Nghịch lý: mục tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng lại đề xuất hạn chế cấp tín dụng

NHNN ngay từ đầu năm 2024 đã giao ngay chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng là 15% so với năm 2023. Điều này tương đương hơn 2 triệu tỷ đồng sẽ được tạo mọi điều kiện chảy vào nền kinh tế phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Về mặt ngắn hạn và tâm lý thì thông tin này là vô cùng tốt cho thị trường chứng khoán - đặc biệt là ngành ngân hàng. Nhưng xét trên yếu tố thực tế, câu hỏi lớn là liệu con số 15% trong năm 2024 có trở thành sự thật không? Nền kinh tế thực sẽ luôn có độ trễ khi mà các hành động điều hành của cơ quan quản lý được thực thi. Chúng ta sẽ phải chờ đợi trong trung hạn để kiểm định.

Vào ngày 15/1 tới đây sẽ có thông tin họp bất thường liên quan đến dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đề xuất giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan. Tất nhiên, thông tin này vẫn còn là đề xuất, chưa đi vào thực tiễn. Nhưng trên góc độ nhà phân tích, chúng ta nên có tầm nhìn là nếu được thông qua thì chuyện gì sẽ xảy ra và sẽ ảnh hưởng như thế nào.

Trước tiên cần làm rõ là việc này sẽ ít ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của toàn hệ thống ngân hàng. Tất nhiên, mục tiêu 15% kia vẫn sẽ được theo đuổi và tạo mọi điều kiện tốt nhất. Không có chuyện sẽ bị ảnh hưởng mạnh dẫn đến gây khó cho hoạt động tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, nếu xét về cục bộ hay trên mỗi cá nhân/doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lớn thì là câu chuyện khác. Theo đề xuất, dư nợ cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan sẽ không vượt quá 10% và 15% vốn tự có của NHTM. Mức này đã giảm so với mức 15% và 25% của luật hiện hành. Nhiều doanh nghiệp lo sợ sẽ khó vay vốn lớn và quá trình này sẽ diễn ra phức tạp hơn. Nếu một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh muốn vay vốn lớn trong bối cảnh đề xuất này được thông qua thì họ sẽ phải chia nhỏ khoản vay ra đi vay ở nhiều ngân hàng chỉ để phục vụ cho một dự án duy nhất. Việc này rất mất thời gian cho doanh nghiệp vì phải thẩm định nhiều lần bởi nhiều ngân hàng. Chưa kể lãi suất ở từng khoản vay là khác nhau, có thể ở ngân hàng này thì tốt nhưng ở ngân hàng khác thì lại chênh lệch - có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp đó.

Nói đi phải nói lại, đề xuất này có thực sự dư thừa? Việc xử lý nợ xấu vẫn luôn là mục tiêu của NHNN để tiến tới một hệ thống ngân hàng an toàn. Đề xuất này suy cho cùng cũng để hạn chế nhất có thể rủi ro khi cho vay. Hiện tại, các khoản cho vay của ngân hàng phần lớn là được đảm bảo bằng BĐS, mà BĐS trong năm vừa rồi thì gần như đóng băng. Việc thận trọng với rủi ro này là điều cần thiết. Có quan điểm cho rằng việc siết giới hạn cấp tín dụng sẽ phần nào giảm hiện tượng cho vay sân sau. Có thể thấy, đề xuất này đang mâu thuẫn với mục tiêu hướng đến trong năm 2024, nhưng về mặt thận trọng thì lại có cơ sở, và không dư thừa!
Chúng ta nên có tư duy về sự “đánh đổi”. Việc lựa chọn phương án nào cũng sẽ có mặt được và mất của riêng nó. Quan trọng là phù hợp với bối cảnh hiện tại và mục tiêu hướng đến. Phải đợi quyết định cuối cùng của cuộc họp thì chúng ta mới biết được định hướng sẽ như thế nào, bây giờ thì chỉ dừng lại ở việc phân tích giữa việc được thông qua và không thông qua.

4 Likes

Nội dung hay quá ad ơi.

1 Likes

Ai cầm ngân hàng nên biết về thông tin bổ ích này

1 Likes

Nợ xấu sẽ tiếp tục được bàn tới nhiều hơn trong thời gian tới

1 Likes