Đúng như dự báo của giới phân tích ở thời điểm đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành thép nô nức báo lợi nhuận tăng trưởng hàng chục, hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ lại chưa thể vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành thép.
Lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ
Sau giai đoạn khó khăn 2022-2023, ngành thép đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2024.
“Ông lớn” ngành thép, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ) báo cáo doanh thu thuần tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 30.852 tỷ đồng. Trong đó mảng thép vẫn là động lực lớn nhất của doanh nghiệp, chiếm 93% doanh thu hợp nhất, còn lại là mảng nông nghiệp và bất động sản.
Giá vốn hàng bán được kiểm soát tốt, chỉ tăng 7% so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận gộp của HPG đạt mức tăng gấp 2,4 lần, tương đương 4.136 tỷ đồng. Khác với mức giảm của chi phí đầu vào, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 34% và 13%, đạt 640 tỷ đồng và 317 tỷ đồng.
HPG lãi sau thuế 2.869 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng ấn tượng gấp gần 7,5 lần cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
HPG ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong quý I
Theo giải trình của HPG , kết quả khả quan đạt được trong quý I là nhờ sản lượng thép thô tiêu thụ tăng mạnh, giá vốn tốt và giá bán tốt. Cụ thể, sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC trong quý I của HPG là 1,85 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ. Sản lượng thép chất lượng cao là 956.000 tấn, tăng 10%, thép cuộn nóng là 805.000 tấn, tăng 67%.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG đánh giá kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp là tương đối tốt khi đạt sản lượng tăng trưởng so với cùng kỳ, cùng với đó sử dụng hết nguyên nhiên liệu tồn kho giá cao. Do đó, tình hình của các quý sau sẽ tốt hơn.
Ông trùm tôn mạ - Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Theo đó, doanh thu thuần của HSG đạt 9.248 tỷ đồng, trong quý II niên độ tài chính 2023-2024 (bắt đầu từ ngày 1/1/2024-31/3/2024), tương đương tăng 32% so với cùng kỳ niên độ trước.
Giá vốn có phần tăng mạnh hơn ở mức 34%, do đó lợi nhuận gộp ghi nhận mức tăng 24% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng của doanh thu, đạt gần 1.117 tỷ đồng. Hoạt động tài chính cũng là một điểm sáng của HSG trong quý II khi doanh thu tăng tới 89%, đạt hơn 138 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều chi phí của HSG có xu hướng gia tăng khá mạnh trong kỳ như chi phí bán hàng tăng 49%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13%. Chốt quý, HSG báo lãi sau thuế gần 319 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ niên độ trước.
Cũng trong mảng tôn mạ, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG ) báo lãi lớn trong quý I/2024, trong khi cùng kỳ thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Doanh thu thuần quý I của NKG tăng gần 21%, đạt 5.291 tỷ đồng.
NKG cho biết, sản lượng tiêu thụ tăng làm chi phí sản xuất bình quân giảm, là động lực cho lợi nhuận gộp tăng gấp 4 lần. Cùng với việc doanh thu tài chính tăng 14%, đạt hơn 65 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của NKG ghi nhận 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế 49 tỷ đồng.
Ngoải ra, nhiều doanh nghiệp thép khác như Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC ), Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS ) đều cho thấy các kết quả khả quan trong quý I so với cùng kỳ năm 2023.
Tình hình khả quan của nhiều doanh nghiệp ngành thép đã đúng với dự báo của giới phân tích ở thời điểm đầu năm. Theo đó, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng lợi nhuận các công ty thép có thể đã chạm đáy trong năm 2023 và sẽ phục hồi trong 2-3 năm tới.
SSI kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là của HPG và HSG . Biên lợi nhuận gộp được kỳ vọng tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động.
Chưa vượt qua khó khăn
Trong quý I, nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa đạt được mức phục hồi tương đương với bối cảnh lạc quan của ngành. Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH ) ghi nhận mức lợi nhuận thấp kỷ lục, đạt vỏn vẹn 953 triệu đồng so với mức gần 6,3 tỷ đồng cùng kỳ với nguyên nhân đến từ việc sản lượng tiêu thụ giảm và chi phí gia tăng.
Theo đó, doanh thu thuần quý I của TLH giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 1.261 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 13%, đạt 42,4 tỷ đồng do giá vốn bình quân vẫn còn tương đối cao.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 27% và 15% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 14,4 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng. TLH cho biết, do cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp phải có chính sách mở rộng phát triển trên các phương tiện truyền thông và đầu tư vào marketing quảng cáo, dẫn đến chi phí gia tăng so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế quý I của TLH dù đạt chưa tới 1 tỷ đồng, tuy nhiên đã có phần khả quan hơn khoản lỗ sau thuế gần 12,5 tỷ đồng trong quý IV/2023. Doanh nghiệp này nhận định thị trường thép hiện có nhiều nghi vấn và sự đan xen giữa lạc quan và bi quan.
Trước sự “chưa chắc chắn” vào thị trường thép, TLH cũng chỉ lên kế hoạch lợi nhuận đi ngang trong năm 2024 so với mức thực hiện năm 2023, đạt 100 tỷ đồng lãi sau thuế.
Một trường hợp khác chưa thể phục hồi khác là Công ty cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM ). Trong khi hàng loạt doanh nghiệp thép báo lãi tăng bằng lần, POM lại ngậm ngùi với khoản lỗ sau thuế hơn 225 tỷ đồng trong quý I, kéo dài chuỗi thua lỗ lên 8 quý liên tiếp. Mức lỗ này thậm chí nặng nề hơn so với mức lỗ sau thuế hơn 186 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo tài chính của POM , doanh thu thuần quý I giảm mạnh tới hơn 71% so với cùng kỳ, đạt 1.645 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn, POM lỗ gộp 6,4 tỷ đồng ngay từ quý đầu năm.
Trong bối cảnh này, POM vẫn phải gánh nhiều khoản chi phí tăng cao như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết khoản lỗ nặng nề của POM trong quý I đến từ việc nhà máy thép Pomina 1 và Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí quản lý, lãi vay. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ.
Chủ tịch Đỗ Duy Thái cho biết POM đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc nhằm có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), các động thái tái cấu trúc của doanh nghiệp thép là hệ quả tất yếu trong 1 thời gian dài kinh doanh không hiệu quả. Việc lợi nhuận chạm đáy trong thời gian qua chỉ là chất xúc tác thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nhanh hơn.
Dù ngành thép có nhiều tín hiệu phục hồi trong thời gian tới nhưng ông Lê Quang Trí vẫn cho rằng, không nên quá lạc quan trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam dự báo còn gặp nhiều thách thức.
Tại ĐHĐCĐ thường niên của HSG , Chủ tịch Lê Phước Vũ đánh giá thị trường năm 2024 sẽ vẫn khó lường và có nhiều biến động. Hiện tất cả doanh nghiệp thép tại Trung Quốc đều đang thua lỗ. Giá thép được dự báo có thể xuống thấp hơn mức đáy của năm 2023, tình hình ngành thép dự báo xấu nhiều hơn tốt.
Lời cảnh báo sắt thép: Đừng quá lạc quan, dự cảm xấu nhiều hơn tốt