Nhật Bản đang thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm một địa điểm có chi phí cạnh tranh khi đồng yen yếu như hiện nay, trái ngược với thập niên 1990 khi đồng yen mạnh hơn.
Đồng yen giảm giá đang phục hồi sức hấp dẫn của Nhật Bản như một trung tâm sản xuất các loại hàng hóa như mỹ phẩm, trong khi chi phí xuất khẩu thấp hơn đã nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Nhật Bản ở thị trường nước ngoài. Lạm phát ở Nhật Bản ở mức khoảng 3% trong hai năm qua. Nhưng với việc đồng yen giảm xuống mức thấp nhất 34 năm so với USD, giá hàng hóa và dịch vụ ở Nhật Bản vẫn thấp nhất trong những nền kinh tế lớn khi mua bằng các đồng tiền khác.
Cosmax, công ty sản xuất theo hợp đồng cho các doanh nghiệp mỹ phẩm, có kế hoạch bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản trong năm 2025. Cosmax sẽ cung cấp sản phẩm cho thị trường Nhật Bản và có thể là cả các thị trường khác như Hàn Quốc, Trung Quốc... Hầu hết hoạt động sản xuất của Cosmax là ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Giám đốc điều hành của Cosmax Japan, Jason Eo, cho biết công ty quyết định sản xuất tại Nhật Bản vì “đồng yen giảm giá tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu”.
Nhật Bản đang thu hút sự quan tâm từ các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm một địa điểm có chi phí cạnh tranh để sản xuất, trái ngược với thập niên 1990 khi đồng yen mạnh hơn đã thúc đẩy hoạt động sản xuất ở nước ngoài.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tận dụng tình hình nói trên. Công ty sản xuất thiết bị điện tử JVCKenwood - nắm giữ thị phần lớn thứ ba toàn cầu trong lĩnh vực mạng di động chuyên nghiệp, đã chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ở Mỹ về Nhật Bản. Sau đó JVCKenwood xuất khẩu các thiết bị được sản xuất tại Nhật Bản trở lại thị trường Bắc Mỹ.
Một nhà máy ở tỉnh Yamagata phía đông bắc Nhật Bản đang tự động hóa dây chuyền sản xuất với người máy (robot) công nghiệp lắp ráp sản phẩm. Chi phí sản xuất đã giảm 30% nhờ chi phí nguyên vật liệu và nhân công thấp hơn. Ngoài ra, thời gian sản xuất cũng giảm 30% nhờ tiêu chuẩn hóa các bộ phận và robot được thiết kế lại. Những yếu tố này thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của Nhật Bản trong xuất khẩu.
Trong khi đó, công ty sản xuất nhu yếu phẩm Iris Ohyama đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ở nước ngoài trở lại Nhật Bản. Iris Ohyama cũng bắt đầu xuất khẩu cơm ăn liền đóng hộp và mở rộng hoạt động sang Mỹ và Thái Lan trong năm nay.
Iris Ohyama đánh giá xuất khẩu các sản phẩm làm từ gạo là một lĩnh vực kinh doanh hưởng lợi từ sự phổ biến ngày càng rộng rãi của thực phẩm Nhật Bản ở nước ngoài. Khối lượng xuất khẩu gạo của Nhật Bản đã tăng gần gấp 12 lần trong thập kỷ qua. Gạo Nhật Bản lần đầu tiên trở nên rẻ hơn gạo Mỹ vào năm 2022. Trước đây, giá gạo Nhật Bản từng cao gấp đôi so với gạo Mỹ. Mức chênh lệch giá gạo Nhật Bản và Mỹ ngày càng giảm đã khuyến khích các công ty chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh đến Nhật Bản và xuất khẩu hàng hóa được sản xuất tại đây đến những thị trường khác.
Dòng khách du lịch nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản cũng là một diễn biến đáng chú ý. Hoạt động mua sắm hàng hóa Nhật Bản tại quốc gia này của khách du lịch nước ngoài được tính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ.
Nhu cầu gia tăng trong lĩnh vực dịch vụ đang nâng cao giá cả và tiền lương. Khách sạn Imperial Hotel Tokyo đã tăng lương của người lao động trung bình 7% trong năm nay và tăng giá một số loại phòng nghỉ dành cho du khách. Chủ tịch khách sạn Imperial Hideya Sadayasu nói: “Chúng tôi đang đẩy mạnh chiến lược nâng cao chất lượng và cung cấp dịch vụ với mức giá phù hợp”.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Tsuyoshi Ueno tại Viện nghiên cứu NLI cho biết ngành du lịch sẽ cần nâng cao năng suất để khắc phục tình trạng thiếu lao động. Theo chuyên gia này, trong khi đồng yen vẫn yếu, các doanh nghiệp Nhật Bản phải đầu tư nhiều hơn và phát triển giá trị gia tăng bên cạnh điểm nổi bật thu hút những công ty nước ngoài là chi phí thấp hơn. Nếu không thực hiện được điều này thì các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không thể cải thiện khả năng cạnh tranh một cách bền vững.
https://bnews.vn/nhieu-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-tim-den-nhat-ban-vi-chi-phi-thap/333565.html