Những gì khó khăn nhất với ngành bia dường như đã thể hiện hết trong năm 2023. Theo Sabeco, nhu cầu tiêu thụ đã có sự cải thiện trong quý đầu năm dù việc thực thi Nghị định 100 vẫn rất nghiêm ngặt.
Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 7.184 tỷ đồng, tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ, đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Kết quả này giúp “gã khổng lồ” ngành bia chấm dứt chuỗi 5 quý liên tiếp tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Trước đó, trong năm 2023 Sabeco ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Nguyên nhân do sức tiêu thụ của sản phẩm rượu bia giảm đi cùng với đó là việc thực hiện quyết liệt Nghị định 100 về các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Tại đại hội cổ đông năm 2024 vừa diễn ra, Tổng Giám đốc Sabeco, ông Tan Teck Chuan Lester cho biết tình hình tiêu thụ bia tại cả Việt Nam đã giảm mạnh, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Việc thực thi Nghị định 100 cũng đang rất nghiêm ngặt, dẫn đến việc khách hàng cảm thấy ngần ngại hơn. Đây là 2 yếu tố chính ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của Sabeco.
Mặc dù vậy, những gì khó khăn nhất với ngành bia dường như đã thể hiện hết trong năm 2023. Theo Sabeco, nhu cầu tiêu thụ đã có sự cải thiện trong quý đầu năm dù việc thực thi Nghị định 100 vẫn rất nghiêm ngặt.
Năm 2024, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 34.400 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch gần 4.600 tỷ đồng, tăng 8%.
Một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn khác ở Việt Nam là Carlsberg cũng ghi nhận tình hình kinh doanh cải thiện trong quý I/2024.
Doanh thu của Carlsberg đã tăng trưởng 6,4% cùng lượng sản phẩm bán ra tăng 2%, trong đó cả 3 thị trường chính đều có cải thiện. Đặc biệt, các thương hiệu đồ uống có cồn tăng trưởng tốt. Hai thương hiệu là Carlsberg và Tuborg có lượng bán ra tăng lên lần lượt là 15% và 8% so với quý 1 năm ngoái.
Khu vực châu Á (bao gồm Trung Quốc, Lào và Việt Nam) vẫn tiếp tục là điểm sáng lớn nhất của hãng với sự tăng trưởng 3,1% trong doanh số bán hàng, với doanh thu tăng 7,6% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất do hiệu ứng từ Tết nguyên đán, trong khi đó, Việt Nam có lượng tiêu thụ sản phẩm của Carlsberg tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Bia Hà Nội (Habeco) cũng ghi nhận doanh thu tăng 11,5% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, công ty lỗ 13 tỷ trước thuế do chi phí bán hàng quá lớn.
Theo ban lãnh đạo Sabeco, bất chấp những khó khăn về từ nghị định 100 và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng trong thời gian tới, năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội 'vàng' cho ngành bia Việt Nam
Động lực tăng trưởng ngành đến từ 3 lý do. Đầu tiên là cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh. Thứ hai, tiềm năng lớn của phân khúc 'bia không cồn'. Và cuối cùng là tiềm năng về thị trường xuất khẩu.
Công ty chứng khoán SSI nhận định, mức định giá Sabeco hiện tại đã phản ánh hết các tin không tốt. Bia Sài Gòn vẫn là thương hiệu thị phần cao nhất tại Việt Nam và doanh nghiệp sẽ có mức tăng trưởng tốt khi toàn ngành phục hồi.
Mặc dù vậy, bộ phận phân tích của SSI vẫn đưa ra quan điểm thận trọng về triển vọng ngành bia.
“Nhìn vào Trung Quốc, Chính phủ nước này áp dụng luật nồng độ cồn nghiêm ngặt trong giai đoạn 2011-2023, khiến mức tăng trưởng ngành đã chững lại đáng kể. Do đó, chúng tôi cho rằng các quy định tương tự được áp dụng tại Việt Nam sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng chậm lại.
Các đối thủ cạnh tranh chính của Sabeco là Heineken và Carlsberg cũng bày tỏ sự không chắc chắn về tốc độ tăng trưởng sản lượng, song cũng lạc quan hơn về biên lợi nhuận được cải thiện so với 2023”, báo cáo phân tích của SSI cho biết.
https://theleader.vn/nganh-bia-da-cham-day-1715052991863.htm