Để giải cứu đồng nội tệ, nhiều nước châu Á đã khẩn trương hành động. Một số nhà quan sát nhận định cuộc chiến bảo vệ tiền tệ đã được “châm ngòi”.
Đồng tiền mệnh giá 10000 yen tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo China Daily ngày 7/5, đồng USD mạnh lên đang khiến giá trị của nhiều đồng tiền châu Á bị sụt giảm đáng kể. Kể từ tháng Tư, tỷ giá hối đoái của đồng yen (Nhật Bản), đồng baht (Thái Lan), đồng rupiah (Indonesia) và một số loại tiền tệ khác giảm mạnh so với đồng USD. Đồng yen thậm chí có lúc còn rơi xuống dưới mốc 160 yen đổi được 1 đồng USD, mức thấp nhất trong 34 năm qua.
Để giải cứu đồng nội tệ, nhiều nước châu Á đã khẩn trương hành động. Kết quả là tỷ giá hối đoái của đồng yen và một số đồng tiền khác bắt đầu “nhích lên”. Một số nhà quan sát nhận định cuộc chiến bảo vệ tiền tệ đã được “châm ngòi”.
* Đồng USD mạnh “tấn công” nhiều đồng tiền châu Á
Chia sẻ với China Daily, anh Tiểu La (Xiao Lu), một du học sinh Trung Quốc tại Nhật Bản, cho biết: “So với hồi đầu năm, bây giờ cứ đổi 10.000 yen tôi lại có thể bớt được 50 nhân dân tệ (NDT). Chi phí sinh hoạt của tôi cũng giảm khoảng 10% so với trước đây”.
Không chỉ đồng yen, từ đầu tháng Tư đến nay, nhiều đồng tiền châu Á khác cũng đã bị cuốn vào "cơn bão mất giá" so với đồng USD. Khi chỉ số đồng USD (DXY) -thước đo giá trị đồng USD so với 6 loại tiền tệ của các quốc gia, đối tác thương mại lớn của Mỹ - đã tăng từ mức gần 104 lên 106, đồng rupee (Ấn Độ), rupiah, won (Hàn Quốc) và baht đã giảm mạnh so với đồng USD, xuống dưới mốc lần lượt là 83,5 rupee/USD, 16.000 rupiah/USD, 1.400 won/USD và 37 baht/USD vào nửa cuối tháng Tư.
Chuyên gia Mitul Kotecha, người đứng đầu về sách lược vĩ mô tại các thị trường mới nổi và ngoại hối châu Á của ngân hàng Barclays, phân tích: "Hầu hết các đồng tiền châu Á đang chịu khuất phục trước sức mạnh của đồng USD". Dưới tác động của lãi suất dẫn đến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn so với các loại trái phiếu chính phủ ở các nước châu Á và tâm lý tránh rủi ro gia tăng trên các thị trường, đồng USD đã trở nên ngày càng mạnh hơn, khiến những đồng tiền châu Á khác giảm giá trị.
Theo chuyên gia Vương Hữu Hâm (Wang Youxin), nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, nguyên nhân khiến các đồng nội tệ mất giá xuất phát từ tổ hợp những yếu tố tác động của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dữ liệu lạm phát và việc làm của Mỹ trong tháng Ba đã vượt quá kỳ vọng của thị trường đã tạo không gian cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất và có khả năng sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Điều này tạo cơ sở cho đồng USD tăng giá, làm tăng áp lực lên dòng vốn chảy ra khỏi những nền kinh tế mới nổi, dẫn đến một sự thay đổi làm trầm trọng thêm nguy cơ mất giá tiền tệ tại các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài yếu tố bên ngoài là đồng USD, tăng trưởng kinh tế yếu của một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng khiến cho việc hỗ trợ để ổn định đồng nội tệ trở nên khó khăn hơn.
Nghiên cứu viên Vương Hữu Hâm cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi kém và bất ổn địa chính trị gia tăng, áp lực tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở nên “nổi cộm”. Cùng với đó, một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã chứng kiến sự sụt giảm về xuất khẩu kể từ năm ngoái, với thặng dư thương mại và thu nhập ngoại hối giảm, gây áp lực lên sự mất giá của đồng nội tệ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC). Ảnh: THX/TTXVN
* Nhiều nước châu Á tìm cách cứu đồng nội tệ
Tiền tệ và nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vào thời điểm nhiều đồng tiền châu Á bị tác động mạnh, những lo ngại về nền kinh tế châu Á cũng bắt đầu nhen nhóm.
Theo nghiên cứu viên Vương Hữu Hâm, “tỷ giá hối đoái giảm và dòng vốn chảy ra sẽ không chỉ làm tăng giá nhập khẩu mà còn gây áp lực lên thanh khoản trong nước, huy động tín dụng..., và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế”, đặc biệt đối với các quốc gia có đầu vào sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu như Nhật Bản. Do đó, không nên đánh giá thấp tác động tiêu cực của việc mất giá tiền tệ.
Lo ngại những tác động kinh tế từ việc đồng nội tệ mất giá, một số quốc gia châu Á đã ý thức được sự nghiêm trọng của tình hình và bắt đầu ra tay giải cứu đồng nội tệ.
Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ họ rất cảnh giác với thị trường tỷ giá hối đoái. Ngân hàng trung ương Indonesia trực tiếp ra tay, nhanh chóng tăng lãi suất và mua vào đồng nội tệ để can thiệp vào tỷ giá hối đoái. Chính phủ Nhật Bản dù không tuyên bố rõ ràng về việc họ sẽ hành động, nhưng theo một số phương tiện truyền thông nước này, các nhà chức trách đã liên tục can thiệp vào thị trường với tổng số tiền khoảng 8.000 tỷ yen vào ngày 29/4 và 2/5.
Sau sự can thiệp của các chính phủ đã hỗ trợ các loại tiền tệ như đồng yen, đồng won và đồng baht đã có dấu hiệu tăng trở lại, mặc dù tỷ giá của hầu hết các đồng tiền này vẫn ở mức thấp so với đồng USD,
Sau khi chạm mức thấp mới là 160 yen/USD, đồng yen đã tăng trở lại khoảng tỷ giá 153 yen/USD vào ngày 6/5. Đồng won tăng lên khoảng 1.359 won/USD, và đồng baht cũng điều chỉnh trong khoảng 37 baht/USD.
*Đồng NDT vẫn ổn định
Mặc dù đã có một số cải thiện, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, vẫn chưa biết tác động cuối cùng của việc "giải cứu đồng nội tệ" của các nước châu Á sẽ là như thế nào và các đồng tiền châu Á có tiếp tục xu hướng mất giá hay không.
Lấy đồng yen làm ví dụ, chuyên gia Ngụy Vĩ (Wei Wei), nhà phân tích chiến lược đứng đầu của Viện Nghiên cứu chứng khoán Bình An (Ping An), cho rằng sự can thiệp của Chính phủ Nhật Bản có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ không thúc đẩy sự đảo ngược xu hướng của đồng yen, mà chỉ làm chậm lại tốc độ mất giá của đồng tiền này. Chìa khóa cho xu hướng đồng yen nằm ở sự thay đổi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và đồng USD.
Theo nhà phân tích Danny Suwanapruti của ngân hàng Goldman Sachs, chủ đề thống trị thị trường vĩ mô châu Á là lộ trình chính sách của Fed và tác động của chính sách này đối với lãi suất chuẩn của Mỹ và đồng USD.
Điều đáng nói là trong sự “chấn động” tiền tệ châu Á hiện nay, tỷ giá hối đoái của đồng NDT lại rất ổn định và không biến động đáng kể.
Nghiên cứu viên Vương Hữu Hâm giải thích có những yếu tố hỗ trợ nội tại cho sự ổn định của đồng NDT. Ông nói: "Một mặt, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã tăng tốc, tiêu dùng và đầu tư tăng trưởng ổn định, ở một mức độ nhất định sẽ ngăn chặn những biến động do các yếu tố bên ngoài tạo ra đối với tỷ giá hối đoái đồng NDT. Mặt khác, Trung Quốc có đủ dự trữ ngoại hối và một hệ thống các công cụ chính sách phát triển tốt, giúp Trung Quốc có khả năng duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái NDT”.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng Tư, ông Chu Hạc Tân (Zhu Hexin), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc, cho biết mục tiêu và quyết tâm của PBoC và Cục Quản lý Ngoại hối
Quốc gia để duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái NDT sẽ không thay đổi và tỷ giá hối đoái của đồng NDT có nền tảng và điều kiện để duy trì sự ổn định cơ bản.
https://bnews.vn/nhieu-quoc-gia-chau-a-tim-cach-giai-cuu-dong-noi-te/332415.html