Nhận định thị trường tuần 11-15/10

TÓM TẮT THỊ TRƯỜNG TUẦN QUA VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN ( 11/10 – 15/10 )

Các thông tin trên thế giới như sau:

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/10), chứng khoán Mỹ gần như đi ngang. Chỉ số Dow Jones hạ 8.69 điểm (tương đương 0.03%) xuống 34,746.25 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.2% còn 4,391.34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 0.5% xuống 14,579.54 điểm. Các chỉ số chính đều khép lại tuần qua với sắc xanh. Dow Jones tăng 1.2%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2021. S&P 500 cộng 0.8%, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2021. Nasdaq Composite chỉ nhích 0.1% từ đầu tuần đến nay.

Có cả sự tích cực lẫn tiêu cực trong báo cáo việc làm công bố vào ngày thứ Sáu, điều này giải thích sự thay đổi trong các cổ phiếu sau báo cáo này. Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo số liệu gây thất vọng lớn khi nền kinh tế nước này chỉ tạo ra thêm 194,000 việc làm trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với dự báo 500,000 việc làm từ Dow Jones. Về mặt tích cực, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, ở mức 4.8%. Đó là mức tương tự được thấy vào cuối năm 2016. Ngoài ra, báo cáo việc làm tháng 8 đã được điều chỉnh tăng lên 366,000 việc làm so với số liệu ban đầu là 235,000 việc làm. Một bức tranh lao động ảm đạm có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hành động, khi cơ quan này chuẩn bị giảm nhịp độ mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng.

Giá dầu thế giới tuần qua đã tăng mạnh sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) quyết định duy trì lộ trình tăng sản lượng như kế hoạch cũ bất chấp nhu cầu dầu mỏ thế giới đang ngày càng lớn. Trong hai phiên đầu tuần (4-5/10), giá dầu liên tiếp tăng mạnh, với giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đã có lúc tăng lên 79,48 USD/thùng - mức cao nhất trong gần 7 năm, còn giá dầu Brent Biển Bắc chạm mức cao của ba năm là 83,13 USD/thùng. Tuy nhiên, sang đến phiên 6/10, giá dầu thế giới giảm gần 2% do lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng lên đã khiến nhiều người mua quyết định chốt lời sau những phiên tăng mạnh gần đây. Giá dầu thế giới tăng trở lại trong phiên 7/10 và kéo dài sang phiên 8/10, cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,05 USD, hay 1,3%, lên 79,35 USD/thùng, và giá dầu Brent tiến thêm 44 xu Mỹ, hay 0,5% lên 82,39 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI của Mỹ và dầu Brent đã tăng lần lượt 4,6% và 4,9%. Đây là tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp của dầu WTI còn dầu Brent là tuần tăng giá thứ 5.

Chỉ số DXY giữ ở ngưỡng 94x kết thúc tuần vừa qua.

Kết luận: Thị trường chứng khoán toàn cầu khép lại một tuần biến động mạnh nhưng phần lớn đi lên ngoại trừ các thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc. Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần thắng lợi khi sự lạc quan về thỏa thuận trần nợ trong ngắn hạn đã lấn át báo cáo việc làm gây thất vọng.

Về thị trường Việt Nam:

1. Điểm tích cực

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần tăng mạnh mẽ kể từ đầu tháng 8 cho thấy thị trường dường như đã vượt qua được các lực cản cả trong và ngoài nước từ tăng trưởng GDP âm trong quý 3 vừa qua cho tới nguy cơ lơi nhuận doanh nghiệp sụt giảm và chứng khoán toàn cầu điều chỉnh.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.372,73 điểm, tương ứng tăng 37,84 điểm (2,83%) so với tuần trước đó. Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 24.383 tỷ đồng/phiên, tăng 3,5%. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 10,5% lên mức 22.593 tỷ đồng/phiên.

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước đóng vai trò quan trọng giúp nâng đỡ thị trường trong tuần giao dịch vừa qua. Theo số liệu từ FiinPro, cá nhân trong nước đẩy mạnh mua ròng 1.648 tỷ đồng ở HoSE trong tuần từ 4-8/10, tăng vọt so với mức 121 tỷ đồng của tuần trước đó. Như vậy, cá nhân trong nước đã mua ròng 6 tuần liên tiếp với tổng giá trị 12.339 tỷ đồng. Nếu tính theo phương thức khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng hơn 2.242 tỷ đồng trong tuần qua (tuần trước bán ròng 221 tỷ đồng qua khớp lệnh).

Điểm tích cực của thị trường chứng khoán là việc khối tự doanh của các công ty chứng khoán đẩy mạnh mua ròng ở tuần này. Cụ thể, theo dữ liệu của FiinPro, tự doanh CTCK mua vào 41 triệu cổ phiếu, trị giá 1.775 tỷ đồng, trong khi bán ra 21,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.094 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức gần 20 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng gần 700 tỷ đồng (gấp 12 lần so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 6 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị hơn 2.041 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh mua ròng tuần thứ 5 liên tiếp với giá trị gấp 2,2 lần tuần trước đó và đạt gần 410 tỷ đồng.

2. Điểm tiêu cực

Giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm tiêu cực của thị trường chứng khoán trong tuần qua. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 137 triệu cổ phiếu, trị giá 5.975 tỷ đồng, trong khi bán ra 172 triệu cổ phiếu, trị giá 7.148 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 34,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.173 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 9 liên tiếp với giá trị tương đương tuần trước đó và ở mức gần 1.017 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 33,3 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn này bán ròng đến trên 1.976 tỷ đồng, gấp đôi tuần trước đó.

Kết luận – Dự báo thị trường tuần 11 – 15/10:

Tâm lý tích cực của nhà đầu tư trong tuần vừa qua (04-08/10) được duy trì khá tốt trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên, lực cung chốt lời ngắn hạn cũng có dấu hiệu gia tăng khi chỉ số tiến vào vùng kháng cự 1,370-1,380 điểm khiến cho đà tăng của chỉ số giảm tốc phần nào và biên độ dao động cũng có phần thu hẹp trong những phiên cuối tuần.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang có mô hình tăng tiếp diễn theo mẫu hình tam giác cân (Symmetrical triangle pattern). Đây là một mô hình tam giác cho thấy sự lưỡng lự của thị trường, khối lượng giao dịch thường sẽ ít dần khi tam giác thụ hẹp lại. Tuy nhiên, sau nhiều phiên dồn nén, mô hình tam giác cân sẽ phải đi theo một hướng của nó và có thể sẽ đi rất mạnh. Chính vì vậy, sau khi phá vỡ trendline của mô hình tam giác kèm thanh khoản tuần đang tăng trở lại đang củng cố cho xu hướng tăng mới của chỉ số VN-Index. Do đó, cơ hội kiểm định vùng kháng cự tại đỉnh cũ 1.380 – 1.424 đang mở ra trong ngắn hạn.

Kịch bản có thể xảy ra trong tuần tới: VN-Index có thể tiếp tục duy trì đà tăng. Trong kịch bản tích cực, nếu VN-Index vượt lên trên mốc 1375 điểm, thì thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục hướng lên kháng cự mạnh hơn ở vùng 1400-1420 điểm. Vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường hiện tại quanh vùng 1345 điểm.

Hành động của chúng ta:

Em cho rằng nhà đầu tư có thể chốt lời một phần các cổ phiếu “lướt sóng” và đầu cơ để bảo toàn thành quả, đồng thời cơ cấu lại danh mục theo hướng đón đầu xu hướng dịch chuyển của dòng tiền với tâm điểm tại thời điểm hiện tại là một số cổ phiếu trụ mà hiện tại đáng chú ý là các cổ phiếu thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng, dầu khí và bất động sản.

Watchlist tuần tới: VHM, BVH, CEO, HBC, PVD, PLC, FPT, MSN, VRE, dòng bank…

==============

Tải app *** SmartOne để mở tài khoản với ID C200

Liên hệ **** 0973498416 - Duy Chu

Để tham gia room khách hàng đầu tư và nhận tư vấn cụ thể thời điểm mua bán các mã cổ phiếu tiềm năng.