Nhận định thị trường tuần 14-18/6

TÓM TẮT THỊ TRƯỜNG TUẦN QUA VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN ( 14/06 – 18/06 )

Các thông tin trên thế giới như sau:

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tiến 0.2% lên mức kỷ lục mới 4,247.44 điểm, đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.4% lên 14,069.42 điểm với cổ phiếu Apple, Microsoft và Netflix đều ghi nhận mức tăng. Chỉ số Dow Jones nhích 13.36 điểm lên 34,479.60 điểm. Tuần qua, S&P 500 tăng 0.4% và đánh dấu tuần leo dốc thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, Nasdaq Composite có kết quả vượt trội khi vọt gần 1.9% và ghi nhận 4 tuần leo dốc liên tiếp. Trong khi, Dow Jones giảm 0.8% trong tuần qua.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm khi nhà đầu tư bỏ qua báo cáo cho thấy lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tăng 5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một chút so với dự kiến. Có lẽ việc thúc đẩy cổ phiếu là phản ứng trên thị trường trái phiếu đối với báo cáo lạm phát nóng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 1.43%, đánh dấu mức thấp nhất trong 3 tháng. Lợi suất trái phiếu Mỹ đã dao động trên mức 1.77% hồi đầu năm.

Giá dầu thô tăng lên cao nhất nhiều năm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/6) và ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp nhờ sự cải thiện đối với triển vọng nhu cầu trên toàn cầu khi tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 tăng giúp gỡ bỏ các lệnh hạn chế về di chuyển. Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giao sau tăng 17 US cent lên 72,69 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2019. Trong tuần, giá dầu Brent đã tăng 1%. Giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ tăng 62 US cent lên 70,91 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu WTI đã tăng 1,9% trong tuần. Lý do là bởi nhu cầu đang quay trở lại nhanh hơn nguồn cung và thị trường sẽ cần thêm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu đó.

Chỉ số DXY vẫn ở ngưỡng 90x kết thúc tuần vừa qua.

Kết luận: TTCK Mỹ tiếp tục tăng điểm tích cực trong tuần qua bỏ qua những thông tin tiêu cực về tốc độ lạm phát tăng cao và dẫn đến lo ngại của các nhà đầu tư về việc Fed có thể tăng lãi suất và rút lại các chính sách đang được nới lỏng. Tuần tới sẽ có sự kiện vĩ mô quan trọng liên quan đến việc FED công bố chính sách lãi suất trong thời gian tới có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới.

Về thị trường Việt Nam:

1. Điểm tích cực

  • VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong tâm lý bi quan của nhà đầu tư khi mất hơn 15 điểm. Chỉ số tụt dốc mạnh gần 39 điểm ngay phiên sau đó. Tuy nhiên, cuối tuần VN-Index có sự hồi phục trở lại và kết thúc tuần giao dịch với mức giảm chỉ còn 22.31 điểm.
  • Nhóm sản xuất thủy sản khép lại tuần giao dịch với sắc xanh tích cực. Cụ thể, ANV leo dốc mạnh mẽ 9.35%, VHC, IDI, FMC, SKS đều tăng trên 6%, ACL tiến 4.88%, TS4 tăng nhẹ 2.87%… Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tiếp tục đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng 5/2021, tăng 24% đạt gần 790 triệu USD. Theo đó, kết quả xuất khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 cũng khả quan hơn, tăng 14% đạt 3.27 tỷ USD. Việc triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng Covid cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ, đã mang lại động lực để nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này hồi phục “thần tốc”, không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí… Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và do chính quy định kiểm soát Covid-19 của nước này. Điều này giúp triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành chế biến thủy sản trở nên rất tích cực.

VN-Index có tuần giao dịch điều chỉnh. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dần xuất hiện. Tuy nhiên khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức cao so với trung bình 20 phiên trước đó.

Mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) về việc để hệ thống nghẽn lệnh kéo dài. Lý do được cho là bởi dòng tiền đổ vào thị trường nhiều. Giá trị khớp lệnh mỗi phiên từ đầu tháng 6 đến nay luôn trên 1 tỷ USD (trừ phiên ngày 1/6 đạt 905 triệu USD vì HoSE ngừng giao dịch buổi chiều để tránh sự cố hệ thống). Như vậy, trong vòng chưa đầy 18 tháng, thanh khoản sàn HoSE tăng 1.167% và bình quân mỗi phiên lớn hơn tổng giá trị giao dịch của sàn Singapore, Malaysia, Philippines cộng lại.

2. Điểm tiêu cực

  • Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong tuần từ 7-11/6 với việc VN-Index giảm 22,31 điểm (-1,6%) so với tuần trước và xuống mức 1.351,74 điểm. Đa phần cá nhóm ngành cổ phiếu trụ cột đều biến động tiêu cực trong tuần giao dịch vừa qua. Nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường thời gian qua là ngân hàng đã có sự điều chỉnh mạnh trong tuần từ 7-11/6. Không có bất kỳ cổ phiếu ngân hàng nào tăng giá trong khi có đến 25 mã giảm giá. Tương tự, nhóm ngành chứng khoán cũng ghi nhận số mã giảm áp đảo. Đa phần các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm giá trong tuần từ 7-11/6. Trong top 30 vốn hóa thị trường chứng khoán chỉ có 7 mã tăng giá, trong đó, VJC của VietJet tăng mạnh nhất nhóm này với 7,5%. SAB của Sabeco cũng tăng 6,8%. Chiều ngược lại, SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội giảm mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 8,3%. BID của BIDV cũng giảm 5,6%.
  • Giao dịch của khối ngoại lẫn tự doanh của các công ty chứng khoán biến động theo chiều hướng tiêu cực và phần tác động xấu đến tâm lý nhà đầu. Theo dữ liệu từ FiinPro, tự doanh CTCK trong tuần qua mua vào 50,3 triệu cổ phiếu trên HoSE, trị giá 2.307 tỷ đồng, trong khi bán ra 54 triệu cổ phiếu, trị giá 2.412 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 3,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 105 tỷ đồng.
  • Trên sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp, nhưng giá trị giảm 87% so với tuần trước đó và ở mức gần 789 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 30,9 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 6 tuần vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 16.800 tỷ đồng. Điểm tích cực trong giao dịch khối ngoại sàn HoSE là dòng vốn này mua ròng trở lại trong 2 phiên cuối tuần và góp phần giúp giảm áp lực trên thị trường chứng khoán.

Kết luận – Dự báo thị trường tuần 14 – 18/6:

  1. Từ những tin tức vĩ mô đến vận động của thị trường trong nước, về trung và dài hạn Index khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

  2. Về kỹ thuật, trong phiên giao dịch ngày 11/06/2021, VN-Index phục hồi mạnh mẽ với mẫu hình nến gần giống White Closing Marubozu sau khi về gần hỗ trợ tại đường Middle Band trong những phiên trước đó. Vùng 1315 vẫn sẽ là hỗ trợ gần nhất của chỉ số. Bên cạnh đó, trendline tăng ngắn hạn (bắt đầu từ tháng 01/2021) cũng đang hiện diện tại đây. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng. Chỉ báo MACD và chỉ báo Stochastic Oscillator đều đang cho những tín hiệu tiêu cực. Nếu trạng thái này vẫn được duy trì thì tình hình vẫn chưa quá lạc quan. Trong trường hợp chỉ số tiếp tục tăng điểm trong những phiên tới thì nhiều khả năng chỉ số sẽ tiến lên test ngưỡng Fibonacci Projection 100% (tương đương vùng 1,390-1,410 điểm). Đây cũng là mục tiêu theo nguyên lý đối xứng sau khi chỉ số vượt hoàn toàn vùng đỉnh cũ tháng 01/2021.

Hành động của chúng ta:

Thị trường đang trong giai đoạn biến động thận trọng. Ưu tiên của chúng ta là nên chốt lời thành quả khi thị trường xanh và giữ lại 1 phần danh mục để mua bổ sung hoặc mua mới khi thị trường điều chỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt vẫn nên hạn chế sử dụng margin vào thời điểm này.

Watchlist tuần tới: CTG, STB, DIG, GVR, BVH và dòng thủy sản.

==============