Nhận định thị trường tuần 21-25/6

TÓM TẮT THỊ TRƯỜNG TUẦN QUA VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN ( 21/06 – 25/06 )

Các thông tin trên thế giới như sau:

Kết thúc phiên 18/6, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm khi các cổ phiếu vốn được hưởng lợi từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại rớt giá, trong bối cảnh Fed đưa ra tín hiệu tăng lãi suất. Dow Jones giảm 533,37 điểm, tương đương 1,6%, xuống 33.290,08 điểm. S&P 500 mất 1,3%, còn 4.166,45 điểm. Cả 2 chỉ số này đều chạm mức thấp trong phiên ở những phút giao dịch cuối cùng. Nasdaq giảm 0,9% xuống 14.030,38 điểm. Các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nền kinh tế mở cửa trở lại dẫn đầu xu hướng giảm điểm ở phiên này. Trong tuần, Dow Jones giảm 3,5%, S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 1,9% và 0,2%.

Thị trường bị bán tháo mạnh khi khi Chủ tịch Fed St. Louis Jim Bullard cho biết trên CNBC rằng việc Fed sẽ nghiêng quan điểm cứng rắn một chút trong tuần này là điều tự nhiên và đợt tăng lãi suất đầu tiên từ NHTW có thể sẽ đến vào năm 2022. Sự trượt dốc của thị trường bắt đầu diễn ra sau khi Fed đưa ra tín hiệu sẽ thực hiện 2 đợt nâng lãi suất cho đến năm 2023 và nâng kỳ vọng lạm phát trong năm nay.

Phiên giao dịch sáng 18/6 (giờ Việt nam), giá dầu bất ngờ quay đầu giảm chủ yếu do đồng đô la phục hồi mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu về việc sẽ thực hiện điều chỉnh lãi suất cơ bản đồng đô la sớm hơn dự báo của thị trường. Cụ thể, dầu WTI giảm 0,14 USD/thùng tương ứng 0,20% xuống mức 70,90 USD/thùng; Dầu Brent giảm 1,31 USD/thùng tương ứng 1,76% xuống mức 73,08 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thô tiếp tục giảm sau khi đã giảm tới 1% vào phiên hôm trước đó.

Chỉ số DXY tăng lên ngưỡng 92x kết thúc tuần vừa qua.

Kết luận: Những cổ phiếu liên quan tới vật liệu dẫn đầu đà xuống của thị trường sau khi Fed thông báo sớm tăng lãi suất và Trung Quốc lập chiến dịch kiểm soát giá kim loại. Làn sóng tăng giá hàng hóa từ đầu năm đến nay vì thế mà có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, mức giảm của thị trường nói chung không quá lớn. Fed vẫn sẽ duy trì chính sách bơm tiền thông qua mua tài sản quy mô 120 tỷ USD/tháng. Theo CNBC, các nhà đầu tư cho rằng chương trình nới lỏng tiền tệ này vẫn sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Về thị trường Việt Nam:

1. Điểm tích cực

Chốt phiên giao dịch cuối tuần 18/6, VN-Index vươn lên mức cao mới với 1.377,77 điểm, tương ứng tăng 26,03 điểm (1,9%) so với tuần trước đó. Nhiều nhóm ngành cổ phiếu như chứng khoán, bất động sản, dầu khí, thép… đều biến động tích cực.

Khối ngoại giao dịch tích cực hơn trong tuần qua. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 219 triệu cổ phiếu, trị giá 9.988 tỷ đồng, trong khi bán ra 232,8 triệu cổ phiếu, trị giá 9.894 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 21 triệu cổ phiếu, tuy nhiên, nếu tính về giá trị thì dòng vốn này mua ròng trở lại 94,6 tỷ đồng. Tại sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi bán ròng 6 tuần liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại gần 220 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng trên 11 triệu cổ phiếu.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn duy trì trạng thái mua ròng rất mạnh trên HoSE với 1.188,6 tỷ đồng trong tuần từ 14-18/6, tăng 25% so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 10 liên tiếp của nhà đầu tư này với tổng giá trị 23.600 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước vượt đỉnh cũ để xác lập đỉnh lịch sử mới, đà tăng diễn ra trong bối cảnh các thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng sau khi nhà đầu tư tiếp nhận bản cập nhật chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

2. Điểm tiêu cực

  • Điểm tiêu cực của thị trường trong tuần qua là việc dòng vốn tự doanh của các công ty chứng khoán đẩy mạnh bán ròng trên sàn HoSE. Cụ thể, theo dữ liệu của FiinPro, dòng vốn này mua vào 43,6 triệu cổ phiếu, trị giá 2.132 tỷ đồng, trong khi bán ra 50,6 triệu cổ phiếu, trị giá 2.500 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 368 tỷ đồng (gấp 3,5 lần tuần trước đó).
  • Dù VN-Index vượt đỉnh cũ và vươn lên mức cao mới nhưng giao dịch trên thị trường diễn ra có phần thận trọng hơn tuần trước đó với thanh khoản sụt giảm. Theo dữ liệu của FiinPro, tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 5,24 tỷ cổ phiếu, giảm 4,6% so với tuần trước, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 150.000 tỷ đồng, giảm 8,8%. Riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 136.000 tỷ đồng, giảm đến 12,5%. Giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 12,8% xuống mức 109.382 tỷ đồng.

Kết luận – Dự báo thị trường tuần 21 – 25/6:

  1. Thị trường hồi phục thành công sau những nhịp điều chỉnh đầu tháng 6, điểm tích cực của thị trường là dòng vốn khối ngoại đã quay trở lại mua ròng lần đầu tiên sau 6 tuần liên tiếp bán ròng cùng với việc Index vượt đỉnh lịch sử ngay cả khi thị trường chứng khoán thế giới vẫn bị ảnh hưởng sau khi FED công bố chính sách mới thể hiện tín hiệu tích cực về tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong trung và dài hạn.

  2. Về kỹ thuật, thị trường có thể bước vào sóng tăng mới sau khi vượt thành công đỉnh cũ để hướng đến mục tiêu ngắn hạn ở 1,420-1,450 điểm, ngưỡng 1,350 điểm đã trở thành hỗ trợ “mềm” cho chỉ số VN - Index. Em thiên nhiều hơn về khả năng chỉ số chung sẽ điều chỉnh giảm nhẹ trong tuần 21-25/06 để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ mới này.

Hành động của chúng ta:

Thị trường đang trong giai đoạn biến động thận trọng. Chúng ta theo đó cũng cần có chiến lược phòng ngừa rủi ro hợp lý, hạn chế mua đuổi cổ phiếu, đồng thời có thể tận dụng biến động của dòng tiền trên thị trường để “lướt sóng” nhóm cổ phiếu “trụ” nhằm tìm kiếm lợi nhuận cũng như tái cơ cấu danh mục nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư. Đặc biệt vẫn nên hạn chế sử dụng margin thời điểm này.

Watchlist tuần tới: PVS, BSR, DIG, NLG, BVH, SSI, HCM.

==============