Nhà đầu tư cần thông tin nhanh và chính thống

Thuyết âm mưu lên ngôi khi thị trường bất ổn

Nếu như năm 2021 được xem là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán khi hàng loạt cổ phiếu, từ cơ bản, đến đầu cơ đều đồng loạt tăng, mang lại hiệu suất sinh lời lớn cho nhà đầu tư, thì năm 2022, thị trường đã đón cơn gió ngược khi liên tục lao dốc.

Theo thống kê từ 31/12/2021 đến 6/7/2022, chỉ số VN-Index giảm 23,3% về 1.149,61 điểm và chỉ số VN30 giảm 21,1% về 1.211,94 điểm. Trong đó, thanh khoản thị trường đạt đỉnh trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, sau đó bắt đầu suy giảm mạnh.

Đặc biệt, kể từ khi cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, thị trường trải qua giai đoạn bán tháo và giảm điểm liên tục từ đầu tháng 4/2022 đến đầu tháng 7/2022, sau đó hồi phục nhẹ trong biên độ hẹp và gần đây tiếp tục gặp áp lực giảm điểm trở lại.

Việc thua lỗ trên thị trường chứng khoán đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư, chuyển từ hưng phấn sang chán nản và bi quan, nhiều nhà đầu tư đi tìm lý do giải thích cho đà lao dốc của cổ phiếu mình đầu tư.

Với sự minh bạch của thị trường chưa cao, tâm lý nhà đầu tư còn yếu, việc một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt đã mở ra môi trường thuận lợi cho các tin đồn, tin giả tràn lan trên thị trường và thông qua các mạng xã hội, các tin đồn thất thiệt này lan đi với tốc độ chóng mặt.

Có thể kể đến tin đồn liên quan tới các doanh nghiệp niêm yết như Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Tập đoàn Gelex (mã GEX), Vinaconex (mã VCG)… giai đoạn tháng 4 đến tháng 5/2022.

Mặc dù các doanh nghiệp đã đính chính, hoặc bác bỏ tin đồn, nhưng do tính phản hồi trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu giảm, nhà đầu tư lại càng hoài nghi và tin vào tin đồn là có căn cứ, vì vậy giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu hơn.

Mặc dù một số đối tượng tung tin đồn bị xử phạt, nhưng mức xử phạt nhẹ, không thấm vào đâu so với mức sụt giảm vốn hóa của cổ phiếu (cũng tương đương với sự thiệt hại của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đó) do giá sụt giảm.

Cụ thể, theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc tin đồn có đất sống và phát triển trên thị trường chứng khoán là do đa số nhà đầu tư cá nhân có rất ít hoặc không có cái nhìn sâu sắc về các hoạt động của thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Nhà đầu tư cá nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia thị trường chứng khoán, họ có chuyên môn kỹ năng ở ngành nghề chính, nhưng chưa đủ sâu sắc trong thị trường tài chính, vốn được xem là thị trường phức tạp, không chỉ có mối liên hệ mật thiết với hoạt động của doanh nghiệp, nền kinh tế trong nước, mà cả nền kinh tế và quan hệ địa chính trị trên thế giới.

Để lấp đầy khoảng trống kiến thức và thông tin, nhiều nhà đầu tư cá nhân có khuynh hướng tán thành các lý thuyết sai lệch nhằm cố gắng hiểu cách vận hành của thị trường phức tạp và khó đoán này. Thêm nữa, khi đối mặt với sự khó lường của thị trường chứng khoán gây thua lỗ, nhà đầu tư cá nhân khó khăn trong việc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, thay vào đó tìm kiếm câu chuyện đơn giản và nhẹ nhàng để đổ lỗi cho một nhóm nhỏ gây nên sự việc.

Đơn cử, trong bài viết tựa đề “Các lý thuyết âm mưu và phong cách hoang tưởng của quần chúng”, các tác giả J. Eric Oliver and Thomas J. Wood trên Tạp chí Chính trị của Mỹ (AJPS) đã thực hiện khảo sát người dân Mỹ, trong đó có 25% người Mỹ tin rằng, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được dàn dựng một cách bí mật bởi một nhóm các chủ ngân hàng phố Wall nhằm mở rộng quyền lực của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), xa hơn nữa là sự kiểm soát của họ đối với kinh tế thế giới.

Thị trường cần thông tin chính thống

Hiện nay, dù số lượng doanh nghiệp niêm yết quan tâm đến công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) đã tăng lên, nhưng nhiều doanh nghiệp do quy mô công ty còn nhỏ, hoặc không quá chú trọng tới công tác này, nên không tổ chức bộ phận IR riêng, mà giao cho các cá nhân, bộ phận làm kiêm nhiệm.

Điều này dẫn tới việc tiếp cận và phản hồi thông tin tới nhà đầu tư có độ trễ, khi nhà đầu tư gửi câu hỏi, nhiều doanh nghiệp không phản hồi, hoặc phản hồi không vào trọng tâm câu hỏi.

Với nhiều doanh nghiệp, cổ đông, nhà đầu tư không thể tiếp cận thông tin trực tiếp, chủ yếu thông qua các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán thăm doanh nghiệp, hoặc thông qua báo chí.

Cùng với độ hiểu biết của số đông nhà đầu tư cá nhân tay ngang, chính việc thiếu minh bạch thông tin của nhiều doanh nghiệp đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả, tin đồn phát triển tràn lan trên thị trường. Tác hại của những tin đồn thất thiệt này được nhân lên gấp bội trong môi trường internet và mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay.

Các doanh nghiệp dù sau đó xử lý, đính chính hay giải thích thêm, nhưng việc “mất bò mới lo làm chuồng” vẫn gây ra nhiều thiệt hại cả về mặt giá trị cổ phiếu và hình ảnh của công ty.

Ngược lại, trên sàn vẫn có một số doanh nghiệp niêm yết rất chủ động tổ chức các buổi gặp nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và thường xuyên trả lời các câu hỏi trực tiếp tới nhà đầu tư thông qua nhiều kênh từ mail điện tử, hội thảo… để nhà đầu tư có thể yên tâm, không lo tin đồn thất thiệt ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.

Là tờ báo tài chính chính thống hàng đầu, Báo Đầu tư Chứng khoán đồng hành cùng các thành viên thị trường ngay từ đầu thị trường chứng khoán được thành lập, góp phần tăng tính minh bạch, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh các bài viết phân tích chuyên sâu, hay phổ cập kiến thức mới, Báo Đầu tư Chứng khoán cũng truyền tải tới cộng đồng nhà đầu tư nhiều thông tin chính thống, kịp thời từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, Báo cũng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, các buổi giao lưu trực tuyến…, đặc biệt là chuỗi Talkshow Chọn danh mục gần đây với sự tham gia của lãnh đạo cơ quan quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia phân tích, được phát trực tiếp trên Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử (www.tinnhanhchungkhoan.vn) và các kênh Fanpage, Youtube của Báo, mang tới cho nhà đầu tư những thông tin chính thống từ doanh nghiệp, góc nhìn phân tích đa chiều về thị trường, về doanh nghiệp.

Không chỉ các nhà đầu tư, chuỗi hội thảo, tọa đàm và talkshow mà Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức cũng được lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý đánh giá cao, nhiều doanh nghiệp xem đây là kênh truyền tải thông tin hiệu quả đến cổ đông, nhà đầu tư.

2 Likes

việc tổ chức họp hành như vậy quá tốn kém và không nhiều doanh nghiệp làm đâu