Kể từ cơn sóng thần 2014 đến nay, ngành Dầu khí chưa thực sự có 1 đợt tăng giá đủ mạnh để được coi là 1 cơn sóng. Năm 2022, sau khi chứng kiến những cơn sóng xoay tua của BSR, PVS, PVD, nhà đầu tư lại tự hỏi “Liệu đã đến thời của Dầu khí?”. Để 1 nhóm ngành thực sự vào sóng, cần nhiều yếu tố, trong đó triển vọng tăng trưởng là nhân tố tác động mạnh mẽ nhất. Hôm nay, hãy cùng tôi tìm hiểu xem liệu ngành Dầu khí Việt Nam có gì?
Trước hết là về tổng quan ngành Dầu khí.
Dầu khí là ngành kinh doanh đặc thù liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, ngành Dầu khí Việt Nam chịu sự quản lý trực tiếp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và sự giám sát của Bộ Công Thương.
PVN đã thành lập các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Nhóm giám sát và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp này từ khai thác đến phân phối sản phẩm.
Chuỗi giá trị của ngành Dầu khí
Các công ty trong ngành dầu khí Việt Nam tham gia vào tất cả các khâu từ thượng nguồn (khai thác, thăm dò) đến hạ nguồn (chế biến, phân phối). Dầu thô và khí ẩm là nguyên liệu thô được khai thác ngoài khơi đưa về chế biến trong đất liền và đưa đi phân phối đến khách hàng.
Mô hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành Dầu khí gắn liền nhau, tạo nên chuỗi giá trị hoàn chỉnh của cả ngành. Dầu thô sau chế biến tạo nên xăng, dầu thành phẩm được đưa đi phân phối. Các doanh nghiệp vừa chuyên môn hóa hoạt động vừa bổ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp khác trong ngành, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí Việt Nam. Trong đó, khâu khai thác là công đoạn đầu tiên trong chuỗi giá trị ngành dầu khí và đóng vai trò quan trọng nhất. Hoạt động thăm dò, khai thác sôi nổi gia tăng khối lượng công việc cho các công ty cung cấp dịch vụ, vận chuyển và đảm bảo nguồn nguyên liệu dầu thô, khí ẩm cho các công ty chế biến và phân phối.
Chuỗi giá trị ngành dầu khí gồm 3 khâu chính: (1) Thượng nguồn (thăm dò, khai thác), (2) Trung nguồn (xử lý khí tự nhiên, vận tải dầu khí), và (3) Hạ nguồn (lọc hóa dầu, phân phối xăng dầu và khí thấp áp).
(1) Thượng nguồn: Ở Việt Nam, các doanh nghiệp khai thác không niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán mà chỉ có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (cung cấp giàn khoan, cơ khí như PVD, PVS, POS). Với nhóm này: (1) Khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ gắn liền với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Giá dầu thô cao thúc đẩy đầu tư, hoạt động thăm dò và khai thác, gia tăng khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ. (2) Kết quả kinh doanh có độ trễ với giá dầu thô trong ngắn hạn, bởi doanh nghiệp thực hiện công việc theo hợp đồng kí kết. Biến động giá dầu thô sẽ được phản ánh khi bắt đầu hợp đồng mới, cả về khối lượng công việc và đơn giá dịch vụ.
(2) Trung nguồn: Với vai trò xử lý, chế biến dầu thô thành xăng dầu thành phẩm, lợi nhuận công ty đến từ chênh lệch giá bán xăng dầu và giá dầu thô. 02 rủi ro lớn của doanh nghiệp chế biến bao gồm: (1) Biến động giảm giá dầu thô. Doanh nghiệp luôn duy trì lượng dầu thô tồn kho cao, do đó, giá dầu thô giảm sâu kéo theo sự sụt giảm giá bán nhưng giá thành sản xuất vẫn cao tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp, (2) Nguồn cung xăng dầu thành phẩm cao hơn nhu cầu tiêu thụ khiến chênh lệch giá bán sản phẩm và dầu thô thu hẹp.
(3) Hạ nguồn: Với vai trò kinh doanh thương mại, mô hình các doanh nghiệp này khá ổn định nhờ cơ chế của Chính phủ. Giá mua dầu thô, khí ẩm và giá bán sản phẩm đều xác định theo cơ chế thị trường.
- Phân phối xăng dầu (PLX, OIL): Giá bán lẻ xăng, dầu tại Việt Nam được tính theo giá cơ sở, quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014 của Chính phủ. Giảm giá dầu thô là rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp phân phối xăng dầu bởi 02 tác động (1) Duy trì tồn kho cao, giá bán sản phẩm thấp hơn giá trị tồn kho, (2) Ghi nhận giảm giá hàng tồn kho theo giá thị trường.
- Phân phối khí khô. Chính sách giá bán khí khô dựa trên giá thị trường dầu MFO (46%*MFO), áp dụng giá sàn là giá miệng giếng.