Các chuyên gia tài chính uy tín toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ tình trạng nợ tăng cao trên các thị trường tín dụng tư nhân, với lo ngại ngày càng lớn về nguy cơ xuất hiện một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2009.
Tại Hội nghị Toàn cầu do Viện Milken tổ chức từ ngày 6 - 8/5 ở thành phố Los Angeles (Mỹ), rất nhiều Giám đốc điều hành (CEO), các “ông chủ” ngân hàng lớn và hàng chục nhà đầu tư toàn cầu, các nhà quản lý quỹ tham gia vào thị trường tín dụng tư nhân đang bùng nổ - trị giá khoảng 1.700 tỷ USD, đã bày tỏ mối lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra khi khối nợ trên các thị trường tài chính tư nhân ngày càng phòng to và hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Mối quan tâm đặc biệt của họ là các khoản vay từ các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân rót vào các công ty vốn đã sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong môi trường lãi suất toàn cầu tăng cao kéo dài từ năm 2022 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu “đảo chiều”, giá trị các khoản tiền vay đã tăng trưởng nhanh chóng, gây cản trở khả năng bán tài sản của các công ty đó.
Ông David Hunt, CEO của PGIM - công ty quản lý tài sản trị giá 1.300 tỷ USD của Prudential Financial, chia sẻ: “Bây giờ chúng tôi thực sự gặp khó khăn trong việc thoát khỏi nhiều công ty trong danh mục đầu tư hiện có. Họ [các công ty cổ phần tư nhân] đang gặp khó khăn về dòng tiền, Để giải quyết vấn đề đó, họ đã sử dụng thêm đòn bẩy tài chính để tăng vốn, nhằm mở rộng khả năng thanh khoản. Vì vậy, họ đã có đòn bẩy trên đòn bẩy”.
Nguồn vốn tín dụng tư nhân đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm gần đây, khi các ngân hàng ngày càng thắt chặt cho vay, với nỗ lực cân bằng bảng cân đối kế toán để đáp ứng các quy định chặt chẽ hơn. Các nhà quản lý quỹ lớn, như Oaktree Capital Management, Apollo Global Management và Ares Management, cũng như các ngân hàng Phố Wall, bao gồm Goldman Sachs và Morgan Stanley, đang tích cực hoạt động trên các thị trường tín dụng tư nhân. Tại Mỹ, quy mô tín dụng tư nhân hiện có thể so sánh với các khoản vay có đòn bẩy và thị trường trái phiếu lãi suất cao.
Quy mô khổng lồ của thị trường tín dụng tư nhân có nghĩa là nợ quá mức và kỹ thuật tài chính đã trở thành những nguyên nhân gây lo ngại, trong khi sự ổn định tài chính vốn đang bị đe dọa bởi suy thoái kinh tế hoặc các cú sốc khác rộng lớn hơn.
Hơn nữa, sự thiếu minh bạch trên các thị trường tín dụng tư nhân có thể làm suy yếu niềm tin vào hệ thống và làm phức tạp thêm phản ứng pháp lý trong trường hợp có vấn đề.
Tại hội nghị của Viện Milken, một số nhà quản lý tài chính cho biết các vấn đề trên thị trường tín dụng tư nhân hiện nay có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng này là rất thấp.
Để phòng ngừa rủi ro, các quỹ đầu tư và các nhà cho vay tư nhân đã chú trọng hơn tới các biện pháp bảo vệ, nhằm ngăn chặn người đi vay loại bỏ tài sản khỏi nhóm tài sản thế chấp cho khoản vay hoặc ngăn họ phát sinh thêm nợ. Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng các biện pháp này không hiệu quả.
Trên thực tế, nhu cầu vay tín dụng tư nhân gia tăng đã dẫn đến sự cạnh trang mạnh mẽ từ các nhà cho vay và số lượng “người chơi” tràn vào thị trường tín dụng tư nhân ngày càng lớn với nhiều tiền hơn. Kết quả là lãi suất cho vay đã giảm trong những tháng gần đây và một số người cho rằng có thể sắp xảy ra một “cuộc đua xuống đáy”.