Tại thời điểm cuối quý 2/2023, chỉ số VN-Index có mức điểm tương đương với vùng đỉnh cuối quý 1/2018. Tuy nhiên, tỷ lệ margin/vốn hóa thị trường hiện đã gấp hơn 2 lần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong đà phục hồi mạnh mẽ từ cuối tháng 4 cùng với thanh khoản dồi dào, thậm chí đã xuất hiện những phiên giao dịch “tỷ đô”. Sự sôi động có một phần xuất phát từ việc nhà đầu tư mạnh dạn sử dụng đòn bẩy (margin) hơn.
Ghi nhận tại thời điểm cuối quý 2/2023, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng.
Tại cùng thời điểm 30/6/2023, vốn hoá hai sàn HoSE và HNX đạt hơn 4,7 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ Margin/Vốn hoá hai sàn ước đạt khoảng 3,2%. Con số này tăng tới 0,4 điểm % so với thời điểm cuối quý 1 và sát với mức cao nhất được ghi nhận trong giai đoạn quý 3/2022. Đáng nói, số dư nợ margin chưa bao gồm cho vay 3 bên hay các “kho” chưa được thống kê.
Một điểm đáng chú ý, tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa thị trường vào cuối quý 2/2023 (đạt 3,2%) lớn hơn đáng kể so với mức 1,5% được thiết lập vào cuối quý 1/2018, khi VN-Index cùng ở ngưỡng tương đương hơn 1.100 điểm. Như vậy trong hơn 5 năm qua, nhà đầu tư đã gia tăng đáng kể việc sử dụng margin, dù cho điểm số Index gần như không thay đổi.
Với đà tăng tích cực của thị trường trong giai đoạn nửa đầu quý 3/2023, không loại trừ khả năng tỷ lệ dư nợ margin/vốn hóa thị trường tiếp tục tăng, thậm chí có thể tiến tới đỉnh lịch sử 3,4% được thiết lập vào quý 3 năm ngoái.
Dòng tiền từ kênh tiết kiệm chưa đổ quá nhiều vào chứng khoán?
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lượng tài khoản mở mới đang tăng trở lại sau giai đoạn trầm lắng nhiều tháng. Tính đến cuối tháng 7, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,4 triệu tài khoản. Cùng với số tài khoản gia tăng mạnh, thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện tích cực, các phiên giao dịch tỷ đô dần xuất hiện trở lại. Nhiều ý kiến cho rằng điều này nhờ nhà đầu tư gia nhập trở lại kênh chứng khoán và lượng tiền không nhỏ được chuyển từ các kênh truyền thống như tiết kiệm chảy sang.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận lượng tiền gửi của dân cư vẫn đang liên tục tăng bất chấp lãi suất huy động giảm. Số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 5/2023, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt 6,35 triệu tỷ đồng, tương đương tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm 2022. Điều này phần nào cho thấy sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán chưa thực sự rõ nét.
Nguồn: NHNN
Trong khi đó, lượng margin trên sàn chứng khoán còn có thể tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới khi nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm góp phần giảm chi phí vốn, giúp các công ty chứng khoán có thêm dư địa để giảm lãi suất margin. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra các gói ưu đãi lãi suất, chính sách hấp dẫn nhằm kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư. Ngoài ra, sự thuận lợi hơn về công nghệ cộng thêm việc các công ty chứng khoán chủ động huy động vốn mở rộng dư địa cho vay cũng giúp đáp ứng dễ dàng hơn nhu cầu margin của thị trường.
Tính tới cuối quý 2/2023, tỷ lệ Margin/VCSH các CTCK đạt khoảng 70%, còn cách khá xa tỷ lệ cho vay tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu, điều này đồng nghĩa room cho vay tại các CTCK hiện còn khá dồi dào, ước tính lên tới 270.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, margin vẫn là một trong nhưng công cụ đắc lực giúp nhà đầu tư gia tăng nhanh tài khoản của mình nếu sử dụng hợp lý. Điều này còn có thể giúp thanh khoản dồi dào và tạo động lực cho đà đi lên về điểm số của thị trương chung. Tuy nhiên, margin tăng quá cao cũng có thể mang tới rủi ro, bởi lẽ chỉ một nhịp điều chỉnh mạnh sẽ có thể dễ dàng kéo theo hiện tượng “call margin”, từ đó gây áp lực ngược trở lại thị trường, dễ khiến thị trường giảm sâu hơn và gây tình trạng “cháy” tài khoản.