Theo Batdongsan.com.vn, trong 4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động có thời hạn vẫn tiếp tục tăng và doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ.
Số lượng doanh nghiệp địa ốc quay trở lại thị trường tăng
Theo dữ liệu báo cáo thị trường tháng 4/2024 của Batdongsan.com.vn, thị trường trái phiếu bất động sản không ghi nhận đợt phát hành trái phiếu nào của doanh nghiệp bất động sản.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước với 1.521 triệu USD, xếp sau là Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên...
Bên cạnh đó, Chính phủ đang đề xuất cho phép Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 6 tháng, cùng thời điểm với Luật Đất đai 2024 cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Nguồn Batdongsan.com.vn
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 1.302, tăng 22,25% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động có thời hạn tiếp tục tăng (30,72% so với cùng kỳ) và doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ (10%).
Nhiều động lực giúp bất động sản phục hồi
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 sẽ có những thay đổi tích cực nhờ vào 3 động lực thúc đẩy chính.
Thứ nhất là động lực tăng trưởng đến từ các chỉ số kinh tế . Ông Quốc Anh cho biết, động lực tăng trưởng của thị trường bất động sản 2024 đến từ nền kinh tế vĩ mô đang chuyển biến tích cực. Trên thực tế, cả kinh tế, tiêu dùng và du lịch đang trên đà tăng trưởng tốt đầu năm. Tăng trưởng GDP đang có chiều hướng đi lên, đạt 5,7% vào quý 1/2024. Đây là con số ấn tượng bởi GDP của cả năm 2023 chỉ đạt 5,1%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 1/2024 đạt 1.538 tỷ đồng, cao hơn cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,6 triệu người, cao nhất so với 4 quý trước đó. Những con số ấn tượng này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam.
Thứ hai là nguồn vốn cho bất động sản . Lãi suất cho vay liên tục có sự điều chỉnh theo hướng đi xuống. Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người mua ở trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện để dòng tiền tiếp tục chảy vào bất động sản.
Ông Quốc Anh cũng nhấn mạnh, trong năm 2024, dòng tiền từ nước ngoài cũng sẽ “trợ lực” cho thị trường bất động sản. Trong năm 2023, FDI và kiều hối đổ vào Việt Nam lần lượt là 36,6 tỷ USD và 14 tỷ USD. Dự kiến FDI và kiều hối đổ vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023.
Bên cạnh đó, chính sách mới sẽ tạo tiền đề thuận lợi để nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Cụ thể, theo điều 44 Luật Đất đai 2024, người gốc Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng bất động sản (trước đây chỉ được giao quản lý nhà không sử dụng). Điều 80, Luật nhà ở 2023 cho phép sự tham gia vốn nước ngoài và tổ chức nước ngoài trong phát triển nhà ở xã hội.
Thứ ba là động lực đến từ các chính sách . Các Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng đều đã được thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2024 và 2025. Ngoài ra, đầu tư công cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản thời gian tới, đặc biệt là với các cơ sở hạ tầng trọng điểm trong năm 2024.
Lê Na
Đời sống Pháp luật