Ngành Bảo Hiểm - Cổ Phiếu Phòng Thủ Có Thực Sự Hưởng Lợi Khi Lãi Suất Huy Động Tăng? (2)

, , , , , , ,

Các nhân tố chính ảnh hưởng đến KQKD của doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam

Lãi suất tiền gửi và trái phiếu

Do đặc thù của ngành, các doanh nghiệp bảo hiểm phải dự trữ lượng tiền lớn để dự phòng cho các trường hợp: trả lãi suất đầu tư, chi phí bồi thường… (Ví dụ như Tại Tập đoàn Bảo Việt, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cuối năm 2021 đạt xấp xỉ 143.910 tỷ đồng, chiếm 84,9% tổng tài sản.) Danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tập trung nhiều nhất vào các tài sản tài chính mang về thu nhập cố định, gồm khoản tiền gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp.

Tình trạng lãi suất thấp kéo dài trong giai đoạn 2020 – 2021 đã khiến cho các sản phẩm tài chính mà công ty bảo hiểm nắm giữ, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu chính phủ đạt mức sinh lợi thấp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất huy động (đã tăng và sẽ tiếp tục có các đợt tăng mới). Lãi suất tăng sẽ giúp cải thiện thu nhập tài chính cho các công ty bảo hiểm.

Tỉ lệ chi trả bồi thường

Tỉ lệ chi trả bồi thưởng là nhân tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến LNST của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tỉ lệ chi trả bồi thường càng cao, các doanh nghiệp trong ngành chịu tổn thất càng lớn.

Trong năm 2021, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ ước khoảng 18.891 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 32,8%; thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc năm 2020 (36,5%). Trong đó, 18 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. Còn lại là 13 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 1 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Phú Hưng (85,9%).

Đối với khối nhân thọ, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm năm 2021 ước đạt 30.670 tỷ đồng (bao gồm chi trả giá trị hoàn lại, chi đáo hạn, sự kiện bảo hiểm), tăng 9,3% so với năm 2020.

Trích lập dự phòng nghiệp vụ Bảo hiểm

Theo quy định của pháp luật, phí bảo hiểm sẽ được tính bằng cách trừ đi chi phí bồi thường trong 1 năm chưa phải lãi của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ phải phải trích lập quỹ dự phòng nghiệp vụ bao gồm phí chưa được hưởng và yêu cầu bồi thường của khách hàng đang trong thời gian giải quyết, bồi thường cho dao động lớn có thể xảy ra vào những năm sau. Có thể coi quỹ dự phòng này như là nguồn tiền luôn sẵn sàng để đảm bảo thực hiện các cam kết với khách hàng mà doanh nghiệp còn nợ.