SINH-LÃO-BỆNH-TỬ quy luật tất yếu của đời người mà ai cũng phải trải qua. Nếu ví thị trường chứng khoán vận hành tương tự chắc cũng không có gì phải bàn cãi. Nhà đầu tư huyền thoại Sir John Templeton từng nói "Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn”.
Thị trường chứng khoán là mỏ vàng. Ai cũng có thể đến để đào bớt, để tìm kiếm kho tàng cho riêng mình, nhưng nó không hề dễ dàng với những ai không chịu mài dũa công cụ cùng bản lĩnh được trui rèn qua tháng năm.
Giai đoạn vỡ lòng bước vào với tâm thế lạc quan, nghĩ rằng kiếm tiền từ thị trường chứng khoán là dễ dàng, thoáng chốc mọi thứ đảo chiều chóng vánh, khiến bao người phải bàng hoàng thất vọng. Cơn mộng mị được thay thế bằng sự thật phũ phàng đầy cay đắng, khi xác định sai thời điểm.
Thủy triều thoái lui vừa lúc bãi đá lộ diện. Mặt biển không còn êm ả như lúc khởi đầu. Những vết thương nặng nề, bởi những khoản lỗ 50% ngày một hiện rõ, tình cảnh rất chung với những nhà đầu tư tham gia thị trường chưa đủ lâu.
Sau đây, hãy cùng điểm qua ba nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhà đầu tư chịu tình cảnh này.
1. Danh mục dàn trải quá rộng hoặc chỉ mua một ngành, một cổ phiếu duy nhất
Trong một chu kỳ giá lên chỉ có một vài nhóm cổ phiếu mới mang lại lợi nhuận tốt nhất và cũng là đầu tàu chính giúp thị trường tăng trưởng. Nên việc dàn trải quá rộng khiến khả năng tối ưu hóa nguồn vốn chỉ đạt mức trung bình.
Ngoài ra, danh mục có tới 10 hay thậm chí 20 cổ phiếu khiến nhà đầu tư phải theo dõi một lượng thông tin khổng lồ, dẫn tới bám nắm, quản lý rất khó khăn.
Ví như: Một người nuôi 4-5 ngựa và một người khác nuôi 19-20 con ngựa, theo bạn ai sẽ là người đạt hiệu suất tốt hơn? Công việc của ai đơn giản hơn?
Trường hợp thứ hai, có thể là công ty (ngành) yêu thích, có thể chỉ biết, chỉ tìm hiểu về công ty (ngành) đó hoặc đơn giản chỉ muốn làm giàu thật nhanh, khiến nhà đầu tư mua chỉ duy nhất một cổ phiếu (ngành). Nếu đúng vào cổ phiếu (ngành) tăng giá ở thời điểm đó thì mọi chuyện không có gì để nói nhưng nếu lỡ dính vào cổ phiếu (ngành) giảm mạnh thì nhà đầu tư này sẽ hứng chịu những tổn thất khó lòng mà gượng dậy được. Cái kiềng 4 chân khi gãy một cái chân thì vẫn còn có thể đứng vững nhưng với cái kiềng 1 chân thì viễn cảnh sụp đổ chỉ là sớm muộn.
2. Mua theo sở thích, theo truyền thông, đội lái, cổ phiếu nóng
Truyền thông, mạng xã hội ngày một gắn chặt với đời sống mọi cá nhân. Chúng ta chỉ cần ngồi ở nhà có thể cập nhật được rất nhiều thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, dù chưa xác nhận tính đúng sai của nó. Mặt trái ở đây, nhiều đối tượng lợi dụng sự phổ biến này, nhằm kích thích kêu gọi thậm chí đưa những tin đồn thất thiệt chỉ nhằm mang lại lợi ích riêng. Biến kênh này dần già trở nên phức tạp, khiến việc chọn lọc thông tin chính xác ngày càng thử thách.
Thành thật thì liệu có khi nào bạn tự hỏi, thông tin đó đã qua bao nhiêu người rồi mới đến tai bạn hay chưa? Và nếu là một tin quan trọng và bí mật liệu họ có để đám đông ai cũng biết mà nắm bắt được cơ hội hay không? Hay trong đó có nguyên do khác.
Điểm đáng lưu tâm nữa, khi ta đọc quá nhiều thông tin khiến tâm lý bản thân bị chi phối nghiêm trọng và phi lý trí. Rồi tham lam khi nghe ai đó kể về cổ phiếu nóng tăng mấy chục phần trăm, kết cục dính chuỗi trắng bên mua. Sợ hãi khi đám đông nói về ngày tận thế, chứng khoán là cờ bạc rủi ro, rồi ngậm ngùi nhìn nó tăng lên chóng mặt. Vòng trong luẩn quẩn tự đánh lừa bản thân là kém may mắn, nhìn cơ hội đến rồi đi khi nào không hay.
Tư tưởng thức ăn nhanh như chất kích thích, có thể khiến ta nghiện bất cứ lúc nào. Trong thị trường Uptrend cứ mua là thắng, vô hình tạo ra rất nhiều thiên tài thời điểm đó. Nếu không nói là nhiều người lầm tưởng về tài năng thực chất của họ, dẫn tới việc chọn lọc cổ phiếu hời hợt, giao dịch mua bán liên tục mà không cần lý do.
Không còn để tâm đến chu kỳ sống của cổ phiếu. Các quy tắc cốt lõi như điểm mua rủi ro thấp, cắt lỗ được xếp sang một góc bởi sự ngạo mạn và tự cho mình bất khả chiến bại. Rồi đến ngày thị trường đổ bệnh, các nhân tài này cũng dần ngụp lặn, than thân trách phận, đổi lỗi cho thị trường và sau cùng chỉ còn lại những khoản lỗ mấy chục phần trăm.
3. Không cắt lỗ và bình quân giá xuống
Đây chắc là sai lầm phổ biến nhất, thường được bộc bạch với những câu từ “Anh (chị) thấy cổ phiếu này tốt, anh (chị) nghĩ nó sẽ tăng trở lại thôi. Khi nào nó tăng lại giá cũ anh (chị) sẽ bán” hay “ Anh (chị) là nhà đầu tư dài hạn, với P/E rẻ thế này nó không giảm mạnh được đâu”.
Điều đáng tiếc nó không còn quay lại được vùng giá đó nữa. Nhà đầu tư bị chôn vùi bởi sự lạc quan tếu của họ. Thậm chí tệ hơn khi không tin vào sự thật, để chứng tỏ thị trường sai họ lại lao đầu vào cổ phiếu này một lần nữa, bằng cách bình quân giá xuống, vì họ nghĩ cổ phiếu đã rẻ hơn trước. Nhưng nào ngờ vài tuần sau đó cổ phiếu tiếp tục lại rẻ hơn. Cuối cùng định nghĩa về cổ phiếu giá rẻ có thực sự quan trọng như người ta vẫn nghĩ.
Ví danh mục cổ phiếu là một khu vườn, điều tối kỵ sẽ là hoa chưa phát triển đủ lớn thì đã thu hoạch, còn cỏ vẫn giữ nguyên. Sau thời gian ngắn thôi khu vườn màu mỡ đó chỉ còn là một đồng cỏ dày đặc. Từ đó, việc cải tạo lại khu vườn sẽ là vấn đề nhức nhối và đầy mệt mỏi cho bất cứ ai.
Vậy tại sao? Chúng ta lại không nhổ cỏ khi nó mới lớn, để dành chất dinh dưỡng cho hoa phát triển. Khi hoa đến mùa đẹp nhất, chúng ta thu hoạch và sẵn sàn cho vụ mùa tiếp theo.
Khi đã nhận diện được vấn đề, việc học hỏi và rút ra những bài học là rất cần thiết. Sau đây, tôi xin phép được đưa ra vài biện pháp nhằm hạn chế hiện trạng trên như sau:
-
Danh mục tối đa 4-5 cổ phiếu, tương ứng với từng nhóm ngành khác nhau.
-
Chọn cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao. Cổ đông nắm tỷ trọng lớn. Có các quỹ đầu tư mua ròng.
-
Chốt lãi chậm, cắt lỗ nhanh. Xác định tỉ lệ lợi nhuận/rủi ro hợp lý.
-
Tuân thủ kỷ luật, đặt điểm dừng lỗ rõ ràng. Không bình quân giá xuống.
-
Dùng biểu đồ kỹ thuật xác định điểm mua rủi ro thấp, chỉ mua cổ phiếu đang nằm trong xu hướng tăng. Xác định cổ phiếu đang ở đâu của chu kỳ sống.
Ví dụ minh họa
Tận dụng kỳ quan thế lợi nhuận kép, cần 3 lần tăng khoản đầu tư 25% là chúng ta sẽ đưa được tài khoản về với vị trí ban đầu.
Tuy đây chỉ là lý thuyết, vì để được 3 lần liên tiếp thắng 25% thực sự cần nhiều nỗ lực và may mắn. Nêu ra ở đây để nhắn nhủ với các anh/chị rằng chúng ta luôn có cơ hội, để gây dựng lại những gì đã mất. Quan trọng chúng ta có dám chấp nhận và đứng dậy làm lại từ đầu hay không. Còn chuyện ôm cây đợi thỏ, chờ cổ phiếu qua lại vùng giá cũ thực sự mất nhiều thời gian.
Dù gì trường chứng khoán Việt Nam cổ phiếu mang tính chu kỳ chiếm tới gần 90%. Không giống như các thị trường phát triển như Mỹ, có những cổ phiếu công nghệ, mang tính toàn cầu,… có thể tăng trưởng trong nhiều năm bất chấp kinh tế suy yếu.
Ví dụ những cổ phiếu tốt như kiểu SSI hay KBC giai đoạn 2007,2008 đạt đỉnh đã mất đến 13-14 năm mới quay lại đỉnh cũ. Những nhà đầu tư kẹp những cổ phiếu này ở vùng đỉnh, ngoài việc bị thua lỗ nặng thì cũng đã mất cơ hội mua hàng trăm siêu cổ phiếu trong 13-14 năm sau đó.
Kết luận
Thành Rome không thể xây dựng trong một ngày. Quan trọng không phải vấp gã bao nhiêu lần mà là đứng dậy được bao nhiêu lần. Hãy nhìn nhận chuyện thua lỗ như phần chi phí cho việc học cách đầu tư. Trên chặng đường dài việc vấp ngã một vài lần là điều không thể tránh khỏi. Nhất là giai đoạn đầu tiếp cận với bất cứ bộ môn nào đó.
Đừng bao giờ nghĩ kiếm tiền từ thị trường là dễ dàng. Chúng ta có thể may mắn trong vài lần nhưng không thể may mắn cả đời được. Do đó việc thành công dài hạn cần rất nhiều nỗ lực và sự quyết tâm.
Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian đọc bài viết này.