Gần một nửa trong số những người tham gia khảo sát cảm thấy họ đang ở trong tình trạng tài chính tồi tệ hơn so với 5 năm trước.
Khoảng 2/3, tương đương 65% số người trưởng thành ở Mỹ được CNBC/SurveyMonkey khảo sát vào mùa Xuân này cho biết lạm phát là nguyên nhân chính gây ra tình trạng căng thẳng tài chính của họ.
Gần một nửa trong số những người tham gia khảo sát cảm thấy họ đang ở trong tình trạng tài chính tồi tệ hơn so với 5 năm trước.
Cô Jenn Lueke, 27 tuổi, là nhà phát triển công thức nấu ăn có trụ sở tại Boston (Mỹ), chuyên sáng tạo các nội dung trực tuyến hướng dẫn mọi người cách ăn uống hợp lý với túi tiền, nói với CNBC: “Tôi nghĩ không có gì bí mật khi giá cả hiện đang tăng lên ở hầu hết mọi khu vực trên cả nước Mỹ" .
Vào tháng 1/2023, cô Lueke bắt đầu thực hiện một loạt bài đăng trên mạng xã hội, trong đó cô lấy một danh sách thực phẩm có giá từ 50 USD đến 75 USD và biến nó thành 5 công thức nấu ăn khác nhau cho gia đình. Cô được truyền cảm hứng để cho mọi người thấy rằng họ vẫn có thể ăn ngon trong khi cắt giảm chi phí mua sắm.
Lueke nói: "Nó thật sự khó. Tôi không ở đây để chia sẻ những suy nghĩ độc hại về cách mua sắm với ngân sách tiết kiệm. Tôi chỉ đang cố gắng trao quyền cho mọi người để họ cảm thấy như họ có thể kiểm soát được tài chính của mình, ít nhất là trong lĩnh vực chi phí thực phẩm”.
Bà Lindsay Owens, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Groundwork Collaborative, cho biết: “Tôi nghĩ người Mỹ hơi bối rối khi họ thấy các báo cáo tin tức về lạm phát đang chậm lại, nhưng họ lại không nhận thấy bất kỳ giá cả hàng hóa nào đang giảm”.
Có một sự khác biệt quan trọng giữa lạm phát tăng chậm hơn - một hiện tượng gọi là thiểu phát - và lạm phát tự đảo ngược, dẫn đến giá cả giảm. Các nhà kinh tế gọi vế sau là giảm phát, thường liên quan đến nền kinh tế đang suy thoái và suy thoái tiềm ẩn.
Dữ liệu lịch sử cho thấy giá tăng dễ dàng hơn nhiều so với giảm. Khi chúng giảm, đó thường là kết quả của việc mọi người chi tiêu ít hơn, điều này hiện không xảy ra. Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm nay và chi tiêu tiêu dùng đã tăng vọt trong tháng Hai và tháng Ba.
Các chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại về những “túi rắc rối” có thể xảy ra khi tổng số dư thẻ tín dụng ở Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục 1.080 tỷ USD trong quý III/2023. Theo khảo sát vào tháng 11/2023 của Bankrate, gần một nửa (49%) người Mỹ có thẻ tín dụng cho biết họ đang gặp khó khăn số dư từ tháng này sang tháng khác.
Tốc độ tăng lương cũng có vẻ không nhất quán với xu hướng của người tiêu dùng. Tiền lương đã tăng kể từ tháng 1/2022, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại. Một phân tích từ Bankrate ước tính khoảng cách giữa lạm phát và tiền lương sẽ không hoàn toàn thu hẹp cho đến quý IV/2024.
Bà Owens nói: “Đối với nhiều người Mỹ, việc tăng lương quá chậm trễ. Trong một số trường hợp, họ đã trải qua nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, với mức lương trì trệ hoặc mức tăng lương thấp”.
https://bnews.vn/nhieu-nguoi-my-van-trong-tinh-trang-cang-thang-tai-chinh/332932.html