thác còn rất lớn.
Đặc điểm ngành Bảo hiểm Việt Nam
Điều kiện kinh tế – xã hội, trình độ dân trí và mức sống của các tầng lớp dân cư là các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Bảo hiểm Việt Nam
Theo tháp nhu cầu của Abraham Maslow, nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất, cơ bản nhất của con người là nhu cầu vật chất tối thiểu (ăn, mặc, ở, đi lại…). Một khi nhu cầu này chưa được đáp ứng thì các nhu cầu khác của con người chưa được coi trọng. Chỉ khi con người được đáp ứng và thoả mãn các nhu cầu tối thiểu thì họ mới quan tâm đến các nhu cầu khác cao hơn. Do vậy, khi điều kiện kinh tế – xã hội thấp kém, thu nhập của người dân còn thấp và chưa đủ trang trải các nhu cầu sinh lý thì dẫu họ có nhận thức được vai trò của bảo hiểm họ cũng không thể quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vì thế, điều kiện kinh tế – xã hội và mức sống của người dân là nhân tố tác động trực tiếp đến nhu cầu bảo hiểm và thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có dung lượng khách hàng rất lớn và dư địa phát triển cao
Tệp khách hàng của ngành bảo hiểm trài dài ở mọi lứa tuổi, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, quốc tịch…. Ngoài ra, các sản phẩm bảo hiểm rất đa dạng, linh hoạt dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính, của mỗi người. Theo thống kê, chỉ có 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ trong năm 2021, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia (50%), Singapore (80%), và Mỹ (90%). Mức độ thâm nhập của mảng bảo hiểm ở Việt Nam cũng đang ở mức rất thấp (~2% GDP). Mặc dù thị trường Việt Nam chưa thể so sánh với Singapore và các thị trường Đông Bắc Á, nhưng những con số này hàm ý rằng vẫn có cơ hội tăng trưởng đầy tiềm năng cho ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Thị trường Bảo hiểm Việt Nam chịu sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước
Thị trường bảo hiểm là thị trường dịch vụ tài chính nên sẽ chịu sự kiểm tra và giám sát rất chặt chẽ của Chính phủ. Nhà nước có thể can thiệp khá sâu vào các hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài việc quyết định các sản phẩm bảo hiểm nào được phép kinh doanh trên thị trường, Chính phủ cũng sẽ kiểm tra, giám sát việc trích lập dự phòng phí bảo hiểm cũng như quản lý số hợp đồng của các công ty bảo hiểm.
Chuỗi giá trị ngành Bảo hiểm Việt Nam
Phân loại ngành Bảo hiểm
Bảo hiểm nhân thọ
Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Đơn giản là người tham gia thỏa thuận và ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm về việc sẽ đóng đúng những khoản phí đều đặn vào quỹ dự trữ tài chính do công ty bảo hiểm quản lý để được chi trả số tiền nhất định khi không may gặp rủi ro hoặc đến thời điểm đáo hạn.
Ngành bảo hiểm nhân thọ có mức tăng trưởng bền và ổn định hơn bảo hiểm phi nhân thọ. Năm 2021, BNHT ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 21.7%, vượt trội so với BHPNT, đóng góp chính vào tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư là động lực chính (tăng hơn 30%).
Các loại bảo hiểm nhân thọ phổ biến:
- Bảo hiểm tử kỳ
- Bảo hiểm trọn đời
- Bảo hiểm nhân thọ sinh kỳ
- Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp
- Bảo hiểm trả tiền định kỳ
- Bảo hiểm liên kết đầu tư
- Bảo hiểm hưu trí
Nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 67,6% cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm. Trong một môi trường lãi suất thấp, bảo hiểm liên kết đầu tư là nghiệp vụ được rất ưa chuộng do thiết kế ưu việt vừa đề phòng rủi ro, vừa mang lại lợi ích đầu tư sinh lời. Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp, chiếm 20,3%; bảo hiểm bổ trợ chiếm 10,2%; các nghiệp vụ chính còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính)) chiếm 1,9%.
Bảo hiểm phi nhân thọ
Bảo hiểm phi nhân thọ là bảo hiểm tự nguyện hướng tới con người và các đối tượng liên quan đến con người, như tai nạn, sức khỏe, hàng hóa (kho vận, tàu xe, tàu hàng…), nhằm đảm bảo cho các rủi ro đó.
Các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường có thời hạn 1 đến 2 năm hoặc ngắn hơn. Tổn thất sẽ được bồi thường trong giới hạn của hợp đồng nếu có rủi ro xảy ra, tuy nhiên nếu trong thời hạn bảo hiểm bạn không gặp bất kỳ rủi ro nào liên quan, người đóng bảo hiểm sẽ không được nhận số tiền đã đóng sau khi kết thúc hợp đồng.
Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chiếm khoảng 28% doanh thu phí bảo hiểm. Hiện có khoảng 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam.
Các loại bảo hiểm phi nhân thọ phổ biến:
- Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người.
- Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh.
- Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại.
- Bảo hiểm hàng không
- Bảo hiểm xe cơ giới.
- Bảo hiểm cháy, nổ.
- Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không.
- Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu.
- Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính.
- Bảo hiểm nông nghiệp.
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe chiếm 31,82% - lớn nhất trong tổng doanh thu; tiếp theo là bảo hiểm xe cơ giới đạt với 26,64%; bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại chiếm 13,87%; bảo hiểm cháy nổ chiếm 12,98%.