Nhiều khu tái định cư ở tỉnh Khánh Hòa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nhưng có rất ít người dân đến ở. Không được người dân sử dụng, hạ tầng của những khu tái định cư này đang xuống cấp, hoang phế.
Hơn chục hộ dân đến ở trong 15 năm
Ngôi trường xây dựng trong Khu TĐC Ninh Thủy bị bỏ hoang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Công Hoan
Khu tái định cư (TĐC) Ninh Thuỷ (ở xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa ) được đầu tư xây dựng hạ tầng hơn 15 năm qua với hàng trăm tỷ đồng hiện chỉ có 13 hộ dân chịu đến ở. Khu TĐC này rộng hơn 100ha, được xây dựng từ năm 2009 để đón dân thôn Ninh Yểng (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa), nhường đất cho dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I, II, III vào ở. Dự án do UBND thị xã Ninh Hòa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 427 tỷ đồng và hiện đã hoàn thiện hạ tầng trên diện tích 35ha.
Đến thăm Khu TĐC Ninh Thuỷ vào dịp đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi thấy mới chỉ lác đác hơn chục hộ đến xây dựng nhà ở . Trong khi đó, có một trường tiểu học đã xây dựng khang trang đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm xung quanh. Hầu hết cửa sổ, cửa chính của ngôi trường bị dỡ đi lúc nào không hay. Bà Nguyễn Thị Mười (người dân Khu TĐC Ninh Thuỷ) cho biết, bà đến sống ở đây hơn 8 năm rồi nhưng hiện chỉ ở nhà buôn bán lặt vặt chứ không có đất canh tác. “Gia đình chúng tôi chỉ buôn bán lặt vặt kiếm sống qua ngày thôi chứ không biết làm công việc gì khác. Đất canh tác không có, nhiều người được cấp đất TĐC ở đây đã bán đất cho người khác về lại xã Ninh Phước để tiếp tục sinh sống với nghề đi biển trước đây của họ”, bà Mười nói.
Khu TĐC Xóm Quán hiện chỉ có gia đình ông Đào Văn Thái sinh sống. Ảnh: Công Hoan
Ông Võ Khánh Đăng - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ, cho biết: Đa số người dân đều không muốn vào Khu TĐC Ninh Thủy vì không có đất để canh tác, trồng trọt. Phần lớn người dân phải di dời đều nhận đất ở khu TĐC nhưng họ để đó rồi tự tìm đường mưu sinh ở vùng đất khác thuận lợi hơn. “Để thu hút người dân vào Khu TĐC Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa cần gấp rút thực hiện xong khu tái định canh Chánh Thanh rộng 20ha gần đó. Có đất canh tác, người dân sẽ yên tâm đến định cư”, ông Đăng đề xuất.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ cho biết mong muốn của người dân là được cấp đất tái định canh chứ không phải thuê đất tái định canh như chính sách Nhà nước hiện nay. “Người dân họ muốn Nhà nước cấp đất tái định canh để họ đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài ở khu TĐC Ninh Thủy. Trong khi đó, hiện chính sách của Nhà nước chỉ cho người dân thuê đất tái định canh chứ không được cấp đất lâu dài như đất ở TĐC”, ông Đăng nói.
Đợi mãi không thấy dân về
Khu TĐC Ninh Thủy thành nơi chăn thả bò của người dân. Ảnh: Công Hoan
Ngoài Khu TĐC Ninh Thủy, nhiều khu TĐC khác ở Khánh Hòa như: Xóm Quán, Ngọc Sơn (thị xã Ninh Hòa), Vĩnh Yên (huyện Vạn Ninh)… có vốn đầu tư lên đến cả trăm tỷ đồng nhưng đều chưa thể bố trí dân đến ở hoặc bố trí được rất ít. Bởi khi lên khu TĐC cư mới, người dân không chỉ gặp khó khăn về vấn đề việc làm mà ở một số khu còn thiếu thốn nhiều thứ.
Dự án Khu TĐC Xóm Quán do Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Vân Phong làm chủ đầu tư với mục tiêu xây dựng khu TĐC để di dời người dân tại thôn Mỹ Giang, Ninh Yển và Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) do ảnh hưởng các dự án công nghiệp tại khu vực Nam Vân Phong. Năm 2010, dự án TĐC này được xây dựng tại xã Ninh Thọ với diện tích 50ha, tổng mức đầu tư hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đến nay, dự án đã được BQL Khu kinh tế Vân Phong thi công hoàn thành và bàn giao cho thị xã Ninh Hòa quản lý khai thác sử dụng các hạng mục phân lô, hệ thống giao thông, cầu cảng, nhà trẻ…
Theo báo cáo của BQL Khu Kinh tế Vân Phong, Khu TĐC Xóm Quán được bố trí quy hoạch hơn 1.000 lô đất TĐC và hiện đã bố trí TĐC cho 68 trường hợp. Hiện nay, nhiều hạng mục kỹ thuật tại khu TĐC đã xuống cấp, không còn đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Vì thế, Ban đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa phương án đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng và mở rộng thêm 15ha đối với khu TĐC này.
Dù hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ, nhưng trong suốt nhiều năm qua mới chỉ có 1 hộ dân đến sinh sống tại Khu TĐC Xóm Quán. Ông Đào Văn Thái (người dân duy nhất sống ở Khu TĐC Xóm Quán) cho biết: Từ năm 2016, ông và gia đình từ xã Ninh Phước được bố trí đất tại khu TĐC Xóm Quán. Ông Thái là một trong ba hộ dân xây nhà trong khu vực khu TĐC thời điểm đó. Đến nay, hai hộ dân khác xây nhà cùng với ông Thái đã về lại quê cũ ở xã Ninh Phước sinh sống và làm ăn.
Theo người dân được cấp đất tại Khu TĐC Xóm Quán, phần lớn mọi người được di dời từ xã biển Ninh Phước và làm nghề đánh bắt thủy sản là chính. Dù khu TĐC có cầu cảng để phục vụ cho tàu thuyền bà con di chuyển nhưng hiện các luồng lạch từ biển vào khu TĐC bị bồi lấp. Vì thế, họ cũng chưa mặn mà đến xây nhà để sinh sống tại khu TĐC này vì gặp khó khăn về đường làm ăn.
Có lãng phí đầu tư xây dựng?
Ông Hoàng Văn Khánh - Giám đốc BQL dự án Hạ tầng khu kinh tế và khu công nghiệp của BQL Khu Kinh tế Vân Phong, cho biết: Vào năm 2006, Thủ tướng quyết định thành lập Khu Kinh tế Vân Phong. Một trong những vấn đề Chính phủ quan tâm là đầu tư phát triển hạ tầng và hạ tầng xã hội trong đó có xây các khu TĐC. Đến năm 2008, phía Nam Vân Phong (thuộc xã Ninh Phước) có nhiều dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ có ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng cho khu vực này. Vì thế, tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất xây 3 khu TĐC trong đó có Khu TĐC Xóm Quán (52ha) để di dời hơn 1.000 hộ dân xã Ninh Phước.
Trước câu hỏi của PV về việc đầu tư xây dựng Khu TĐC Xóm Quán có lãng phí hay không, ông Hoàng Văn Khánh cho hay: “Để nói việc đầu tư các khu TĐC cho các dự án phía Nam Vân Phong có lãng phí hay không thì rất khó. Tại thời điểm hiện nay thì có thể nói là lãng phí, nhưng thời điểm xây dựng để TĐC cho các dự án của Khu Kinh tế Vân Phong để đón nhà đầu tư lại hợp lý. Khi tỉnh xây dựng xong các khu TĐC cho người dân xã Ninh Phước thì kinh tế thế giới suy thoái và các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào Vân Phong. Vì thế, việc đầu tư xây dựng các khu TĐC cho Vân Phong là chủ trương hợp lý của Nhà nước và sẽ đưa người dân vào sinh sống trong thời gian sắp tới”.
Liên quan đến dự án Khu TĐC Xóm Quán, vào tháng 6/2021, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận khu TĐC đưa vào sử dụng năm 2015 nhưng với 1 hộ dân sinh sống có thể thấy công tác quy hoạch khu TĐC còn chưa phù hợp nhu cầu TĐC, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà có biện pháp đưa các khu TĐC đã được bàn giao tại Khu Kinh tế Vân Phong vào sử dụng để tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.
Theo Công Hoan
Tiền Phong
https://cafef.vn/nhieu-khu-tai-dinh-cu-hang-tram-ty-doi-dan-ve-188240513083313515.chn