Anh chị em vừa cùng Nhân quan sát bức tranh chung của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn vừa qua. Có thể thấy rằng tông màu chủ đạo của bức tranh kinh tế toàn cầu xuyên suốt từ năm 2022 đến này là gam màu xám. Kinh tế suy yếu, lạm phát cao, lãi suất tăng,… thêm vào đó là những xung đột, bất ổn xảy ra trên khắp thế giới làm bức tranh kinh tế toàn cầu không được tươi sáng. Tuy nhiên, le lói đâu đó, Nhân vẫn thấy có những nét sáng trong bức tranh này. Bằng sự cảm thụ của mình, sau đây, Nhân xin chia sẻ với quý anh chị em cảm nhận về những nét vẽ, màu sắc nổi bật trong bức tranh kinh tế thế giới.
“Mùa đông kinh tế” ở châu Âu
Dù vẫn đang trong những tháng mùa hè nhưng đối với châu Âu, “những cơn gió đông” đang phả hơi lạnh lên nền kinh tế của khu vực. Lạm phát cao, lãi suất tăng, hoạt động sản xuất đình trệ,… khiến đà phục hồi kinh tế của châu Âu trở nên vô cùng chậm chạm.
I. Lạm phát
Tại châu Âu, lạm phát còn cao so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), song đã cải thiện nhiều so với kỷ lục thiết lập vào năm ngoái. Giá năng lượng đã giảm sâu từ mức cao nhất mọi thời đại, giúp cuộc chiến chống lạm phát của ECB bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số lạm phát của những tháng gần đây tại châu Âu, chúng ta có thể thấy rằng đà giảm tốc của lạm phát đã chậm lại. Lạm phát ở khu vực Eurozone vẫn không thay đổi, giữ nguyên mức 5,3% trong tháng 8/2023.
II. Lãi suất
Để chặn đà tăng của lạm phát, từ mùa hè năm 2022 đến nay, ECB đã tăng lãi suất 9 lần, góp phần đưa lạm phát tại Eurozone giảm một nửa từ mức đỉnh 10,6%.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng cuộc chiến chống lạm phát tại khu vực vẫn chưa giành được thắng lợi. Theo như số liệu lạm phát vừa đề cập ở trên, lạm phát tại Eurozone tiếp tục duy trì ở mức 5,3% trong tháng 8, cao hơn 2 lần so mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra.
Nhìn bề ngoài, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng rủi ro vẫn tồn tại, nhất là khi đà suy giảm của lạm phát đã chậm lại. Điều này đồng thời tăng khả năng ECB sẽ nâng lãi suất lần thứ 10 tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 14/9 tới.
Và theo như bài phát biểu tại hội nghị kinh tế Jackson Hole 2023, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, lãi suất ở EU sẽ được giữ ở mức cao “miễn việc này là cần thiết” để ngăn chặn tình trạng lạm phát cao kéo dài.
=> Theo Nhân, khả năng cao ECB sẽ giữ mặt bằng lãi suất cao cho đến nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân là bởi lạm phát của châu Âu hiện vẫn còn cao (cao hơn cả Hoa Kỳ) và như Nhân đã đề cập ở câu chuyện về “Lạm phát – lãi suất – tăng trưởng” thì FED sẽ còn duy trì lãi suất ở mức cao đến quý 2/2024. Vậy, ECB sẽ cần quan sát những động thái của FED và đặc biệt là những số liệu về lạm phát trước khi cân nhắc hạ lãi suất.
III. PMI
Chỉ số nhà quản trị mua hàng hỗn hợp (PMI Composite) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm còn 46,7 điểm trong tháng 8, từ mức 48,6 của tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Chỉ số PMI Composite tháng 8 đã đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này dưới 50 điểm. Việc chỉ số PMI của Eurozone ngày càng giảm làm gia tăng những lo ngại về sức khoẻ kinh tế của Eurozone.
Chỉ số PMI trong ngành dịch vụ của Eurozone (PMI Services) đã giảm từ 50,9 xuống 47,9 điểm trong tháng 8, thấp hơn ước tính ban đầu là 48,3. Nguyên nhân được xác định là do người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu trong bối cảnh lãi vay và chi phí sinh hoạt cùng tăng cao.
Điểm sáng hiếm hoi trong tháng 8 là sự suy thoái của ngành sản xuất chế tạo (PMI Manufacturing) đã giảm bớt.
*Đầu tàu kinh tế “đang yếu”
Kinh tế Đức từng là đầu tàu chính của tăng trưởng kinh tế châu Âu, nay lại đóng góp nhiều gam màu xám. Quốc gia này có thể sắp phải đối mặt với một đợt suy thoái mới khi lĩnh vực sản xuất cực kỳ quan trọng của nước này tiếp tục suy yếu và chưa có dấu hiệu dừng lại.
+) Quốc gia đầu tàu EU ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0% trong quý II vừa qua, sau khi rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm.
+) Ngành công nghiệp, vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của Đức, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong những tháng gần đây khi xuất khẩu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế toàn cầu trì trệ.
Sau giai đoạn trì trệ kể từ cuối năm ngoái, sản lượng của Đức có thể sẽ thu hẹp do các nhà máy của nước này phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng.
Lạm phát ở Đức đang “nóng” hơn so với hầu hết các nước láng giềng tại châu Âu. Theo số liệu được công bố trong tháng 8, lạm phát ở nước này đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5,3% của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
*Bài toán năng lượng
Về bài toán năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) đã thành công trong việc “cai” khí đốt của Nga, sau khi các quốc gia trong khối khốn đốn vì bị Nga giảm cung ứng khí đốt trong năm 2022. Năm 2021, 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga nhưng tính đến quý I năm 2023, Nga chỉ chiếm 17,4% lượng nhập khẩu khí đốt của toàn khối.
Tuy nhiên, châu Âu lại phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của nước khác, ở đây là Mỹ, Qatar, Nigeria. Trong bối cảnh như vậy, bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở nơi nào trên thế giới cũng đều có thể tác động đến giá khí đốt ở châu Âu.
=> Tình hình thực tế cho thấy châu Âu chỉ đang chuyển sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ nước này sang nước khác.
IV. Triển vọng kinh tế kém
Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã không rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2023, nhưng nửa cuối năm sẽ gặp thách thức lớn hơn.
Sản xuất, cũng như đầu tư đều giảm. Các ngành công nghiệp cần nhiều năng lượng phải gánh các khoản chi phí tăng lên và vấn đề về cạnh tranh. Tiêu thụ của các hộ gia đình giảm, lạm phát cao đã gặm nhấm dần những khoản tăng thu nhập và tinh thần của người dân. Lãi suất cao tác động xấu tới mọi ngành.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 14/9 tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục, đây là lần tăng thứ 10 liên tiếp. Với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, lãi suất cơ bản đồng euro tăng lên mức 4,5%
Fed vẫn giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào đêm qua theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, Fed phát tín hiệu rằng sẽ cần một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm nay để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
“Tranh tối, tranh sáng” tại xứ cờ hoa
I. Lạm phát
Lạm phát tại Hoa Kỳ đã giảm khá nhanh kể từ khi đạt mức kỷ lục vào năm 2022. “Cuộc chiến” chống lạm phát tại Mỹ có lẽ đang đi đến những giai đoạn cuối cùng.
Hiện tại, “cuộc chiến” này đang diễn ra với kịch bản có phần gay cấn hơn. Số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/9 cho thấy CPI Mỹ tăng 0,6% trong tháng 8, và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp phần lớn vào đà tăng của CPI là giá năng lượng, với mức tăng 5,6% trong đó giá xăng tăng 10,6%. Giá thực phẩm tăng 0,2%% và chi phí nhà ở cũng tăng 0.3% (Nhân đã nhắc đến áp lực của đà tăng giá lương thực, thực phẩm và năng lượng lên lạm phát ở câu chuyện “Lạm phát – lãi suất – tăng trưởng” và hiện tại đã phản ánh ngay trên số liệu kinh tế).
Số liệu về lạm phát trong tháng 7 và 8 cho thấy lạm phát đang có xu hướng nhích dần lên, đẩy “cuộc chiến” chống lạm phát nóng trở lại. Trước đó, trong hội nghị thường niên Jackson Hole, Chủ tịch Jerome Powell chia sẻ rằng ông đang cố gắng cân bằng giữa việc kiềm chế lạm phát và tránh đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Ông Powell cũng thừa nhận rằng dù đã có tiến triển về lạm phát, nhưng lạm phát vẫn còn cao hơn vùng mà Fed cảm thấy thoải mái (dưới 2%).
Tuy nhiên, CPI lõi – thước đo lạm phát ưu thích của Fed – hiện vẫn giữ được đà hạ nhiệt, dù vẫn còn khá chậm.
Khi loại bỏ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,2%.
=> Dưới góc nhìn của Nhân, “cuộc chiến” chống lạm phát của Mỹ đang có màu sắc sáng tối đan xen. Hai bên “chiến tuyến” hiện tại đang có những “phát súng” vô cùng uy lực – một bên thì lạm phát với những lực đẩy của giá lương thực, thực phẩm và năng lượng; bên kia thì Fed với lực đỡ của CPI lõi và con bài tẩy mang tên lãi suất.
II. Lãi suất
Kể từ tháng 03/2022 đến nay (09/2023), Fed đã tăng lãi suất 11 lần nhằm hạ nhiệt lạm phát.
Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25-5,5% - cao nhất kể từ năm 2001. Mặt bằng lãi suất cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung. Thêm vào đó, sau cuộc họp hôm 20/09, Fed đã công bố hàng loạt dự báo, cho thấy họ muốn đưa lãi suất lên 5,63-5,87% vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa Fed có thể nâng lãi thêm một lần nữa. Việc FED tiếp tục tăng lãi suất không phải là tin vui với kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu, bởi động thái này sẽ gây nhiều hệ lụy. Một khi lãi suất tăng quá nhanh hoặc quá cao, nền kinh tế Mỹ có thể gặp vấn đề.
“ Góc nhìn cá nhân:
Theo góc nhìn của Nhân thì việc tăng hay không tăng lãi suất trong những cuộc họp tiếp theo không còn quá quan trọng. Có vẻ như thị trường cũng đã quen với việc này từ những lần tăng lãi suất bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái. Và quá khứ cho thấy rằng thời điểm kinh tế xấu nhất không nằm trong thời kỳ tăng hay duy trì lãi suất cao mà nằm trong thời kỳ giảm lãi suất, vậy nên còn quá sớm để khẳng định nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm.
Những lần xảy ra suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ (vùng tô đậm) luôn gắn liền với những thời kỳ hạ lãi suất. Tại sao kinh tế Hoa Kỳ lại suy thoái trong những thời kỳ hạ lãi suất? Bằng góc nhìn của mình, Nhân xin mạn phép giải thích với quý anh chị em như sau:
-
Mỗi thời kỳ hạ lãi suất đều đi sau một thời kỳ tăng trước đó.
-
Khi tăng lãi suất, chi phí vốn sẽ tăng lên => nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẽ không thích ứng kịp (First Republic Bank, SVB là những ví dụ tiêu biểu gần đây nhất).
-
Lãi suất cao và duy trì trong một khoảng thời gian tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế → tình hình xấu dần đi → lúc này những chính sách nới lỏng tiền tệ được đưa ra (hạ lãi suất).
-
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất khi kinh tế xấu đi chỉ mang tính chất “mất bò mới lo làm chuồng” và tác động của những chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ - khoảng 6 tháng – nên không thể hỗ trợ ngay nền kinh tế.
=> Kết quả là kinh tế Mỹ thường suy thoái trong thời kỳ lãi suất giảm.
III. Các chỉ số kinh tế khác
Như tiêu đề: “Tranh tối, tranh sáng” tại xứ cờ hoa”, mặc dù cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn đang diễn ra rất căng thẳng nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ đang “sáng” một cách bất ngờ.
Tốc độ tăng GDP của Hoa Kỳ trong quý 1 và quý 2 lần lượt đạt 2% và 2,1% cao hơn những dự báo trước đó là 1,3% và 2%.
Chi tiêu tiêu dùng là động lực thúc đẩy chính, nhờ đà tăng của các khoản đầu tư cố định ngoài nhà ở, chi tiêu Chính phủ và chi cho hàng tồn kho. Chi tiêu tiêu dùng - được đo lường theo chỉ số PCE của Bộ Thương mại Mỹ - tăng 1.6% và đóng góp 68% trong toàn bộ hoạt động kinh tế của quý 2/2023.
Thị trường lao động khởi sắc cũng góp phần giúp kinh tế Hoa Kỳ tốt một cách bất ngờ. Số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng gần 1.7 triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3.6% trong tháng 6 (tương đương cùng kỳ).
Bất chấp nhiều dự báo về suy thoái trước đó, nền kinh tế vẫn cho thấy sự vững chắc đến không ngờ. Điều này vẫn diễn ra trong bối cảnh Fed đã nâng lãi suất tới 11 lần. Thậm chí các quan chức Fed cũng kỳ vọng sẽ có suy thoái.
Chúng ta luôn lạc quan về thị trường nhưng cũng cần cẩn trọng với rủi ro.