Ngành phân bón dự kiến sẽ thuận lợi tăng trưởng trong năm 2025 nhờ hưởng lợi từ nhiều yếu tố

, , , ,

Sau khi luật VAT sửa đổi, ngành phân bón toàn thị trường nội địa đã đón nhận tin tích cực khi khi phân bón từ đối tượng không chịu thuế được chuyển sang đối tượng chịu thuế với mức VAT đầu ra là 5%. Cùng với đó, việc giá dầu giảm mạnh cũng được cho là yếu tố tích cực thúc đẩy biên lợi nhuận ngành phân bón trong năm 2025, nhờ giá dầu và khí đầu vào giảm nhanh hơn giá bán đầu ra của phân bón nội địa.

Giá phân bón trong nước giảm nhẹ hơn so với thế giới

Theo Hiệp hội phân bón thế giới (IFA) và Ngân hàng thế giới (World Bank), giá bán Ure/DAP/Kali thế giới giảm lần lượt 7%/8%. Nguyên nhân do nhu cầu phân bón của Ấn Độ và Brazil dự kiến giảm, kết hợp với giá nguyên liệu đầu vào (khí, than) giảm và giá nông sản (lúa, gạo) đầu ra cũng giảm. Giá khí và than giảm sẽ kích thích nhu cầu sản xuất phân bón, trong khi giá nông sản giảm sẽ gây áp lực lên đà tăng giá bán phân bón. Giá bán phân bón nội địa dự kiến giảm theo giá phân bón thế giới do áp lực giảm giá của phân bón thế giới, hệ số tương quan giữa giá phân bón nội địa và phân bón thế giới ở mức 0,9x cho thấy sự biến động đồng pha này. Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng giá phân nội địa giảm thấp hơn giá phân thế giới với giá Ure/DAP/NPK nội địa giảm lần lượt 3%/2%/2% so với cùng kỳ.

Giá phân bón nội địa kỳ vọng giảm ít hơn giá phân bón thế giới nhờ nhu cầu tăng khi thời tiết thuận lợi tại thị trường nội địa trong khi giá nông sản duy trì ở mức cao. Diễn biến cung cầu thế giới đối với từng loại phân có sự khác nhau đáng kể nên ước tính giá phân bón nội địa sẽ có mức giảm khác nhau so với giá thế giới.

Biên lợi nhuận gộp tăng

Nhu cầu phân bón tăng nhờ thời tiết thuận lợi. Theo dự báo của viện nghiên cứu thời tiết quốc tế (IRI), giai đoạn La Nina sẽ kế thúc kể từ T3/2025 và thời tiết thuận lợi (trung tính) sẽ thúc đẩy nhu cầu trồng trọt của các hộ nông dân. Bên cạnh đó, giá nông sản nội địa (giá gạo, lúa) kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước tháng 6/2023 sau khi giảm 11% theo xu hướng giảm giá của thế giới. Giá một số loại nông sản của Việt Nam hiện đang duy trì ổn định ở mức cao so với T7/2023. Bước sang năm 2025, theo World bank, giá nông sản thế giới như giá ngũ cốc/lúa mì/ngô/gạo dự kiến giảm lần lượt 5%/2%/1%/11% khi nguồn cung quay trở lại nhờ thời tiết thuận lợi hơn.

Các doanh nghiệp gia tăng chi phí bán hàng thay vì giảm giá bán. So với các doanh nghiệp nhập khẩu, giá bán phân bón nội địa như Ure, NPK thường cao hơn 20%-30% chủ yếu do chi phí sản xuất cao và không đươc hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được nhờ xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hợp lý và chính sách marketing bán hàng khác biệt để giành thị phần và giữ chân khách hàng. Hiện nay, thay vì giảm giá bán theo xu hướng chung của thế giới, các doanh nghiệp trong nước đang tăng dần chi phí bán hàng với mong muốn vừa giữ mặt bằng giá bán cao, vừa chiếm thị phần từ đối thủ. Các doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ chưa lấp đầy công suất sản xuất sẽ ưu tiên đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.