TỔNG QUAN
Năm 2024, ngành thủy sản đã hồi phục trên nền thấp với sản lượng tăng trưởng trong khi giá bán vẫn thấp hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá cước tăng cao và việc không được hoàn thuế chống bán phá giá tôm (CBPG) tại Mỹ đã ảnh hưởng lên biên ròng các doanh nghiệp trong ngành.
Bước sang 2025, ngành thủy sản sẽ biến động khó lường trước mức thuế của Mỹ cho các nước. Tuy nhiên, ngành cá tra kỳ vọng tăng trưởng nhờ sản lượng khi giá bán cạnh tranh so với cá rô phi và cá minh thái nội địa Mỹ. Ngành tôm tăng trưởng nhờ duy trì lợi thế cạnh tranh với sản phẩm tôm giá trị gia tăng và chờ đợi kết quả cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Biên gộp các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng cải thiện nhờ giá đậu tương ước tính giảm 4% YoY, giá bán theo VND tăng nhẹ 3-5% YoY (tỷ giá USD/VND ước tăng 3% YoY) và nguồn cung tôm cá nguyên liệu cải thiện khi thời tiết thuận lợi, mưa không quá nhiều.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng 2 chữ số, tuy nhiên, định giá có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Cụ thể, VHC (TÍCH LŨY, GMT: 78.000 đ/cp), FMC (TÍCH LŨY, GMT: 50.000 đ/cp), ANV (Không đánh giá).
ĐIỂM NHẤN
Đối với ngành cá tra, thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi khả năng chi trả của người tiêu dùng còn thấp và thị trường EU gặp sự cạnh tranh cao với giá Minh Thái gốc Nga. Đối với thị trường Mỹ, sản lượng tăng trưởng tùy thuộc vào mức thuế của Mỹ lên các nước. Theo kịch bản cơ sở về mức thuế của Mỹ trong báo cáo chiến lược năm 2025 của chúng tôi, chúng tôi kỳ vọng diễn biến ngành cá tra đối với mức thuế tại Mỹ trong năm 2025 như sau:
Theo kịch bản cơ sở, Mỹ sẽ áp 25% thuế lên toàn bộ mặt hàng Trung Quốc vào Q2/2025 và áp thuế/gia tăng biện pháp phòng vệ lên Việt Nam trong nửa đầu năm 2026. Đối với kịch bản này, chúng tôi kỳ vọng cá tra tăng 1% thị phần sản lượng nhờ chiếm 0,3% thị phần cá rô phi và 0,7% cá hồi sau khi chia sẻ một phần thị phần với cá minh thái nội địa Mỹ.
- Cá rô phi đã bị áp thuế nhập khẩu 25% kể từ năm 2019 nên tại kịch bản này không có nhiều thay đổi về giá. Tuy nhiên, thị phần cá rô phi kỳ vọng giảm dần khi giá cá rô phi 11T2024 hiện cao hơn 44% so với cá tra và thị phần cá rô phi đã giảm từ 14,12% xuống 11,49% trong giai đoạn 2019-2023 sau khi bị áp thuế vào năm 2019.
- Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng thị phần sản lượng cá hồi sẽ giảm từ 24% về mức trung bình 2019-2023 tại 23% khi lạm phát vẫn duy trì mức cao và tốc độ tăng trưởng việc làm và chi tiêu tiêu dùng chậm lại so với năm 2024. Lũy kế 11T2024, thị phần sản lượng cá hồi nhập khẩu cũng đã giảm về 24,4% so với 26,7% của 11T2023.
Đối với ngành tôm, mức thuế tại thị trường Mỹ không ảnh hưởng nhiều do sản lượng tôm tự nuôi tại Mỹ thấp và Trung Quốc không xuất khẩu qua Mỹ nhiều. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng thị phần sản lượng tại Mỹ tăng nhờ Indonesia và Ấn độ bị áp thuế chống bán phá giá cao và kỳ vọng hoàn thuế CBPG cho doanh nghiệp tôm như FMC. Thị trường Nhật Bản kỳ vọng tăng trưởng sản lượng nhờ duy trì mức giá bán tôm GTGT cạnh tranh so với Thái Lan.
RỦI RO ĐỐI VỚI KHUYẾN NGHỊ
• Rủi ro tăng giá: Giá bán và sản lượng tăng mạnh hơn kỳ vọng khi nhu cầu dự trữ hàng trước khi mức thuế hiệu lực tăng cao. Tỷ giá tăng cao hơn kỳ vọng.
• Rủi ro giảm giá: Giá bán giảm hơn kỳ vọng do giá cước tăng cao đột ngột và giá cá nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng lên biên gộp. Nhu cầu nhập khẩu cá hồi quay trở lại khi tình hình kinh tế Mỹ cải thiện.
P/s: Báo cáo của công ty chứng khoán Rồng Việt được đánh giá uy tín trong ngành, ngoài ra còn có web smartdragon tổng hợp thông tin cổ phiếu tiện lợi và bot chat tele hỗ trợ đầu tư. Để đọc thêm báo cáo của công ty và sử dụng tiện ích của các bạn liên hệ mình mở tài khoản miễn phí nhé (ID: 003214; Zola: 0977448568)