Sau 4 lần tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước, đã có 3 lần phải huỷ đấu thầu với lý do chỉ vài đơn vị tham gia và có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 3.400 lượng vàng.
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh rồi lập mốc đỉnh mới sau khi NHNN công bố hủy phiên đấu thầu vàng sáng 3/5. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Lý do được nhiều chuyên gia phân tích đưa ra cơ bản vẫn là giá thầu còn cao, khối lượng vàng đấu thầu lớn, tác động của việc chênh lệch tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng của giá vàng thế giới cùng diễn biến của thị trường vàng trong nước.
Đi vào cụ thể, ông Vi Tuấn, Chuyên gia Trang Giavang.net cho hay, giá vàng miếng được đưa ra ở mức khởi điểm trong các phiên đấu thầu thường ở mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Các doanh nghiệp vàng muốn mua vàng ở mức giá thấp hơn so với mức giá của Ngân hàng Nhà nước đưa ra vì không muốn chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, đáp ứng nguyện vọng ấy là không thể bởi Ngân hàng Nhà nước không để mức quá thấp so với giá thị trường, dẫn tới nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.
Khối lượng đấu thầu của vàng cũng khá nhiều so với sức mua của các doanh nghiệp, ông Tuấn phân tích. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Điều này khiến cho doanh nghiệp vàng khó tiêu thụ hết trong thời gian ngắn vì dẫn tới việc rủi ro khi giá vàng thế giới đi xuống, có thể kéo theo giá vàng trong nước xuống theo.
Phân tích thực trạng đấu thầu vàng cũng khó giúp ổn định được giá cả của thị trường kim loại quý này khi chỉ vài ngày cuối tuần qua, giá vàng trong nước bật tăng lên mức bất ngờ, ông Vi Tuấn lý giải, giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trong những ngày qua vẫn duy trì ở mức cao, quanh mốc mua vào 25.117 VND/USD và bán ra 25.457 VND/USD cũng là yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng trên thị trường trong nước. Thêm vào đó là diễn biến giá vàng thế giới, tuy có giảm nhưng không đáng kể và vẫn duy trì ở mốc trên 2.300 USD. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra dấu hiệu chưa giảm lãi suất và sẽ chờ đợi các số liệu chính thức của nền kinh tế về lạm phát và thị trường lao động để đưa ra quyết định có giảm lãi suất cơ bản hay không.
“Tuy nhiên, số liệu bảng lương phi nông nghiệp NFP và các số liệu lạm phát tiền lương vừa công bố hôm 3/5 cho thấy lạm phát đã giảm và số việc làm tạo ra không đạt như ý. Điều này sẽ làm giá vàng thế giới tăng trở lại và kéo giá vàng trong nước tăng theo. Các doanh nghiệp vàng cũng kỳ vọng giá vàng thế giới sẽ tăng trở lại nên sẽ không bán ra ở mức giá thấp”, ông Tuấn kết luận.
Qua thực tiễn khảo sát, các doanh nghiệp và nhiều tiệm vàng nhỏ trên địa bàn Hà Nội đóng cửa do những thông tin thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng. Điều này làm giảm nguồn cung vàng nên chắc chắn cũng khiến giá vàng không giảm.
Mới đây nhất, Tổng cục Thuế vừa kiến nghị mua bán vàng phải dùng hoá đơn. Điều này tuy có thể giúp minh bạch thị trường vàng song cũng lại là yếu tố khiến giảm nguồn cung vàng ra thị trường.
Với việc tỷ giá USD/VND vẫn đang ở mức cao, cùng vàng tiếp tục giữ giá mua bán ở mức cao, thậm chí tăng chênh lệch so với giá thế giới, đồng thời một số yếu tố khác làm nguồn cung vàng tiếp tục bị thu hẹp. Các yếu tố này xuất phát từ việc chấn chỉnh, minh bạch hoá thị trường vàng như thanh kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn lậu vàng, bắt buộc sử dụng hoá đơn trong mua bán vàng… Không ít doanh nghiệp, tiệm vàng nhỏ đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh khiến cho lực bán ra thị trường giảm, vàng nhẫn, vàng miếng vì thế phần nào thiếu nguồn cung.
Ngọc Quỳnh (TTXVN)