Nhận định thị trường tuần 9-13/8

TÓM TẮT THỊ TRƯỜNG TUẦN QUA VÀ NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN ( 09/08 – 13/08 )

Các thông tin trên thế giới như sau:

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/8, Dow Jones và S&P 500 cùng lập đỉnh lịch sử khi thị trường đón nhận số liệu kinh tế khả quan. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 144,26 điểm, tương đương 0,4% và đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại là 35.208,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng gần 0,2% và chạm mức kỷ lục 4.436,52 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 14.835,76 điểm. Trong tuần, chỉ số Dow tăng 0,7%, S&P 500 tăng 0,9% và hiện tăng 18,1% trong năm. Nasdaq tăng 1,1% từ đầu tuần đến nay.

Báo cáo việc làm công bố hôm thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã có thêm 943.000 việc làm trong tháng 7, theo Bộ Lao động. Các nhà kinh tế dự đoán ​​nền kinh tế sẽ có thêm 845.000 việc làm trong tháng trước, theo ước tính từ Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,4%, thấp hơn mức ước tính 5,7%.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,74% xuống 67,89 USD/thùng vào phiên ngày 7/8. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 cũng giảm tới 1,39% xuống 70,3USD/thùng. Giá dầu thô giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (6/8), và đánh dấu tuần giảm sâu nhất trong nhiều tháng vì lo ngại các hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi của nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Chỉ số DXY xấp xỉ ngưỡng 92x kết thúc tuần vừa qua.

Kết luận: Phần lớn các thị trường đều tăng điểm trong tuần vừa qua nhưng phân hóa khi đà tăng tích cực hơn diễn ra ở Mỹ và Châu Âu còn chậm lại ở khu vực Châu Á trước tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Delta. Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng dịch bệnh trên thế giới và thị trường tài chính khu vực cũng chịu tác động tiêu cực…

Về thị trường Việt Nam:

1. Điểm tích cực

TTCK Việt Nam tiếp tục đà phục hồi sang tuần thứ 2 liên tiếp sau chuỗi giảm 3 tuần liền mạch trước đó, đà tăng trong tuần vừa qua cũng giúp chỉ số VN-Index có mặt trong Top các thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất trên thế giới. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (6/8) VN-Index đứng ở mức 1.341,45 điểm tăng 31,4 điểm (2,4%) so với tuần trước.

Thanh khoản thị trường chứng khoán tăng so với tuần trước đó, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 850 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 28% so với tuần cuối tháng 7, tương ứng giá trị giao dịch bình quân là 25.170 tỷ đồng/phiên, tăng 25,3%. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng tăng 28% lên 23.350 tỷ đồng.

Điểm tích cực trong tuần qua là khối ngoại tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng tích cực. Cụ thể, dòng vốn này trong tuần từ 2-6/8 mua vào 203 triệu cổ phiếu, trị giá 9.060 tỷ đồng, trong khi bán ra 145,8 triệu cổ phiếu, trị giá 6.579 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 57,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.480,6 tỷ đồng, gấp 3,4 lần tuần trước.

2. Điểm tiêu cực

Khối tự doanh của các công ty chứng khoán không còn giữ được trạng thái mua ròng như ở tuần trước. Theo dữ liệu của FiinPro, khối tự doanh trong tuần từ 2- 6/8 mua vào 30,7 triệu cổ phiếu trên HoSE, trong khi bán ra 48,5 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào ở mức 1.697 tỷ đồng, còn giá trị bán ra là 2.046 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng là hơn 17,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng ở mức trên 348 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính về phương thức khớp lệnh thì dòng vốn này vẫn mua ròng 176 tỷ đồng.

Kết luận – Dự báo thị trường tuần 9 – 13/8:

VN-Index đã hồi phục đáng kể từ vùng đáy ngắn hạn 1,250 điểm, ngay cả trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế vẫn đang tiếp tục bất ổn và những diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam.

Về kỹ thuật, sau 9 phiên tăng liên tiếp chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.350 điểm trong phiên cuối tuần vừa qua, bằng 61,8% đoạn giảm 3 tuần trong tháng 7. Việc thị trường điều chỉnh trong phiên cuối tuần đến từ áp lực chốt lời sau chuỗi tăng gần 2 tuần liên tiếp và chỉ số VN-Index cũng đi vào vùng cản kỹ thuật của dải band trên MA Envelopes giao thoa với đường trung bình động MA50 ngày với mức kháng cự từ 1.348 – 1.360 điểm. Do đó, một nhịp tích lũy trước các vùng kháng cự mạnh là cần thiết sau nhịp tăng khá tốt vừa qua. Do vậy nếu thanh khoản bình quân trên sàn HSX phục hồi trở lại nền giao dịch ở mức cao (khoảng 20 - 25 nghìn tỷ/phiên) ở các phiên kế tiếp, thì VN-Index có thể hướng đến vùng 1.365-1400 điểm trong các tuần tới.

Hành động của chúng ta:

Em nhận định chỉ số chung sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy trong vùng 1,300-1,350 điểm trong những phiên tới và trước mắt thì ngưỡng kháng cự gần nhất là 1,350 điểm và theo đó khuyến nghị anh chị có thể cân nhắc chốt lời một phần các cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng để bảo toàn thành quả, tập trung vào danh mục những mã có tiềm năng tăng trưởng tốt và nền tảng tài chính ổn định được khuyến nghị trong danh mục quý 3 trên nhóm. Tận dụng những nhịp điều chỉnh của thị trường để giải ngân dòng tiền. Thời điểm này vẫn nên hạn chế sử dụng margin.

Watchlist tuần tới: Danh mục khuyến nghị quý 3 đã được ghim trong nhóm.

Theo dõi mua khi giảm sâu, điểm mua và bán sẽ được nhắn cụ thể trong phiên ở nhóm tín hiệu đầu tư.

==============