Trong một cuộc đối thoại với công nhân lao động mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, phát triển nhà trọ là phương án chủ chốt để thành phố giải “cơn khát” an cư cho người dân, trong bối cảnh nhà ở xã hội vẫn ì ạch.
Cụ thể, theo ông Phan Văn Mãi, trong thời gian tới, nâng cấp nhà trọ sẽ là một trong ba giải pháp được chính quyền TP.HCM quyết liệt triển khai. Trước hết, thành phố sẽ rà soát lại nhà trọ, yêu cầu các chủ nhà trọ xây dựng theo tiêu chuẩn nhất định cùng với các chính sách cho chủ trọ vay xây dựng nhà trọ.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ liên quan người thuê trọ như hỗ trợ điện, nước… mà trước đó "đã có lúc làm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu".
“Cơn khát” của người nhập cư
Theo thống kê, cứ bình quân 5 năm, TP.HCM sẽ đón thêm 1 triệu người lao động mới. Khảo sát cho thấy, có xấp xỉ 90% công nhân ngoại tỉnh đang sống trong các khu nhà trọ, tương đương 1,3 triệu người với khoảng hơn 550.000 phòng.
Chia sẻ với VnBusiness, anh Bùi Trí Lĩnh, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Linh Trung, cho biết xưởng của anh có hơn 100 người thì có 99% là thuê trọ. Gia đình anh 3 người đang sống trong một căn trọ rộng 17m2, nằm sâu trong ngõ đường số 9, phường Linh Trung.
Tăng cung nhà trọ là giải pháp cấp thiết để giải "cơn khát" nhà ở đang lên cao tại TP.HCM.
Từ Thanh Hóa vào TP.HCM làm việc, gần 10 năm ở trọ, anh Lĩnh chia sẻ không còn lựa chọn nào khác tốt hơn. Vợ anh cũng là công nhân, tháng nào tăng ca nhiều thì tổng thu nhập của cả nhà vào khoảng 18-20 triệu đồng. Vật giá leo thang, việc chi tiêu luôn phải “chắt bóp từng xu”.
Ngoài giá thuê rẻ, lý do khiến anh Lĩnh và những người lao động có cùng hoàn cảnh chọn khu nhà trọ này là vì chủ trọ mở cửa tự do, có chỗ để xe miễn phí, đôi khi được nợ tiền phòng nếu kỳ lương bị chậm. Khi cống tắc, mái dột, bà chủ ở gần nên có thể gọi thợ sửa ngay…
Kết quả khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy công nhân, lao động phổ thông tại TP.HCM và Hà Nội thường chỉ bỏ ra 10 - 15% tổng thu nhập hàng tháng để lo nhà ở, tương đương mức 1-1,5 triệu đồng/tháng.
Trước đó, một khảo sát của của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) cho thấy, trước dịch Covid-19, thu nhập mỗi tháng của công nhân dưới 5 triệu đồng tại TP.HCM chiếm 30%, 45% có mức 5-7 triệu, chỉ 26% nhận lương từ 7 triệu trở lên.
Một khảo sát khác trên 400 lao động cũng cho thấy hơn 82% đang ở trọ và gần 63% người chọn gắn bó với TP.HCM, chưa có ý định về quê trong ít nhất 3 năm tới. Tuy nhiên, chỉ 5 người, tức 1,25% đang mua chung cư trả góp với thời gian chi trả 10-20 năm. Có trường hợp tiền trả hàng tháng chiếm đến 70% thu nhập.
Những kết quả trên cho thấy, trong bối cảnh tốc độ phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa kể giá của loại hình này cũng ngày càng xa tầm với, thì việc tăng cung nhà trọ là giải pháp cấp thiết để giải “cơn khát” nhà ở cho người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động.
Cách nào tăng cung nhà trọ?
Thực tế, vấn đề phát triển nhà trọ đã được TP.HCM, Hà Nội triển khai nhiều năm qua. Điển hình, tại TP.HCM, theo tìm hiểu, từ năm 2011, thành phố đã triển khai chương trình hỗ trợ vay vốn xây mới hoặc sửa chữa nhà trọ để công nhân thuê.
Tuy nhiên, các thống kê của Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM chỉ ra, sau hơn một thập kỷ, đang có rất ít chủ nhà trọ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi vì không thể đáp ứng nổi các tiêu chí xét duyệt.
Bà Huỳnh Thị Liên, chủ khu trọ nằm gần khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, trong thời gian qua, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng, cải tạo các khu nhà trọ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn để được vay vốn rất khắt khe.
“Để đáp ứng tiêu chuẩn, tôi sẽ phải đập đi làm lại toàn bộ khu trọ cũ hiện tại. Muốn vậy thì phải đi vay, tự dưng mang nợ. Chưa kể sau khi xây mới thì giá phòng sẽ phải tăng, thiệt cho cả người thuê và chủ sở hữu. Đây là lý do khiến tôi và nhiều chủ nhà khác không mặn mà việc nâng cấp phòng trọ”, bà Liên nói với VnBusiness.
Thực trạng trên cho thấy để giải bài toán chuẩn hóa nhà trọ, giải cơn khát nhà ở cho người dân rất cần “bàn tay” của Nhà nước và cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để tạo ra một thị trường cho thuê nhà ở hợp với túi tiền người lao động.
Điều này phần nào đó được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong cuộc đối thoại với công nhân lao động mới đây. Theo đó, bên cạnh phát triển nhà trọ, ông Mãi cho hay thành phố sẽ đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho thuê với chi phí hợp lý.
"Thành phố sẽ khẩn trương giao cho Sở Xây dựng, nỗ lực để năm sau có nhà cho thuê, ít nhất đạt mục tiêu 26.500 căn. Các vị trí dự án đã được xác định, thời gian tới sẽ thông qua Liên đoàn Lao động TP.HCM để thông tin rộng rãi đến người lao động", ông Mãi nhấn mạnh.
Trước đó, đề xuất giải pháp tăng cung nhà trọ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đưa ra đề nghị chủ nhà trọ được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở khi xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa.
Cụ thể, theo chính sách ưu đãi hộ gia đình, cá nhân vay vốn để xây dựng, cải tạo nhà cho thuê đã được Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà xã hội, HoREA đề xuất các chủ nhà trọ được hưởng các điều khoản về mức vốn vay, thời hạn và lãi suất tương tự như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Mức vốn vay tối đa sẽ bằng 80% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm.
Bên cạnh hỗ trợ vay vốn, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét quy định mức thuế khoán thuế thu nhập cá nhân bằng 5% doanh thu đối với các chủ nhà trọ. Mức thuế thu nhập này sẽ hợp tình hợp lý hơn so với 7% như hiện tại.