Phân tích ngành Thủy Sản
- Tổng quan về ngành Thủy sản
- Chuỗi giá trị ngành thủy sản
- Nguyên liệu đầu vào
- Sản xuất
- Thị trường xuất khẩu
- Sự kiện tiêu biểu – rủi ro
- Triển vọng
- Doanh nghiệp khuyến nghị
1. Tổng quan về ngành Thủy sản
Với hệ thống sông ngòi dày đặc và đường biển dài 3.260km, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng hơn 1 triệu km2; vùng mặt nước nội địa lớn rộng hơn 1,4 triệu ha nhờ hệ thống sông ngòi, đầm phá dày đặc. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp nước ta có tiềm lực nổi trội để phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản duy trì tăng trưởng tốt với mức tăng bình quân là 9,07%/năm; hoạt động nuôi trồng bình quân đạt 12,77%/năm, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.
Ngành Thủy sản Việt Nam với hai sản phẩm tiêu biểu chiếm tỷ trọng cao trong ngành là tôm và cá tra; các loại cá và nhuyễn thể khác,…
- Phân bổ diện tích và sản lượng
- Diện tích nuôi trồng thủy sản là 5.690,2 ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt chiếm 32,4%; diện tích nuôi nước mặn, lợ chiếm 67,6%; đa dạng về chủng loại thủy sản.
- Khu vực ĐBSCL, với điều kiện. thuận lợi, hệ thống kênh rạch chằng chịt và nhiều vùng giáp biển, đã trở thành khu vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của VN
- Về sản xuất tôm nước lợ có 2.063 cơ sở, cá tra có 130 cơ sở, 2.440 ha ương cá giống,…
2. Chuỗi giá trị ngành thủy sản
• Đầu vào:
Biến động thị trường và các nhân tố địa chính trị, kinh tế giữa các nước lớn năm 2022-2023 đã tạo ra nhiều hệ lụy trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tạo sức ép lên giá xăng dầu, cước vận tải và việc tăng lãi suất ở mức 5,25%-5,5% của FED đã kéo theo việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào của nước ta.
Giá cá tra nguyên liệu cũng ghi nhận mức tăng mạnh từ 21.000 – 32.000 VND/kg (2021-2022) cuối năm 2023 giảm xuống 25.500 VND/kg. Nguồn cá giống mẫu ở tình trạng khan hiếm do chênh lệch nhiệt độ và bệnh gan thận mủ, thối đuôi khiến giá tăng dao động quanh 40.000 – 45.000 VND/kg. Thức ăn cho cá duy trì đà tăng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và yếu tố lạm phát, chiến tranh kéo dài khiến sản lượng ngũ cốc sụt giảm nhưng giá lại liên tục tăng cao.
Từ đầu năm 2022, người nuôi tôm đã phải đối mặt với tình thế khó khăn khi hầu hết chi phí vật tư đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý ao nuôi… đều đua nhau tăng giá, chịu một phần tác động từ biến động tỷ giá đồng Euro và Yên Nhật khiến các doanh nghiệp lo lắng.
Nhu cầu tôm giống cho năm 2022 cũng tăng khoảng 150 tỷ con, tôm bố mẹ để sản xuất tôm giống là 250 nghìn con.
Nhu cầu tôm giống năm 2023 không đổi; nhu cầu tôm bố mẹ tăng lên 270 nghìn con, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên 750- 900 nghìn con.
Về thị trường nhập khẩu, Ấn Độ là nước có thủy sản nhập về Việt Nam cao nhất (chiếm 12,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), Na Uy (chiếm 9,9%), Mỹ, Thái Lan,Trung Quốc, Indonesia và các thị trường FTA,… Giá trị nhập khẩu thủy sản vào năm 2023 ghi nhận đạt 2,61 tỷ USD, giảm 4,1% svck.
• Sản xuất
Ngành đánh bắt
Ngành nuôi trồng
• Thị trường xuất khẩu
Thị trường nhập khẩu thủy sản nước ta nhiều nhất lần lượt là: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc,…
Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn tại các quốc gia này:
Mỹ: Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Mỹ, tăng 24,76% về trị giá, đạt 188,13 triệu USD
Trung Quốc: Thủy sản Việt Nam đã có thị phần tại các địa phương nhập khẩu lớn như Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải,…
EU: Việt Nam thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 8 cho EU giảm từ 4% trong 8 tháng đầu năm 2022 xuống 2,8% trong 8 tháng đầu năm 2023
CPTPP: Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho các nước trong khối CPTPP, sau Trung Quốc và Mỹ
Theo số liệu thống kê, đứng đầu giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam vẫn là tôm với tỷ trọng chiếm 39% và cá tra chiếm 22%. Ngoài ra kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và các loại hải sản khác cũng tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn.
Đầu năm 2022, tác động từ biến động tỷ giá đồng Euro và Yên Nhật và tình hình lạm phát cao khiến người dân Châu Âu và Mỹ giảm tiêu dùng, nhiều nhà máy phải chịu áp lực giảm giá XK để tăng tính cạnh tranh nhưng phải tăng giá thu mua do nguồn cung thiếu. Những cơn mưa trái mùa kéo dài, lượng mưa lớn đã làm độ mặn trên hệ thống kênh cấp tại các vùng nuôi giảm nhanh chóng. Từ đây, một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, như: thân đỏ đốm trắng, vi bào tử trùng (EHP), phân trắng, EMS cũng bắt đầu bùng phát, gây hại tôm nuôi.
Chính phủ đã kịp thời có các giải pháp phù hợp trong sản xuất nhằm hỗ trợ nông dân, ngư dân và doanh nghiệp. Thủy sản năm 2022 bùng nổ với kim ngạch XK 2022 đạt kỷ lục 11 tỷ USD; chiếm khoảng 4-5% GDP và 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác chiếm 43%, sản lượng nuôi trồng chiếm 57%. Xuất khẩu tăng cao chủ yếu là nhờ cá tra, sản lượng cá tra chiếm tỷ trọng lớn và nhu cầu tăng cao đồng đều trên các thị trường chính. Song nhịp XK chậm dần về cuối năm 2022 do sản phẩm thủy sản giảm đột biến và VN đang có cuộc cạnh tranh gay gắt về giá bán với các nước như Ecuador và Ấn Độ.
Năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu ước tính khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu thủy sản tập trung vào: tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra 1,9 tỷ USD, nhuyễn thể 0,8 tỷ USD; cá ngừ 0,9 tỷ USD, ghi nhận sụt giảm svck. Nguyên nhân lớn nhất kéo xuất khẩu thủy sản năm qua tụt xuống là giá nhập khẩu tại các thị trường đều giảm sâu; ngoài ra còn bởi các tác động của lạm phát, nhu cầu giảm và dư thừa cung tại các thị trường chính. Sự sụt giảm xuất khẩu ở các thị trường chính, đặc biệt là Mỹ. Đơn cử, giá xuất khẩu trung bình cá tra và tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ tới cuối năm 2023 giảm xuống, trong đó giá tôm (-31%) từ mức đỉnh 14,7 USD/kg tháng 8/2022 xuống còn 9,7 USD/kg vào tháng 12/2023; Giá xuất khẩu cá tra giảm sâu hơn (-47%) từ mức đỉnh 5,26 USD/kg xuống 2,8 USD/kg. Giá trị xuất khẩu thủy sản qua Mỹ giảm 37,2%.
Tại thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, tình hình này cũng không mấy khả quan khi chứng kiến sự sụt giảm lần lượt khoảng 13,4% và 17,7% svck. Đặc biệt sự cạnh tranh XK tôm với Ấn Độ và Ecuador có giá sản phẩm rẻ hơn và đang chiếm thị phần cao.
Bù lại, các thị trường cá tra lớn của Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là Trung Quốc với mức tăng 60% trên nền thấp của giai đoạn đóng cửa do Covid-19.
• Lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam có phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc và Mỹ
• Ngoài ra, các thị trường nhỏ hơn như Mexico, Brazil, Thái Lan đều có mức tăng trưởng đáng ấn tượng từ 35% đến trên 50%.
3. Sự kiện tiêu biểu – rủi ro
• ĐBSCL thiếu nước mặn nuôi tôm
Nửa đầu năm 2023, tại tỉnh Bạc Liêu, độ mặn nuôi tôm xuống thấp. Nguyên nhân do dòng chảy thượng nguồn đổ về ĐBSCL qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc tăng (cao hơn cùng kỳ 27%), không đáp ứng được nhu cầu thả tôm. Tuy đã cung cấp nước mặn nuôi trồng nhưng còn hạn chế, còn nhiều diện tích nuôi tôm thiếu nước mặn khiến tiến độ thả giống chậm hơn mọi năm, nhu cầu bị đình trệ và đơn hàng sụt giảm.
• Thẻ vàng từ EU
Việt Nam đã nhận thẻ vàng từ Liên minh châu Âu (EU) vào T10/2017 do các hành vi khai thác đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
• Giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) giảm sâu với nguy cơ chạm đáy tại Ấn Độ
Giá TTCT cỡ lớn giảm mạnh ở mức thấp nhất 2 năm gần đây (30con/kg khoảng 4,6 USD/kg). Tăng khả năng cạnh tranh về giá tại các thị trường XK tôm của Việt Nam, tác động mạnh đến kim ngạch XK thủy sản.
• Căng thẳng Biển Đỏ
Làm xáo trộn thương mại toàn cầu, dẫn đến tăng giá đầu vào; chi phí và thời gian vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ và châu Âu tăng gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng tăng cao hoặc giảm giá bán để đối ứng với tình hình tại Biển Đỏ, dẫn đến suy giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024.
• Phụ thuộc nguồn cung nhập khẩu
Theo tổng cục Thủy sản, điểm yếu nhất đối với ngành tôm là chưa làm chủ được khâu sản xuất tôm giống, phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ thiên nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần chưa chủ động trong sản xuất. Năm 2021, chỉ đảm bảo sản xuất được khoảng 15% tổng nhu cầu.
4. Triển vọng
-
Mở lối phát triển khoa học công nghệ phát triển nuôi trồng thủy sản, VN đã có những bước tiến bộ quan trọng trong sản xuất (Hệ thống RAS; Công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá tra CLC; Công nghệ bioflo,…)
-
Vào tháng 10/2023, một đoàn công tác của Ủy ban châu Âu đã đến Việt Nam để đánh giá tình hình liên quan đến thẻ vàng IUU. Nếu tình hình thực tế triển khai các biện pháp chống khai thác IUU có cải thiện, EU có thể xem xét gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU cho Việt Nam trong 6 tháng tới.
-
Xu hướng tăng đơn hàng và những biến động địa chính trị, các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, EU với Nga, của Trung Quốc với Nhật Bản…sẽ gây ra thiếu hụt cục bộ về nguồn cung thủy sản. Do vậy, lượng hàng tồn kho sẽ giảm mạnh và dự đoán sẽ cạn kiệt trong nửa đầu năm 2024. Theo VASEP, dự báo xuất khẩu thủy sản có thể tăng trở lại từ quý II/2024 và tăng mạnh hơn vào nửa cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD, tăng 6-11%.
-
Trung Quốc có thể sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp hơn trong năm nay, vì vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, dễ kiểm soát hơn. Trung Quốc chắc chắn bị giảm nguồn cung từ Ecuador do cả vấn đề an ninh bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này và do cả vấn đề vận tải biển khó khăn, chi phí tăng… Do vậy, Trung Quốc sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác.
-
Cổ phiếu ngành thủy sản hiện đang giao dịch ở mức P/E 2024 từ 9x đến 31x, phản ánh mức dự kiến về sự hồi phục lợi nhuận trong năm 2024. Kỳ vọng lợi nhuận của ngành thủy sản sẽ tăng khoảng 20-30%, các doanh nghiệp đầu ngành cá tra như VHC, ANV cũng sẽ hồi phục theo xu hướng chung của ngành.
5. Doanh nghiệp khuyến nghị
Doanh nghiệp | giá TC | EPS | P/E | Vốn hóa |
---|---|---|---|---|
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) | 65,800 | 6,33 | 10,17 | 14,432.34 |
CTCP Nam Việt (ANV) | 30,600 | 1,140 | 26,49 | 4,007.15 |
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) | 45.800 | 4,199 | 10,41 | 2,844.42 |