Ngành Bảo Hiểm - Cổ Phiếu Phòng Thủ Có Thực Sự Hưởng Lợi Khi Lãi Suất Huy Động Tăng? (3)

, , , , , , ,

Triển vọng phát triển của ngành Bảo hiểm Việt Nam

Dư địa tăng trưởng ngành Bảo hiểm ở Việt Nam còn rất lớn

Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân ở mức thấp, số người tham gia bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 10 triệu người tương đương với khoảng 10% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng lên 15% vào năm 2025.

Theo nghiên cứu, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm bình quân (chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người) ở mức thấp. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và cách xa mức 9,6% tại các thị trường phát triển. Tại Việt Nam, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người hiện nay dao động quanh mức 72 - 75 USD, thấp so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm. Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và 2021 - 2030, đã đặt mục tiêu nâng GDP bình quân đầu người từ mức 2.750 USD năm 2020 lên mức 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025 và 7.500 USD vào năm 2030.

Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu vàng với quy mô ngày càng tăng, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo tăng trưởng từ mức 37% ở hiện tại lên mức 45%. Theo ước tính của World Bank, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026. Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm cũng được hỗ trợ bởi việc tái cấu trúc hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng gia tăng tỉ lệ tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).

Việc hoàn thiện khung hồ sơ pháp lý là động lực lớn thúc đẩy đà tăng trưởng của ngành

Về khung pháp lý, tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ngành Bảo hiểm không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài; điều này sẽ mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các công ty bảo hiểm, qua đó, thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước trong ngành. Cùng với đó là những thay đổi tích cực trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới sẽ được ban hành trong năm 2022 về quản lý tài chính bảo hiểm, các quy định về hợp đồng bảo hiểm và cơ sở dữ liệu toàn thị trường hứa hẹn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, ngành Bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng hai con số trong tương lai như trong giai đoạn 2015 - 2021 vừa qua.

Sau hai năm 2020 và 2021 giảm tăng trưởng do dịch bệnh, bối cảnh nền kinh tế phục hồi và các thay đổi về chính sách đang mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng doanh thu phí của nhiều sản phẩm BH. Cụ thể:

  • Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5% và thông thường, tăng trưởng doanh thu phí BH PNT luôn gấp đôi tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, các biến động địa chính trị gần đây đã và đang gây nhiều hệ quả tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng nhu cầu bảo hiểm trong thời gian tới. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng doanh thu phí sẽ phục hồi tốt từ mức nền thấp của năm 2021.
  • Chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 và kéo dài trong 6 tháng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe và phí bảo hiểm xe cơ giới. Mặc dù vậy, Thông tư 14/2022/ TT-BTC (hiệu lực từ 28/2/2022) về bổ sung quy định về thỏa thuận thay đổi thời hạn thanh toán phí bảo hiểm/ nợ phí bảo hiểm và kéo dài thời hạn bảo hiểm đối với các khách hàng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định pháp luật có thể tác động lên doanh số phí BH xe cơ giới theo chiều ngược lại.
  • Nghị định 97/2021/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ tháng 12/2021) được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức rủi ro của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, gián tiếp khuyến khích nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ và giảm tỷ lệ bồi thường của sản phẩm này.
  • Nghị định số 20/2022 NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, tạo cơ sở tăng trưởng doanh thu cho bảo hiểm trách nhiệm hoặc bảo hiểm xây dựng (tùy theo cách phân loại của công ty bảo hiểm).
  • Nghị định 03 cũng cho phép công ty bảo hiểm tăng phí tối đa 15% so với mức Bộ Tài chính quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình. Điều này giúp các công ty bảo hiểm có thể tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.

Hợp tác chiến lược, phân phối bảo hiểm không còn “độc quyền” của ngân hàng

Ngày 24/12/2021 đã diễn ra sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của ngành bảo hiểm nhân thọ khi AIA cùng Tiki chính thức đưa sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế lên sàn thương mại điện tử, ghi nhận màn chào sân đầu tiên đổ bộ vào “cứ địa” thương mại điện tử của AIA Việt Nam và ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Tiếp đó, Shopee, Lazada, Momo… cũng đã gia nhập ngành.

Thực tế, với mức trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh và xu hướng chung của thế giới khiến thì việc các hãng bảo hiểm coi đây là địa chỉ tiềm năng để liên kết giới thiệu, phân phối sản phẩm là dễ hiểu. Việc các hãng bảo hiểm lớn nước ngoài sẵn sàng trả trước (Upfront fee) cho các ngân hàng để được ký hợp đồng phân phối độc quyền tại Việt Nam cho thấy thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có tiềm năng rất lớn.

Việc biến “nguy” thành “cơ” khi đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số khiến các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ tạo nên “cú chuyển mình” trong đại dịch COVID-19 mà còn được giới phân tích nhận định là cơ sở tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi kinh tế tới đây.

Chuyển đổi số

Với quá trình đẩy mạnh kỹ thuật số hiện nay, giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) sẽ dần được hợp pháp hóa cho các sản phẩm bảo hiểm khác khác như bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa. Do đó, bán hàng qua kênh trực tuyến cũng sẽ dần được đẩy nhanh, chi phí trung gian cho đại lý, môi giới có thể được tiết giảm dần dần.

Dự đoán trong năm 2022, các công ty bảo hiểm sẽ tăng cường sử dụng công nghệ để phân tích sở thích, nhu cầu của khách hàng. Từ đó, họ có thể đề xuất các sản phẩm phù hợp với từng cá nhân.

Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể đến từ sự hợp tác với các công ty công nghệ tài chính giữa bảo hiểm và công nghệ để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích dữ liệu cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai. Điều này sẽ đẩy doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm thời gian tới.

Tuy vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể giảm từ mức nền cao trong 2021. Có hai nhóm yếu tố đối nghịch tác động đến lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong 2022: Thứ nhất, yếu tố kém tích cực bao gồm việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại trong năm 2022. Do đó, tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm.

Yếu tố tích cực bao gồm việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông có thể giúp các công ty bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn.

Yếu tố bất ngờ có thể đến từ sự thành công của kênh bán hàng online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử). Nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần dần.

Bancassurance

Bancassurance là một kênh phân phối quan trọng giúp làm tăng mức độ thâm nhập của các công ty bảo hiểm, cũng như thúc đẩy tăng trưởng thu nhập phí và tỷ lệ ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của các ngân hàng. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), doanh thu phí bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng (bancassurance) năm 2021 chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Con số này vẫn khá thấp so với Philippines (43%) và Thái Lan (47%), Singapore (51%), Indonesia (57%), và Trung Quốc (68%).

Mặc dù việc so sánh với các ngân hàng ở các quốc gia khác chỉ mang tính tham khảo nhưng điều này cho thấy tiềm năng lớn để phát triển mảng bancassurance tại Việt Nam. Theo đó, sự vững chắc của nền kinh tế vĩ mô sẽ giúp mở rộng mảng bancassurance.

Tuy nhiên, thị trường bancassurance còn thiếu các sản phẩm đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng. Hầu hết các sản phẩm bancassurance đều kết hợp giữa việc tiết kiệm và quản trị rủi ro, hoặc tiết kiệm và đầu tư, sự kết hợp này có thể gây mâu thuẫn với hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Do đó có thể tác động đến việc bán các sản phẩm bancassurance trong điều kiện thanh khoản trên thị trường ngân hàng ở mức thấp.

Ngoài ra, chỉ có một số ít nhân viên ngân hàng thực sự hiểu về sản phẩm bảo hiểm một cách toàn vẹn để có thể đưa ra những tư vấn hữu ích và đúng đắn cho các khách hàng. Điều đó dẫn đến việc khách hàng có thể chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sớm hơn so với thời hạn.

Rủi ro

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất hiện nay chính là thị trường bảo hiểm vẫn tồn tại hành vi cạnh tranh phi kỹ thuật vì một số doanh nghiệp muốn gia tăng thị phần trước rồi mới tối ưu hóa lợi nhuận, điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh trên thị trường sẽ tiếp tục diễn biến vô cùng căng thẳng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của thị trường bảo hiểm vẫn chưa theo kịp được với tốc độ phát triển của thị trường.

Sau mức nền thấp của các doanh nghiệp Bảo hiểm, nền kinh tế Việt Nam đã trở lại trạng thái bình thường mới. Việc này đồng nghĩa là chi phí bồi thường sẽ tăng cao so với mức nền thấp trong năm 2021 (khoảng thời gian giãn cách xã hội, các phương tiện xe cơ giới bị hạn chế).