Các nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản đã nổi lên như một nhân tố mới khiến đồng yen trượt giá liên tục, làm phức tạp thêm các nỗ lực hỗ trợ đồng tiền này của chính phủ.
Sự sụt giảm giá trị của đồng yen kể từ năm 2022 chủ yếu xuất phát từ chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước, cùng với thâm hụt thương mại ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện tại, chênh lệch tỷ giá đã ngừng gia tăng và thâm hụt thương mại đang giảm dần. Một lý do đáng chú ý khiến đồng yen tiếp tục giảm bất chấp những thay đổi này là do chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA), đã được cải tiến trong năm nay.
Dữ liệu do Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, đầu tư chứng khoán nước ngoài ròng của các cá nhân thông qua quỹ tín thác đầu tư đạt 4.000 tỷ yen (25,7 tỷ USD) trong bốn tháng đầu năm nay, số tiền lớn nhất trong cùng kỳ tính từ năm 2005.
Các quỹ chứng khoán nước ngoài là kênh chính cho các dòng vốn này. Quỹ đầu tư eMAXIS Slim World của Mitsubishi UFJ Asset Management đã ghi nhận dòng vốn ròng 943,7 tỷ yen trong bốn tháng đầu năm nay, mức cao nhất đối với bất kỳ quỹ tín thác đầu tư chào bán công khai nào tại Nhật Bản, ngoại trừ các quỹ giao dịch trao đổi.
Chỉ riêng quỹ này đã chiếm 18% dòng vốn ròng đổ vào các quỹ tín thác đầu tư trong kỳ và đã vượt qua 3.000 tỷ yen tài sản ròng vào tháng Tư vừa qua.
Sự suy yếu dần của đồng yen có thể liên quan đến bản chất của chương trình NISA. Các nhà đầu tư thường bỏ khoảng 10.000-50.000 yen vào cùng một quỹ mỗi tháng, bất kể thị trường đang diễn biến như thế nào.
Ông Daisaku Ueno, chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết: “Đầu tư vào các quỹ đầu tư toàn cầu có nghĩa là bán đồng yen để mua đồng nội tệ. Nó có thể có tác động đến các cặp tiền tệ được giao dịch, ngay cả khi mỗi giao dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể”.
Sự hồi sinh của hoạt động giao dịch mua bán đồng yen - vay đồng yen với lãi suất thấp để mua các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn - cũng có thể đóng một vai trò trong sự sụt giảm của đồng tiền này.
Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho là đã tiến hành hai biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng yen, vào ngày 29/4 và ngày 2/5, với tổng trị giá khoảng 8.000 tỷ yen. Bộ Tài chính và BoJ từ chối bình luận về việc này.
https://bnews.vn/nhan-to-moi-khien-dong-yen-cua-nhat-ban-truot-gia/332819.html