Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, giá thép thanh tương lai đã tăng mạnh 7%, chạm mức 3,420 Nhân dân tệ/tấn - cao nhất trong 3 tháng qua. Đà tăng này được thúc đẩy bởi triển vọng cải thiện trong lĩnh vực xây dựng sau khi nhiều thành phố lớn của Trung Quốc nới lỏng các hạn chế mua nhà.
Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến - ba trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Quốc - đã đồng loạt nới lỏng các quy định đối với người mua nhà. Động thái này tiếp nối các bước đi trước đó của Bắc Kinh và các thành phố khác, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thị trường bất động sản nước này.
Các biện pháp nới lỏng này được xem như một phần trong nỗ lực tổng thể của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Bộ Chính trị Trung Quốc đã cam kết sẽ công bố gói kích thích tài khóa mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã có một loạt động thái hỗ trợ, bao gồm cắt giảm các lãi suất chủ chốt và dành riêng nguồn vốn để hỗ trợ tái cấp vốn thế chấp với lãi suất thấp hơn.
Thêm vào đó, chỉ số PMI ngành xây dựng do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố cho thấy không có sự suy giảm trong tháng 9. Điều này góp phần hỗ trợ thêm cho đà tăng giá.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi để xem liệu đà tăng này có được duy trì hay không, khi thị trường tài chính và hàng hóa Trung Quốc sẽ đóng cửa từ ngày 01/10 đến 07/10 cho kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.
Với việc Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong thị trường thép toàn cầu, việc giá thép nước này khởi sắc cũng góp phần giải tỏa bớt nỗi lo về ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, các gói kích thích cùng với việc nới lỏng quy định trong lĩnh vực bất động sản cũng được kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu thép. Điều này cũng có tác động tích cực tới ngành thép tại Việt Nam - vốn chịu ảnh hưởng mạnh từ nhu cầu và giá thép Trung Quốc.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu sắt thép các loại tăng 21% về lượng, tăng 14% kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 730 USD/tấn, giảm 5,5% so với 8T/2023. Trong đó, Việt Nam ghi nhận sản xuất thép thành phẩm đạt 14,427 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 14,274 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,216 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
(Nguồn: VITIC tính toán từ số liệu của TCHQ, VSA)
Đến thời điểm hiện tại, các thông tin đang hậu thuẫn vô cùng tích cực cho ngành thép Việt Nam, từ việc giá thép tương lai Trung Quốc tăng vọt 7% cho đến giá thép ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng và thép Việt có lợi thế cạnh tranh về giá cả. Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đánh giá ngành thép có nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2024 nhờ các yếu tố thuận lợi và cơ hội đến từ các thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với một số rủi ro liên quan đến các chính sách của Trung Quốc, EU hay những thách thức trong việc chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chính sách phòng vệ thương mại… Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), giá thép thế giới trong năm 2024 dự kiến tăng nhẹ 3,5% so với năm 2023 trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và nguồn cung thắt chặt. Trong khi đó, ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo giá quặng sắt trong năm 2024 ở mức 108 USD/tấn, giảm 2,8% so với năm 2023.
Đối với giá thép trong nước, thời điểm cuối quý III vẫn đang trong mùa mưa, hoạt động xây dựng nhiều khả năng vẫn chưa có nhiều sự bứt phá. Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản mặc dù đã có dấu hiệu ấm lên nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt.