Ngư dân ý thức được giá trị của việc gỡ “thẻ vàng” IUU

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là tổ chức phổ biến các quy định về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức đến với bà con ngư dân, chủ tàu cá, doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản. Qua đó, ý thức chấp hành của ngư dân, chủ tàu đã được nâng lên.

Ông Hà Văn Xuân (52 tuổi, ở Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), chủ tàu cá trên 15 m, cho biết: Do nước ta hiện chưa gỡ được “thẻ vàng” nên nhiều lúc ngư dân gặp khó khăn bởi thu nhập từ nghề đi biển không cao. Nhận thức được vấn đề, ông Hà Văn Xuân đã lắp máy giám sát hành trình và cùng lực lượng biên phòng vận động các chủ tàu khác cùng thực hiện. Điều đó sẽ có nhiều lợi ích trong quá trình đánh bắt thủy hải sản ngoài khơi, bởi nếu máy móc gặp trục trặc sẽ được lực lượng biên phòng và tàu bạn hỗ trợ kịp thời. Các chủ tàu sẽ được thông báo trong trường hợp không may đi vào vùng biển nước ngoài… Việc làm của ông Xuân đã ít nhiều ảnh hưởng tích cực đến các chủ tàu khác trong hành trình vươn khơi, bám biển.

Ngư dân Lê Văn Hưng, chia sẻ: “Các đồng chí Bộ đội biên phòng tuyên truyền không làm vượt quá độ theo quy định của Nhà nước. Nếu như đánh thì anh em đánh từ ngang của Nghệ An đổ xuống vào đến Đà Nẵng. Nhưng đánh vùng ven bờ, vùng khơi, không phải là vùng quá độ để không vi phạm trái phép với quy định của Nhà nước”.

Tổng số tàu cá ở Thanh Hóa tính đến ngày 15/4 là 6.057 tàu, với hơn 25.000 lao động hoạt động tham gia khai thác hải sản trên biển và hàng chục ngàn lao động tham gia chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá

Việc gỡ được “thẻ vàng” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân bởi thủy sản khi xuất khẩu sẽ có giá thành cao hơn hiện nay. Ông Lê Quốc Long (48 tuổi, ỏ thôn Tiến, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương) chia sẻ, theo quy định, chủ tàu phải lắp máy giám sát hành trình. Nếu không chấp hành thì chính quyền địa phương sẽ không cho vươn khơi, trong trường hợp cố tình vươn khơi sẽ bị xử phạt.

Thông qua tuyên truyền và thực tế tại địa phương, tại các xã biển như, Quảng Nham, Ngư Lộc, Hòa Lộc, xã đảo Nghi Sơn và phường Quảng Tiến… nhiều ngư dân chia sẻ họ thấy được những lợi ích từ việc gỡ “thẻ vàng” nên đã chủ động khắc phục để khai thác hải sản trên biển đúng quy định.

Ông Lê Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Đến thời điểm này trên địa bàn toàn xã còn lại số phương tiện chưa lắp giám sát hành trình thì UBND xã đến động viên các gia đình và số phương tiện này đang nằm bến. Nguyên nhân là sản lượng khai thác không đảm bảo và ngư trường khai thác không được tốt. Thời gian tới tiếp tục tuyên truyền đến các phương tiện này để lắp giám sát hành trình”.

Hiện tỉnh Thanh Hoá còn 70 tàu “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác) 339 tàu hết hạn đăng kiểm, 41 tàu chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản, 46 tàu chưa cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 110 tàu chưa bật thiết bị giám sát hành trình trên sáu tháng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa), cho biết: “Đơn vị phối hợp với các địa phương ven biển và lực lượng Bộ đội biên phòng, công an triển khai tuyên truyền pháp luật về chống khai thác IUU đến các ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp chế biến thủy sản. Mục đích để những cá nhân, tổ chức này nắm bắt đầy đủ quy định, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chi cục đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành Trung ương nhằm tranh thủ nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng được truy xuất nguồn gốc thủy sản”.

Việc gỡ thể vàng IUU cho hải sản Việt Nam sẽ làm lợi cho ngư dân và xuất khẩu thủy sản

Tổng số tàu cá ở Thanh Hóa tính đến ngày 15/4 là 6.057 tàu, với hơn 25.000 lao động hoạt động tham gia khai thác hải sản trên biển và hàng chục ngàn lao động tham gia chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện tất cả tàu cá ở Thanh Hóa đã đăng ký được cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá…).

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ duy trì thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, hầm bảo quản sản phẩm.

Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là trong đợt cao điểm cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” như: tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân qua các hình thức thông tin trên các phương tiện truyền thông; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, tổ chức liên quan hoạt động khai thác hải sản. Phối hợp với UBND cấp xã, làm việc với từng chủ tàu, thuyền trưởng, đại diện chủ tàu chưa đủ thủ tục giấy tờ, xác định nguyên nhân, có phương án tháo gỡ vướng mắc thủ tục giấy tờ; xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng…

Các trường hợp tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để nhắc nhở, hướng dẫn chủ tàu hoàn thiện các hồ sơ cấp đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên theo quy định trước khi ra khơi; phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu cá gặp sự cố về thiết bị để đảm bảo thông suốt tín hiệu vị trí tàu từ khi ra khơi đến khi về cảng… đồng thời xử lý nghiêm tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Sỹ Đức/VOV1

Link gốc

https://vov.vn/kinh-te/ngu-dan-y-thuc-duoc-gia-tri-cua-viec-go-the-vang-iuu-post1092268.vov