Người trẻ nhảy việc: Phải biết lượng sức

Những năm gần đây, nhảy việc được xem là trào lưu ở nhóm lao động trẻ.

Nhảy việc (job hopping) là thuật ngữ để mô tả thay đổi công việc hoặc chuyển đổi công ty trong thời gian ngắn. Qua đó, có thể mang lại cơ hội học hỏi mới, tăng thu nhập và phát triển sự nghiệp nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định công việc, uy tín của người lao động (NLĐ).

Nhiều áp lực

Cho rằng sức lao động là hàng hóa đặc biệt, nơi nào trả giá cao thì bán, Phạm Thiết Hùng (SN 1998; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã có 3 lần thay đổi nơi làm việc, dù chỉ mới gia nhập thị trường lao động chưa đến 5 năm. Nơi làm lâu nhất là hơn 1 năm, ngắn nhất là chưa đến 3 tháng.

Lần gần đây, Hùng xin nghỉ việc với lý do tính chất công việc chưa phù hợp với định hướng cá nhân và mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân. "Lao động trẻ (LĐT) như chúng tôi hiện có nhiều cơ hội việc làm không những mới lạ, thú vị mà còn có mức thu nhập hấp dẫn… Thay vì an phận, tôi chọn thử thách mới" - Hùng bày tỏ quan điểm.

Nhiều lao động trẻ tìm kiếm cơ hội tại một ngày hội việc làm ở TP HCM

Nhiều lao động trẻ tìm kiếm cơ hội tại một ngày hội việc làm ở TP HCM

Trở về từ Nhật Bản với tấm bằng thạc sĩ ngành ngôn ngữ Nhật, Ngô Thành Đạt (SN 1997, quê Long An) được nhận vào làm trợ lý tổng giám đốc cho một doanh nghiệp (DN) có trụ sở tại quận 1, TP HCM với mức lương 1.000 USD/tháng, chưa kể các khoản thưởng, phụ cấp. Song chỉ hơn 1 năm gắn bó, Đạt quyết định nhảy việc vì cho rằng văn hóa ở công ty không phù hợp.

Đạt cho biết dù là DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng hoạt động theo mô hình công ty gia đình. Đãi ngộ không rõ ràng, làm việc theo cảm tính và khó có cơ hội thăng tiến, vì vậy Đạt quyết định ra đi. Sau đó, chàng trai trẻ này xin vào làm nhân viên định chế tài chính cho một ngân hàng có trụ sở tại quận 3, TP HCM. Công việc mới giúp Đạt có cơ hội khám phá năng lực của bản thân nhưng do làm trái ngành nên gặp không ít khó khăn.

Có hơn 10 năm làm trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn, mỗi lần nhảy việc giúp chị Nguyễn Thị Bích Duyên (SN 1986, quê Bình Thuận) có bước tiến và mức thu nhập cao. Song hiện vấn đề khiến chị đau đầu nhất là không tìm được tiếng nói chung với đồng nghiệp. "Là trưởng nhóm nhưng các công việc tôi đề ra nhân viên đều phản đối ngầm, họ chỉ làm nửa vời khiến tiến độ bị trì trệ. Tôi phải chịu trách nhiệm với cấp trên nên thường xuyên đối mặt với áp lực" - chị Duyên kể.

Hiểu rõ chính mình

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Phát triển Nguồn nhân lực và Hướng nghiệp Jobway, LĐT lớn lên trong môi trường số hóa, được khuyến khích phát triển tư duy tự chủ và khả năng đưa ra quyết định. Điều này dẫn đến hay thay đổi công việc nếu cảm thấy không hài lòng hoặc không phát triển.

"LĐT đề cao công việc có ý nghĩa và tương thích với giá trị cá nhân. Họ đánh giá cao cơ hội học hỏi và phát triển nghề nghiệp, mong đợi môi trường làm việc linh hoạt và tích hợp công nghệ" - TS Hòa An phân tích. Dù vậy, không phải tất cả LĐT đều giống nhau, nhiều người vẫn có tư duy sâu sắc, phản biện cao và trung thành với DN. Tất cả nằm ở giá trị, lựa chọn và sự phù hợp với mỗi cá nhân.

Còn bà Thanh Nguyễn, CEO Công ty CP Anphabe, đánh giá nhảy việc không phải lúc nào cũng mang lại cơ hội tiến thân. Thực tế cũng không ít trường hợp sau khi nhảy việc rơi vào tuyệt vọng, chán nản. Điều quan trọng là LĐT phải hiểu rõ chính mình, bởi nhảy việc chỉ mang lại lợi ích nếu được tiếp cận một cách chiến lược và thông minh, với mục tiêu rõ ràng và kế hoạch phát triển sự nghiệp bài bản.

Nhìn nhận về trào lưu nhảy việc trong nhóm LĐT, bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Dịch vụ nhân sự thuê ngoài Công ty CP Kết nối Nhân tài - Talentnet (quận 1, TP HCM), cho rằng khi NLĐ chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội tốt hơn đối với bản thân sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường lao động. Các DN khi đó cũng chủ động nâng cao vị thế cạnh tranh của mình so với các công ty khác trong cùng ngành. "DN cần nâng cao chất lượng lương, thưởng và đãi ngộ cho NLĐ để không chỉ thu hút được người giỏi mà còn giữ chân họ gắn bó với mình" - bà Trân nói.

Ngược lại, khi ngày càng nhiều DN có thang đo, dữ liệu tin cậy về các thông số lương, thưởng của thị trường, đối thủ, yêu cầu đầu vào dành cho các ứng viên cũng sẽ được nâng cao và trở về giá trị cốt lõi nhất. Do vậy, NLĐ sẽ càng khó cạnh tranh ở thị trường lao động vốn khắt khe như hiện nay.

Chuẩn bị thật kỹ

Theo bà Lý Ngọc Trân, nếu nhảy việc không đúng thời điểm có thể khiến NLĐ bỏ lỡ cơ hội thăng tiến của bản thân tại công ty hiện tại, trong khi phải làm quen với môi trường và công việc mới với mức lương chưa chắc đã cao hơn. Nhảy việc là một quyết định cá nhân, nên NLĐ cần cân nhắc và chuẩn bị thật kỹ, tránh chỉ nhảy việc đơn thuần là tăng lương hay thăng tiến.

Theo Huỳnh Như

Người lao động

https://cafef.vn/nguoi-tre-nhay-viec-phai-biet-luong-suc-188240509143411744.chn