Trước khi Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp tấm pin mặt trời, Đức là người dẫn đầu. Họ từng là nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới, với một số công ty khởi nghiệp tập trung ở Đông Đức cũ. Nhưng hiện tại, Trung Quốc tăng cường sản xuất và giảm giá gần như mọi sản phẩm, vị thế của Đức đã bị bỏ lại phía sau.
Theo New York Times, hiện nay, khi Đức và phần còn lại của châu Âu cố gắng đạt được các mục tiêu đầy tham vọng là cắt giảm khí thải nhà kính, nhu cầu về tấm pin mặt trời chỉ tăng lên.
Một số nhà sản xuất cuối cùng còn sót lại trong ngành năng lượng mặt trời của Đức vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ.
Họ đang yêu cầu chính đưa ra các biện pháp để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước vẫn còn tồn tại. Những năm qua các công ty này chủ yếu phục vụ cho các thị trường ngách và mở rộng sản phẩm ngoài việc sản xuất tấm nền. Họ cho rằng các tiêu chuẩn cao của châu Âu về nguồn gốc nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngắn hơn khiến hoạt động sản xuất ở Đức trở nên thân thiện với môi trường và đáng tin cậy hơn.
Không phải ai cũng tin rằng chủ nghĩa bảo hộ là con đường đúng đắn. Một số nhà phê bình lưu ý rằng thuế quan của Liên minh châu Âu đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc từ năm 2013 đến 2018 đã không cứu được ngành công nghiệp trong nước. Những người khác cho rằng các tấm pin mặt trời với giá cả phải chăng là rất cần thiết bất kể nguồn gốc của chúng.
Ủy viên châu Âu về ổn định tài chính và vốn thị trường ông Mairead McGuinness cho biết do Châu Âu phụ thuộc nhiều vào các tấm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu nên bất kỳ biện pháp hạn chế nhập khẩu nào “cần phải tính toán đến cả những mục tiêu mà EU đặt ra trong quá trình chuyển đổi năng lượng”.
Nhưng đối với các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ở châu Âu, vấn đề trở nên tồi tệ hơn trong năm qua. Người Trung Quốc tăng cường sản xuất các tấm pin mặt trời. Bên cạnh đó, việc Mỹ siết chặt thuế chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế tấm pin từ Trung Quốc khiến những sản phẩm này tìm đến thị trường Châu Âu với khối lượng lớn. Các nhà sản xuất Trung Quốc bán với giá thấp hơn thị trường và phá huỷ mọi cơ hội cạnh tranh công bằng.
Năm ngoái, hơn 97% tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà và trên các cánh đồng trên khắp châu Âu được sản xuất ở nước ngoài, đại đa số ở Trung Quốc, nơi năng lượng giá rẻ và sự hỗ trợ của chính phủ giữ giá ở mức thấp.
Ông Gunter Erfurt, giám đốc điều hành của Meyer Burger, một công ty năng lượng mặt trời của Thụy Sĩ có hai công ty năng lượng mặt trời, cho biết: “Lượng hàng từ các đối thủ Trung Quốc ở Châu Âu nhiều không thể tưởng tượng nổi. Họ bán với mức giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất của họ”.
Ông Erfurt viết: “Chúng tôi đang đấu tranh cho các điều kiện thị trường công bằng”.
Một số công ty khác của Đức tham gia sản xuất pin năng lượng mặt trời đều mong muốn chính phủ giúp củng cố ngành này trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.
Hiệp hội Năng lượng mặt trời Đức đang kêu gọi chính phủ thúc đẩy một biện pháp khuyến khích được đề xuất, được gọi là “tiền thưởng cho khả năng phục hồi”, nhằm trả cho chủ sở hữu tấm pin mặt trời mức giá cao hơn đối với lượng điện được đưa vào lưới điện từ các tấm pin sản xuất trong nước.
Nhóm này cảnh báo vào tháng 1: “Trong khi các quốc gia khác như Mỹ và Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thành lập và mở rộng quy mô các nhà máy năng lượng mặt trời, thì chính phủ Đức vẫn chưa có hành động cụ thể”.
Để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, Đức cần sản xuất thêm 80 gigawatt năng lượng mặt trời hàng năm. Nhưng năm ngoái, quốc gia này chỉ tạo ra 9 gigawatt – và các công ty quang điện trong nước cho biết họ chỉ có khả năng sản xuất khoảng 1 gigawatt năng lượng mặt trời mỗi năm.
Thực tế đó đã dẫn đến tranh chấp gay gắt trong ngành năng lượng mặt trời của Đức, nơi một số người tin rằng trợ cấp sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
Ông Philipp Schröder, cựu giám đốc điều hành Tesla, người điều hành 1Komma5, một công ty năng lượng mặt trời do ông đồng sáng lập, cho biết họ lấy linh kiện chủ yếu từ châu Âu và Mỹ. Công ty đã cạnh tranh thành công với các tấm pin giá rẻ của Trung Quốc bằng cách đóng gói các tấm pin với máy bơm nhiệt, pin và phần mềm để chạy toàn bộ hệ thống. Ông cũng là người phản đối các chương trình hỗ trợ của chính phủ.
Ông Schröder cho biết trong một bài đăng trên Linkedin: “Gói hỗ trợ “tiền thưởng về khả năng phục hồi” đang được thảo luận ở Đức hiện nay có thể khiến một số kẻ trục lợi trong ngắn hạn, nhưng trong trung hạn, nó hoạt động giống như một loại thuốc gây nghiện ngăn cản sự đổi mới và phân mảnh thị trường EU”.
Trong tháng 4, Meyer Burger đã làm sâu sắc thêm tranh chấp khi ngừng sản xuất tại một cơ sở ở Freiberg, bang Saxony, miền đông nước Đức và cho biết sẽ chuyển trọng tâm của công ty sang mở rộng sản xuất ở Arizona và Colorado. Ở đó, họ có thể tận dụng thuế quan của Mỹ áp đặt lên các tấm pin của Trung Quốc và các ưu đãi được đưa ra thông qua Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.
Hội đồng quản trị của Sentis Capital Cell 3 PC, cổ đông lớn nhất của Meyer Burger, cho biết: “Do thiếu sự bảo vệ của châu Âu trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc, gần 4 năm làm việc chăm chỉ của những nhân viên giỏi ở châu Âu đang gặp rủi ro”. . Để đả kích các nhà lập pháp Đức, hội đồng đã trích dẫn “cam kết lưỡng đảng mạnh mẽ” ở Washington “để bảo vệ các công ty có trụ sở tại Mỹ trước sự cạnh tranh không lành mạnh”.
Ông Sven Giegold, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đức cho biết sẽ đề xuất các biện pháp giúp “hỗ trợ sản xuất công nghệ năng lượng mặt trời trong nước”, nhưng cũng nói thêm: “Các biện pháp phòng vệ thương mại không hữu ích”.
Vào đầu những năm 2000, sự kết hợp giữa các ưu đãi của chính phủ, nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến đã giúp ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của nước này trở thành nhà sản xuất công nghệ và tấm quang điện hàng đầu thế giới.
Sau đó, các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, bắt kịp và bán các tấm pin mặt trời với giá thấp hơn nhiều so với giá mà người Đức đưa ra. Tác động rất nhanh chóng và tàn bạo. Các công ty như Q-Cells, Solon và SolarWorld tuyên bố phá sản và biến mất. Nhưng một số doanh nghiệp vẫn trụ vững bằng cách tập trung vào lắp ráp, lắp đặt và tích hợp các tấm pin mặt trời vào hệ thống năng lượng xanh toàn diện.
Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại Bruegel, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, cho biết ông đồng ý rằng việc áp thuế sẽ không có ý nghĩa gì. Thay vào đó, để đạt được nguồn cung cấp tấm pin an toàn, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh và tăng trưởng kinh tế, ông đề nghị châu Âu nên hỗ trợ phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời mới.
Ông Tagliapietra cho biết: “Hãy hướng tới thế hệ tấm pin mặt trời mới, những sản phẩm vẫn đi đầu trong đổi mới”. “Nếu không thể đánh bại Trung Quốc về số lượng thì chúng ta cần phải cố gắng đánh bại họ về chất lượng”.
Công ty Solarwatt, có trụ sở tại Đông Đức cũ, cho biết họ cũng có thể phải đóng cửa một trong những nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời. Nhưng sản xuất tấm nền chỉ là một phần của công ty. Họ còn sản xuất ra các hệ thống kết nối năng lượng được tạo ra bởi các tấm pin mặt trời với các hộp treo tường có thể sạc ô tô và máy bơm nhiệt để sưởi ấm những ngôi nhà.
Quyết định đóng cửa nhà máy ở Freiberg của Meyer Burger đã khiến khoảng 500 việc làm bị bấp bênh. Giám đốc điều hành của công ty, ông Erfurt, cho biết tương lai của nhà máy phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo chính trị ở Berlin. Ông nói: “Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi không thấy chính phủ xây dựng một chính sách hỗ trợ nào”.
Đồng thời, công ty đang cân nhắc các giải pháp thay thế khác, trong đó có phương án “chuyển nhà máy sang Mỹ”