Được coi là “tài sản quý giá nhất”, trong bất kỳ bối cảnh nào người lao động luôn được doanh nghiệp ngành dệt may cố gắng giữ việc làm, ổn định thu nhập.
Chịu lỗ giữ việc làm cho người lao động
Xuất khẩu tới 80% sản lượng sản xuất, dệt may là ngành kinh tế rất mở, cũng chính bởi vậy, chịu tác động nhanh và mạnh từ những biến động thị trường. Nhìn lại năm 2023 có thể thấy, lạm phát và giảm tiêu dùng tại những thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… đã khiến doanh nghiệp trong nước lâm vào “khủng hoảng”, thiếu đơn hàng, dừng sản xuất. Năm 2023 - sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng âm tới gần 10%.
Tuy nhiên trong khó khăn, doanh nghiệp dệt may vẫn lựa chọn giữ ổn định cho người lao động là ưu tiên hàng đầu. Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay: “Đỉnh điểm thiếu đơn hàng, doanh nghiệp dệt may trong nước thậm chí nhận đơn hàng khó, nhỏ, chịu lỗ để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động”.
Từ thực tế doanh nghiệp, bà Đàm Thị Phương Thoa, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty Dệt 8-3, chia sẻ: Năm vừa qua, do tình hình sản xuất-kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm, công ty đã chủ động chạy giảm tốc độ, giảm hiệu suất kéo sợi, sản lượng trung bình cả năm bằng 80% công suất thực tế. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn bố trí linh hoạt trong sản xuất để đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Ngành dệt may “dốc sức” giữ “tài sản quý giá nhất”
“Bên cạnh các chính sách riêng, đặc thù cho từng vị trí làm việc, công ty còn xây dựng khung chính sách chung cho toàn thể người lao động trong công ty, như cảnh quan nhà máy xanh, sạch, đẹp, bữa ăn ca được quan tâm thường xuyên; tạo môi trường làm việc thân thiện, cởi mở và nhiều cơ hội để người lao động phát huy khả năng có chế độ tiền lương thu nhập gắn liền với hiệu quả, năng suất cũng như thường xuyên nắm bắt thông tin, tư tưởng người lao động, thăm hỏi, động viên, chia sẻ kịp thời”, bà Hoa thông tin thêm.
Tích cực chăm lo hơn nữa cho người lao động
Ngành dệt may Việt Nam hiện đang tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp, trong đó, phần lớn là lao động nữ. Như lời ông Giang, giữ ổn định việc làm và thu nhập cho lực lượng này không chỉ giúp doanh nghiệp dệt may có sẵn lao động cho sản xuất khi thị trường phục hồi trở lại mà còn góp phần đáng kể ổn định xã hội.
Bước sang năm 2024, dù tình hình đơn hàng có khởi sắc nhưng những bất ổn vẫn luôn chực chờ, doanh nghiệp dệt may chưa tính đến kế hoạch dài hạn. “Trước mắt, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo thời gian giao hàng, tìm kiếm đối tác mới vừa để giữ được thị phần, quan trọng hơn là có việc làm cho người lao động”, ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Được biết, bên cạnh việc duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp dệt may phối hợp cùng Công đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phát triển cơ quan, doanh nghiệp…
Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết công nhân – Triển khai nghị quyết”; “Tăng cường đảm bảo An toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Bên cạnh đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam còn tổ chức các phong trào thi đua và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Chia sẻ về những hoạt động chăm lo cho người lao động của doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: Với tôn chỉ “người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”, các đơn vị của tập đoàn đang nỗ lực từng ngày nhằm ổn định sản xuất, giữ vững đội ngũ, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tổng số lao động quý I/2024 của Vinatex đạt gần 60 nghìn người (bằng 96,8% so với cùng kỳ 2023). Thu nhập bình quân đạt 9,57 triệu đồng/người/tháng (bằng 101% so với cùng kỳ 2023, bằng 98% so với kế hoạch).
Từ đại dịch Covid-19 đến giai đoạn khó khăn hiện nay, người lao động là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc thiếu đơn hàng, giảm giờ làm, giảm thu nhập, phải thay đổi vị trí công việc để thực hiện những đơn hàng nhỏ lẻ khác nhau. "Tuy nhiên, với sự biến động số lượng lao động không đáng kể tại Tập đoàn Dệt May Việt Nam, có thể nhận thấy người lao động vẫn đang nỗ lực, quyết tâm bám trụ, sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Mối quan hệ cộng sinh gắn bó này sẽ giúp doanh nghiệp dệt may và người lao động từng bước qua khó khăn, tiếp tục phấn đấu và cùng hưởng lợi", ông Hiếu cho hay.
Hải Linh
https://congthuong.vn/nganh-det-may-doc-suc-giu-tai-san-quy-gia-nhat-318902.html