Ngành dệt may-sáng tối đan xen nửa cuối 2022

, ,
  • Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 22 tỷ USD (+23% YoY). Thị trường Mỹ chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam, hàm ý rằng triển vọng của ngành dệt may trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến kinh tế tại thị trường này.
  • Về mặt tiêu cực, nhu cầu nhập khẩu dệt may của các thị trường, đặc biệt thị trường Mỹ, có khả năng sẽ giảm tốc trong nửa cuối 2022 do tình trạng “quá mua” của người tiêu dùng và lạm phát cao đang thắt chi tiêu người dân vào các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu. Ngoài ra, việc Trung Quốc đóng cửa và việc Mỹ thực thi lệnh cấm đối với bông xuất xứ từ Tân Cương đang và sẽ khiến chi phí nguyên liệu tăng.
  • Về mặt tích cực, Việt Nam có thể hưởng lợi đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc trong giai đoạn nước này đóng cửa. Ngoài ra, một khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, chi phí nguyên liệu sẽ bắt đầu hạ nhiệt, khi đó biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành sẽ cải thiện. Chúng tôi kỳ vọng TNG và MSH sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt hơn so với ngành trong nửa cuối 2022
  • Kim ngạch xuất khẩu dệt may có khả năng giảm tốc trong nửa cuối năm 2022

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng cục Hải quan Việt Nam ghi nhận xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm 2022 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 7,58 tỷ USD, chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Điều này cũng hàm ý rằng triển vọng của ngành dệt may trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến kinh tế tại thị trường Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, nhu cầu hàng dệt may có xu hướng giảm do tình trạng “quá mua” của người tiêu dùng trong năm 2021 và lạm phát cao đang thắt chi tiêu người dân vào các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu. Thị trường Mỹ cũng bắt đầu cho thấy nhiều dấu hiệu cảnh báo về nhu cầu hàng may mặc đang có xu hướng giảm tốc. Trong quý đầu tiên của năm 2022, quần áo chỉ chiếm 3,9% tổng chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ, giảm từ 4,3% vào năm 2019 trước đại dịch. Theo Vinatex, nhu cầu nhập khẩu dệt may của thị trường Mỹ có khả năng sẽ giảm 7-10% trong nửa cuối năm 2022.

  • Mỹ thực thi lệnh cấm đối với bông có xuất xứ từ Tân Cương, Trung Quốc

Lệnh cấm của Mỹ đối với bông có xuất xứ từ vùng Tân Cương chính thức có hiệu lực từ ngày 21/06/2022 cũng gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và góp phần đẩy giá bông lên cao hơn. Chỉ 10,5% nhập khẩu hàng may mặc bằng bông của Mỹ đến từ Trung Quốc vào tháng 4/2022, giảm so với mức khoảng 15% vào đầu năm. Lệnh cấm này có thể ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam và tạo rào cản khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng có thể là lợi thế cho các doanh nghiệp dệt may lớn có khả năng đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, khi thay thế các đơn hàng của Trung Quốc sang thị trường Mỹ. Theo ước tính, bông từ vùng Tân Cương chiếm 80% nguồn cung nguyên liệu bông của Trung Quốc và 20% toàn thế giới. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế cũng góp phần chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian qua. Đối với nhập khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ, thị phần của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là 26,3% về số lượng và 16,8% về giá trị vào tháng 4 năm 2022.

  • Chi phí nguyên liệu sẽ dần hạ nhiệt khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế

Do tác động kép của gián đoạn chuỗi cung ứng sau COVID và chiến tranh Nga-Ukraine, giá sợi và bông nhập khẩu nhập khẩu vào Việt Nam tăng trung bình 10% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu 2022 theo đà tăng của thế giới. Điều này cũng tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành khi hầu hết các công ty đều ghi nhận biên gộp giảm trong Q1/2022. Chúng tôi cho rằng vấn đề nguyên liệu này chỉ được giải quyết khi Trung Quốc dần mở cửa nền kinh tế do phần lớn nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam được nhập khẩu từ nước này. Trung Quốc cũng đang cho thấy một số tín hiệu tích cực trong nới lỏng biên giới trong nửa cuối năm nay. Điều này sẽ giúp giảm dần chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp và giúp biên lợi nhuận có thể cải thiện tốt hơn trong nửa cuối năm 2022.

Lợi nhuận các công ty ngành dệt may Việt Nam cũng dự báo có sự phân hóa trong nửa cuối năm. Chúng tôi cho rằng trong 2H2022 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước về cả nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn đơn hàng đầu ra trong bối cảnh đơn hàng không còn dồi dào như nửa đầu năm. Khi đó, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp có quy mô lớn với tập khách hàng ổn định và sản phẩm thuộc các phân khúc ít bị thắt chặt chi tiêu hơn (ví dụ như sản phẩm liên quan đến thể thao, sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp) sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.

Trong nửa cuối 2022, chúng tôi cho rằng TNG và MSH sẽ là những cổ phiếu có thể tăng trưởng tốt hơn so với ngành nhờ vào công suất sản xuất mở rộng và tập khách hàng lớn. Cụ thể, đối với TNG, chúng tôi kỳ vọng cả tăng trưởng đơn hàng và hiệu quả hoạt động sản xuất đều sẽ cải thiện nhờ mở rộng công suất và tăng đơn hàng từ khách hàng lớn có hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Ngoài ra, công ty cũng ít bị ảnh hưởng về chi phí nguyên liệu hơn so với những công ty cùng ngành nhờ chủ yếu làm hàng FOB chỉ định. Chúng tôi dự báo doanh thu và LNST sau CĐTS của TNG lần lượt đạt 6.456 tỷ đồng và 285 tỷ đồng (+22% YoY) trong năm 2022. Đối với MSH, việc nâng công suất và cải thiện hiệu quả hoạt động của nhà máy mới sẽ dẫn đến doanh thu và biên lợi nhuận tốt hơn trong nửa cuối năm 2022. Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu và LNST sau CĐTS của MSH sẽ tăng trưởng 21% YoY và 3% YoY để lần lượt đạt 5.741 tỷ đồng và 454 tỷ đồng.