Nhâm nhi ly café - Bàn luận về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán

Lời đầu tiên, cho phép Nhân gửi lời chào thân ái đến quý anh chị em trên cộng đồng chứng khoán F247. Chúc tất cả quý anh chị em thành công trên “mặt trận chứng trường” và trong cuộc sống.

Có thể nói, nhà đầu tư chúng ta đang sống trong những ngày tháng tốt đẹp nhất kể từ “cú sụp đổ” của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022. “Liều thuốc vạn năng” mang tên lãi suất là chất xúc tác chính giúp cho VNINDEX tăng gần 20% tính từ đợt giảm lãi suất đầu tiên (15/03) và thị trường chứng khoán của chúng ta hiên ngang nằm trong top những thị trường tăng ấn tượng nhất toàn cầu kể từ đầu năm.

Thăng hoa là vậy, khởi sắc là thế nhưng đi kèm với lợi nhuận luôn là rủi ro. Anh chị em khi tham gia vào thị trường có muốn kiếm được lợi nhuận (hoặc rất nhiều lợi nhuận) không? Hẳn anh chị em nào cũng có câu trả lời là – kể cả Nhân cũng vậy. Thế tại sao lại nhắc đến rủi ro ở đây? Thị trường đang thăng hoa, đang tốt như vậy lại ba hoa mấy câu rủi với chả may. Đang trong tư thế ngẩng cao đầu với sếp, lên mặt với vợ không sướng à? Hay chú em đang cầm tiền, vẫn đang quan sát à?

Thực ra, Nhân viết lên những dòng này không phải vì mục đích hô hào hay cổ xuý điều gì về tình hình kinh tế hay thị trường chứng khoán cả. Chỉ là sau pha điều chỉnh ngày 18/08 vừa rồi, Nhân có cảm giác bồi hồi, xao xuyến nhớ về “những cuộc tình chóng vánh và đau xót khi chia lìa” của năm 2022. Hồi đó, Nhân nhớ mình vẫn còn đang say men tình với các em “hoa hậu mang tên đất”, rồi mê man với truyền thông về pha lên đỉnh 1800, 2000 đẹp như trong tranh vẽ. Để rồi khi rượu đã hết, nhạc đã tắt, tiệc đã tàn thì mới nhận ra mình cùng bao anh chị em chứng sỹ đã cùng nhau lên tàu để ra khơi. Giờ ngẫm lại thì đúng là “yêu quá hoá mù con mắt”, say đắm rồi thì cái xấu mình không thấy mà chỉ thấy toàn màu hồng. Để rồi ta còn lại gì? Rượu ngon lúc nào cũng sẵn, hoa hậu năm nào mà chả có chục em, chỉ sợ lúc đó súng đạn không đầy đủ, NAV cạn thì lấy gì mà “đu đưa” – (Cơ hội luôn có, chỉ sợ không nắm bắt được đúng không anh chị em).

Nhâm nhi ly café trong tiết trời se se lạnh của mùa thu Hà Nội, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày này Nhân đã ngồi lại và dạo qua vài trang thông tin về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán để điểm qua những sự kiện kinh tế lớn và tìm kiếm những rủi ro tiềm ẩn – (Thực ra, do Nhân đang full……cổ nên không còn tiền đi du lịch).

Không dông dài nữa, kính mời anh chị em ngồi thưởng thức ly café và chúng ta cùng bàn luận về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán.

3 Likes

Xuyên suốt từ năm 2022 đến thời điểm hiện tại (09/2023), chúng ta đã được đọc, được thấy và được nghe rất nhiều bài báo, bài phân tích hay các buổi talkshow, chương trình nói về vấn đề “lạm phát – lãi suất – tăng trưởng”. Và Nhân dự đoán rằng câu chuyện sẽ còn được kể dài cho đến năm 2024.

Khởi nguồn cho câu chuyện trên phải nhắc đến vấn đề lạm phát tăng cao trên toàn cầu trong năm 2022. Nguyên nhân khiến cho lạm phát tăng cao trong năm ngoái chủ yếu đến từ việc các NHTW trên thế giới đã bơm rất nhiều tiền ra nền kinh tế trong 2 năm trước đó – kèm theo đó là việc hạ lãi suất mạnh – nhằm kích thích tăng trưởng. 2020, 2021 là các năm kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên việc bơm tiền, hạ lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hệ luỵ của những chính sách trên đã làm giá cả hàng hoá tăng cao trên toàn cầu, cộng thêm việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị dứt gãy do Covid-19 càng khiến cho giá cả ngày càng tăng cao hơn.

Thực ra, vấn đề lạm phát tăng cao đã bắt đầu ngay từ những tháng đầu năm 2021 khi mà lạm phát đang “leo dốc” với tốc độ nhanh. Biểu đồ bên dưới cho chúng ta thấy được rõ nét bức tranh lạm phát của Mỹ và châu Âu.

Vậy tại sao chúng ta không nhận ra được câu chuyện này sớm hơn? Theo góc nhìn của Nhân thì việc thị trường tài chính có pha “ắp cheng” thế kỷ trong giai đoạn bơm tiền và kích thích tăng trưởng kinh tế đã làm lu mờ đi mối đe doạ từ lạm phát. Cộng hưởng với đó là việc truyền thông, báo đài liên tục bơm những tin sốt nóng về triển vọng kinh tế tăng trưởng, vẽ lên những mức target không tưởng của thị trường chứng khoán. Hay như việc “nhà cái” FED và TT Mỹ “Bai đừn” lên tiếng trấn an các con bạc rằng lạm phát chỉ là tạm thời và nền kinh tế vẫn đang “khoẻ mạnh”, các chú cứ all in đi.

Và lý do lớn nhất – (theo suy ngẫm của Nhân) – khiến chúng ta không nhận ra những rủi ro đang cận kề là do lòng tham và sự cố chấp. Khi chúng ta đầu tư và kiếm được rất nhiều tiền trong giai đoạn thăng hoa của thị trường thì chính cái sự thăng hoa đó đã làm trỗi dậy lòng tham bên trong mỗi con người chúng ta và khiến chúng ta dần đánh mất đi lý trí. Việc kiếm tiền trên thị trường quá dễ dàng càng khiến chúng ta ảo tưởng rằng việc này sẽ diễn ra mãi mãi và chúng ta chỉ muốn “vơ” thật nhiều tiền về cho riêng mình. Ngay cả khi phát súng đầu tiên nổ ra ngày 16/03/2022 – (FED thực hiện đợt nâng lãi suất lần đầu tiên) – thì chúng ta vẫn “điếc không sợ súng”, vẫn cố chấp và ảo tưởng rằng thị trường vẫn còn tốt lắm; rồi truyền thông, “chiên da” hô hào thị trường lên 1800 - 2000 đấy,…để rồi bức tranh còn lại của năm 2022 nhuộm gam màu xanh đỏ.

Để hạ nhiệt lạm phát tăng cao kỷ lục, các NHTW trên thế giới đã tiến hành các đợt nâng lãi suất liên tục. Chúng ta hãy cùng điểm qua lãi suất của một số nền kinh tế lớn tính đến thời điểm hiện tại (01/09/2023).

Việc nâng lãi suất một cách quyết liệt đã giúp hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất và đầu tư chưa bao giờ là “đôi bạn tốt” với nhau cả. Khi lãi suất bắt đầu tăng thì thị trường tài chính toàn cầu cũng vào pha sụt giảm, kéo theo đó là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của các nước. Và như Nhân đã đề cập ở phía trên, vấn đề liên quan đến “lạm phát – lãi suất – tăng trưởng” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều xuyên suốt từ năm 2022 đến nay.

Vậy câu chuyện này có còn tiếp diễn trong thời gian tới hay không? Có còn nghiêm trọng không? Trong phần tiếp theo, Nhân xin mạn phép chia sẻ với mọi người góc nhìn của mình về vấn đề này.

5 Likes

Em đã mua cafe để hóng phần tiếp theo.

1 Likes

Hôm nay uống café “chứng” ngon quá bác ạ.

2 Likes

I. Lạm phát

Từ khi lập kỷ lục trong nhiều thập kỷ ở nhiều nước trong năm 2022 thì hiện tại, lạm phát đã hạ nhiệt và tiến gần về mức lạm phát mục tiêu. Trong giai đoạn lạm phát căng thẳng, giá cả của các nhóm hàng hoá đều tăng lên, đáng chú ý là đà tăng giá của nhóm lương thực, thực phẩm, năng lượng. Bất ổn chính trị ở Đông Âu, kèm theo đó là các lệnh trừng phạt của những bên liên quan đã làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thêm phần căng thẳng. Thêm vào đó, việc nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng khiến nguồn cung dầu eo hẹp và từ đó đẩy giá dầu lên cao. Nhân thấy có mô hình minh hoạ rất hay về tác động của việc giá dầu tăng đến lạm phát trong một bài viết của Chuyện Biz·Nis, Nhân sẽ để link bài viết ở bên dưới để mọi người cùng tham khảo.

Lạm phát hạ nhiệt là tín hiệu đáng mừng đối với các nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu của các NHTW. Và theo như quan sát của Nhân, giá của nhóm lương thực, thực phẩm và năng lượng sẽ là mối đe doạ chủ yếu đến mục tiêu lạm phát trong thời gian tới.

Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu đang trên đà tăng giá trở lại. Hiện tượng El Nino ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, nhiều nước hạn chế xuất khẩu, Nga rút khỏi thoả thuận ngũ cốc Biển Đen,…đã làm cho nguồn cung bị suy giảm. Nhu cầu lương thực, thực phẩm không đổi mà nguồn cung suy giảm thì ắt giá cả phải tăng lên đúng không anh chị em? (Không biết mọi người thế nào chứ như Nhân, ngoài những hôm vợ cắt cơm ra thì hôm nào cũng đều đều 3 bữa, hôm nào vận động nhiều về đêm thì còn phải ăn thêm bữa phụ nữa).

Link những bài báo mà Nhân đã nghiên cứu và tham khảo:

Về giá dầu, sau giai đoạn lình xình đi ngang khá lâu trong vùng 7x USD/thùng thì tính tới thời điểm hiện tại, giá dầu đã bật tăng và đang tiện cận mức 9x USD/thùng.

Nguyên nhân muôn thuở khiến giá dầu tăng là việc nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng nhằm “ổn định thị trường” và “triển vọng kinh tế kém”. Việc dự báo về giá dầu trong tương lai đối với Nhân là vô cùng khó, phụ thuộc rất lớn vào mấy anh “đầu đội khăn và đồng minh”. Nhưng theo góc nhìn về triển vọng kinh tế còn kém trong tương lai gần, việc tiếp tục cắt giảm sản lượng của nhóm này là hoàn toàn có thể xảy ra và đẩy giá dầu tiếp tục tăng.

=> Chung quy lại, việc giá lương thực, thực phẩm và năng lượng tăng trở lại đã ảnh hưởng đến những nỗ lực hạ nhiệt lạm phát trên toàn cầu. Khả năng cao (theo nhận định của Nhân) các NHTW sẽ cần một đợt nâng lãi suất nhẹ nữa để ghìm giá cả hàng hoá xuống (ở đây là FED và ECB), và việc đưa được lạm phát về mức mục tiêu (2%) phải kéo dài đến nửa cuối năm 2024. Điều này vô hình chung tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế.

2 Likes

Nhận định về lạm phát của FED trong năm 2021 quả là một sai lầm chí mạng.

2 Likes

II. Lãi suất

Tăng lãi suất là lựa chọn của nhiều NHTW để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Về lý thuyết, việc tăng mạnh lãi suất nhằm tăng chi phí đi vay của người dân, các chính phủ và doanh nghiệp, qua đó sẽ làm giảm tốc độ chi tiêu và đầu tư, hạ nhiệt lạm phát thông qua việc làm giảm nhu cầu hàng hóa. Nhưng tăng lãi suất cũng sẽ tạo ra lực cản với tăng trưởng kinh tế, vốn đang trong quá trình phục hồi sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Việc lạm phát lập đỉnh và suy giảm có thể là tin vui cho các NHTW trên thế giới khi họ đang phối hợp tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, các nước sẽ phải tiếp tục cẩn trọng khi lựa chọn bước tiếp theo vì động thái tăng lãi suất mang tới nguy cơ suy thoái, đặc biệt với các nền kinh tế lớn.

Trong cuộc họp sắp tới vào tháng ngày 21/09, giới đầu tư đang đặt cược vào việc FED sẽ dừng tăng với tỷ lệ lên đến 92.0%.

1

Việc dừng tăng lãi suất trong tháng 9 sẽ giúp FED quan sát và đánh giá các số liệu kinh tế và lạm phát. Và nếu như giá cả lương thực, thực phẩm và năng lượng tiếp tục tăng trong thời gian tới thì rất khó để lạm phát có thể tiếp tục giảm. Từ đó, Nhân mới nhận thấy rằng vẫn có khả năng FED sẽ còn nâng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11.

2

Còn về câu hỏi môi trường lãi suất cao sẽ được duy trì trong bao lâu thì theo dự báo, FED sẽ còn duy trì lãi suất ở mức cao đến quý 2/2024.

3

=> Như vậy, việc tăng lãi suất tuy giúp hạ nhiệt lạm phát nhưng lại vô hình chung làm cho triển vọng kinh tế thế giới kém khả quan, thậm chí có thể gây ra một cuộc suy thoái nếu lãi suất vẫn giữ ở mức cao trong thời gian dài.

2 Likes

Thị trường chứng khoán Mỹ đang rủi ro? Mọi người nghĩ sao về quan điểm này?

3 Likes

Kinh tế còn đang khó khăn, những chính sách hỗ trợ thì vẫn cần thời gian thẩm thấu mà lạm phát lại đang nhăm nhe đe doạ sự hồi phục của nền kinh tế.

2 Likes

Cafe đâu bác?

Hiện tại vĩ mô có 3 vấn đề chính được đưa lên bàn nghị sự:

  • lạm phát Mỹ có trong tầm kiểm soát dưới mục tiêu 2% không? & tháng 9 này FED dừng tăng ls hay tăng thêm lần cuối?
  • sức khoẻ kinh tế TQ đang yếu đi liệu suy thoái TQ ảnh hưởng ntn tới khu vực, tới Mỹ và TG?
  • giá dầu lên và $ lên nếu đoạn tới vẫn tiếp tục lên sẽ đè nặng lên lạm phát. Mùa đông sắp đến rồi P peak vào mùa đông
1 Likes

Em quan sát và thấy rằng mục tiêu giảm lạm phát xuống dưới 2% thì phải sang năm sau mới đạt được do giá cả đang tăng trở lại và như bác đề cập là cả giá dầu đang lên nữa.

Không chỉ kinh tế TQ yếu mà còn cả kinh tế châu Âu nữa bác ạ. 2 khu vực lớn này mà yếu thì tác động rất lớn đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới.

1 Likes

Khả năng cao tháng 9 này FED sẽ không tăng. Nhưng với việc giá cả lương thực, thực phẩm và năng lượng đang tăng trở lại thì chúng ta vẫn không thể loại trừ khả năng lãi suất sẽ tăng 1 lần nữa trong cuộc họp tháng 11.

2 Likes

Nhân đang tiến hành nghiên cứu một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu,…và các đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc. Và những nghiên cứu này chỉ là góc nhìn cá nhân của Nhân nên vẫn mong các quý anh chị em có thể góp thêm góc nhìn của mình để cộng đồng của chúng ta cùng nhau phát triển.

2 Likes

Nói cụ thể hơn được k bác? Nghiên cứu cấp độ nào chẳng hạn

1 Likes

Dựa trên bộ 3 “Lạm phát - lãi suất - tăng trưởng” bác ạ. Ngoài ra em nghiên cứu thêm về các chỉ số kinh tế như PMI, tiêu dùng, thị trường lao động,…
Em chỉ nghiên cứu ở góc nhìn tổng thể thôi chứ để đi vào chi tiết thì cần sự giúp đỡ của các bác rồi.

3 Likes

Ý tôi là ở cấp độ nghiên cứu DN hay là làm tiến sỹ giáo sư ấy bạn

À, ra em dùng từ “nghiên cứu” làm bác hiểu nhầm. Em cũng chỉ nghiên cứu, phân tích dưới góc độ là một nhà đầu tư cá nhân thôi, chứ em chưa đạt đến trình độ tiến sỹ đâu bác.

2 Likes

Tỷ giá tăng là điều không thể tránh khỏi khi mà chính sách tiền tệ của nước ta đã đi ngược chiều so với Hoa Kỳ từ đầu năm 2023 đến nay. Việc hạ lãi suất 4 lần từ đầu năm đến nay trong khi Mỹ vẫn tăng trong cùng thời gian khiến áp lực gia tăng.
=> Việc có thêm một đợt giảm lãi suất vào cuối năm đang trở nên khó xảy ra, và liệu những chính sách nhằm kích thích kinh tế trong thời gian tới có những thay đổi gì?

2 Likes

FED có thể giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp tuần sau, nhưng điều đó không có nghĩa là quá trình nâng lãi suất đã kết thúc.

2 Likes

Giá dầu tăng đã tác động tới lạm phát tại Mỹ. Theo dữ liệu vừa được công bố ít phút trước, CPI trong tháng 8 đã tăng 0,6% so với tháng trước và 3,7% so với năm trước.

2 Likes