Ngành cao su Việt Nam có nhiều cơ hội bán tín chỉ carbon

, , , , , ,

Phát triển bền vững không chỉ giúp nâng cao giá trị cho ngành cao su Việt mà còn mang lại nguồn lợi lớn từ tín chỉ carbon rừng.

Công nhân thu hoạch mủ trên vườn cây đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PFEC-FM của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng

Đây là chia sẻ của ông Võ Hoàng An - tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam - tại buổi họp báo giới thiệu chuỗi triển lãm chuyên ngành cao su, sơn phủ, giấy, và nhựa tại Việt Nam 2024, diễn ra ngày 16-5 tại TP.HCM.

Theo ông An, thời gian qua, nhiều hội viên trong hiệp hội đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao giá trị cao su Việt Nam.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã chủ động chuyển đổi phù hợp các tiêu chí về phát triển bền vững của các tổ chưc thế giới và đạt được các chứng chỉ xanh như quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) hay chứng chỉ về truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất sản phẩm (PEFC-CoC).

Để thực hiện được các chứng chỉ này không đơn giản song ông An đánh giá phát triển bền vững là yếu tố quan trọng giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo ông An, ngành cao su Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển bền vững do diện tích trồng cao su Việt Nam phần lớn thuộc dạng đại điền (vùng trồng lớn từ 500 - 20.000 ha), do chủ doanh nghiệp sở hữu.

Do đó, việc quản lý chuỗi sản xuất từ trồng trọt, khai thác, chế biến dễ dàng được theo sát, quản lý so với tiểu điền (vùng trồng nhỏ do hộ dân quản lý).

Không chỉ dừng ở giá trị kinh tế từ mủ cao su, gỗ cao su, với tổng diện tích 910.000 ha rừng hiện tại, ông An đánh giá ngành cao su Việt Nam còn vô cùng tiềm năng để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.

Theo báo cáo "Ước tính quá trình cố định CO2 từ vườn cây cao su" được Viện Nghiên cứu cao su Indonesia trình bày tại Hội nghị quốc tế về nông nghiệp, môi trường và khoa học sinh học (ICAEBS'15) lần thứ 2 năm 2015 tại Indonesia, với vòng đời dài, rừng trồng cao su sẽ hoạt động như một nơi lưu trữ carbon đáng kể.

Năm 2023, Bộ Nông nghiệp Thái Lan cũng đã khuyến khích những người trồng cao su nâng cao trữ lượng tín chỉ carbon để tăng thêm thu nhập. Theo đó, người trồng cao su được đăng ký tham gia Chương trình giảm phát thải tự nguyện của Thái Lan (T-VER).

Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, cây cao su có khả năng lưu trữ carbon cao, đặc biệt là trong 5 năm trước khi khai thác mủ cao su. Người trồng cao su thậm chí có thể tạo thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon trước khi khai thác mủ hay gỗ.

NHẬT XUÂN-Link gốc

https://tuoitre.vn/nganh-cao-su-viet-nam-co-nhieu-co-hoi-ban-tin-chi-carbon-20240516172044936.htm