NHNN phát hành tín phiếu và câu chuyện của ngành ngân hàng những tháng cuối năm

, , , , , , , , ,

Tỷ giá USD/VND liên tục tăng trong thời gian gần đây là điều không thể tránh khỏi khi mà chính sách tiền tệ của nước ta đã đi ngược chiều so với Hoa Kỳ từ đầu năm 2023 đến nay. Việc hạ lãi suất 4 lần từ đầu năm đến nay trong khi Mỹ vẫn tăng trong cùng thời gian khiến áp lực ngày càng gia tăng.

Để “hạ nhiệt” tỷ giá, trong tuần qua, NHNN đã tiến hành phát hành tín phiếu. NHNN đã hút 20.000 tỷ đồng từ thị trường trong hai ngày 21 và 22/09.

https://vietstock.vn/2023/09/ngay-2109-nhnn-phat-hanh-gan-10000-ty-dong-tin-phieu-ky-han-28-ngay-757-1108779.htm

Việc hành tín phiếu được nhiều chuyên gia đánh giá rằng đã tác động đến tâm lý thị trường chứng khoán khiến VNINDEX giảm gần 20 điểm trong phiên ngày 22/09. Vậy thực hư câu chuyện này ra sao? Chúng ta hãy cùng nhau phân tích rõ vấn đề này.

3 Likes

I. Tín phiếu NHNN là gì?

Trước tiên, chúng ta cùng nhau làm rõ tín phiếu NHNN là gì.

  • Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2019/TT-NHNN thì tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

  • Điều 4 Thông tư 16/2019/TT-NHNN quy định các điều kiện, điều khoản cơ bản của tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bao gồm:

    Đối tượng: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành cho tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.

    Đồng tiền phát hành: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành, hạch toán và thanh toán bằng đồng Việt Nam.

    Thời hạn: Thời hạn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quyết định và không vượt quá 364 ngày.

    Mệnh giá: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước có mệnh giá là 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng) hoặc bội số của 100.000 đồng.

    Hình thức: Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành dưới hình thức ghi sổ.

    Lãi suất: Lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quyết định, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

    Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước được phát hành với giá bán thấp hơn mệnh giá và được thanh toán một lần bằng mệnh giá vào ngày tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đến hạn thanh toán.

II. Tại sao để “hạ nhiệt” tỷ giá NHNN lại chọn phát hành tín phiếu?

Để hạ nhiệt tỷ giá, NHNN sẽ có những biện pháp như: tăng lãi suất, bán USD và hút tiền đồng về.

  1. NHNN đang có những chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế => biện pháp tăng lãi suất sẽ không được sử dụng.

  2. Trong giai đoạn cuối năm 2022, NHNN đã bán ra một lượng lớn USD để ổn định tỷ giá và khả năng cao NHNN sẽ không dùng biện pháp này trong năm nay do cần phải duy trì lượng dự trữ ngoại hối ở mức an toàn.

  3. Hút tiền đồng về thông qua phát hành các loại giấy tờ có giá - ở đây là tín phiếu - là lựa chọn của NHNN trong thời điểm hiện tại.

Thêm vào đó, cá nhân mình đánh giá rằng việc NHNN phát hành tín phiếu là vì:

  1. NHNN đang nhìn nhận rằng đợt biến động tỷ giá này chỉ mang tính cục bộ trong ngắn hạn – 2 đợt phát hành tín phiêu đều có kỳ hạn dưới 1 tháng (28 và 27 ngày).

  2. Việc phát hành 2 đợt tín phiếu với khối lượng không quá lớn giúp NHNN có thể đánh giá và đưa ra các chính sách phù hợp trong thời gian tới.

  3. Việc phát hành tín phiếu cũng làm hạn chế đầu cơ tỷ giá trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống quá dư thừa, lãi suất liên ngân hàng đang về 0,15%/năm.

III. Đợt phát hành tín phiếu lần này có phải là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán “đỏ lửa”?

Như mình đã đề cập ngay đầu bài viết, nhiều chuyên gia đánh giá rằng đợt phát hành tín phiếu đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường khiến thị trường giảm mạnh. Nhưng theo cá nhân mình, lý do này không hề thuyết phục. Vài tuần trở lại đây, mỗi khi thị trường giảm điểm thì vấn đề tỷ giá tăng cao lại được nhắc đến và bị đổ lỗi là nguyên nhân chính, và để “hạ nhiệt” tỷ giá NHNN đã phát hành tín phiếu thì việc phát hành tín phiếu lại bị đổ lỗi làm thị trường “đỏ lửa”.

Nhìn tổng thể, VNINDEX đã tăng điểm trong một khoảng thời gian khá dài – 5 tháng nếu tính từ cuối tháng 4 đến nay, thêm vào đó, rất nhiều cổ phiếu đã nhân vài lần từ vùng đáy nên mình thấy rằng nhịp điều chỉnh của thị trường là vô cùng dễ hiểu. Như trong giai đoạn 2020 – 2021 hay 2016 – 2017, thị trường luôn có những nhịp điều chỉnh để tái tích luỹ chứ không thể tăng một mạch.

=> Việc “đổ thừa” cho tỷ giá và tín phiếu là nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm là không hợp lý.

3 Likes

IV. Câu chuyện về ngành ngân hàng những tháng cuối năm

Trong phần cuối của bài viết, mình xin chia sẻ với mọi người câu chuyện về ngành ngân hàng những tháng cuối năm. Trước tiên, để biết vì sao ngành ngân hàng lại được nhắc đến ở đây thì anh chị em hãy cùng quan sát bức ảnh bên dưới.

Xuyên suốt từ giai đoạn uptrend của năm 2021 hay giai đoạn downtrend của nửa đầu năm 2022, ở trong mỗi giai đoạn của thị trường (3 – 6 tháng) luôn luôn sẽ có một hoặc vài nhóm ngành dẫn dắt, thu hút được dòng tiền và có câu chuyện hay để kể.

  1. Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 là sự dẫn dắt của “bank – chứng – thép”, chắc hẳn rất nhiều anh chị em sẽ còn nhớ rõ.

  2. Giai đoạn quý 3/2021 là câu chuyện của ngành cảng biển liên quan đến giá container tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng; ngành phân bón với câu chuyện về giá phân bón tăng cao kỳ lục.

  3. Ngành bất động sản đã nhe nhóm từ quý 3/2021 nhưng thật sự bật tăng ấn tượng nhất vào quý 4/2021 liên quan đến câu chuyện “sốt đất”.

  4. Quý 1/2022 đến lượt ngành bán lẻ với câu chuyện về nhu cầu mua sắm tăng cao trong giai đoạn mở cửa kinh tế sau Covid-19.

  5. 6 tháng đầu năm 2022, khi cuộc chiến Nga – Urkaine nổ ra, giá dầu, hoá chất và phân bón tăng đột biến là câu chuyện chính giúp ngành dầu khí, hoá chất và phân bón khởi sắc.

  6. Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 còn phải kể đến ngành thuỷ sản và cảng biển với câu chuyện về nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Một điểm chung đáng chú ý ở đây là sau giai đoạn dẫn dắt của nhóm này thì sẽ đến lượt nhóm khác lên thay. Nhóm dẫn dắt trước đó sẽ điều chỉnh và tìm điểm cân bằng mới, nhóm sau lên dẫn dắt thị trường sẽ có một câu chuyện mới để kỳ vọng.

Liên hệ với giai đoạn hiện tại, sau giai đoạn dẫn dắt của một loạt các nhóm ngành và câu chuyện liên quan như: chứng khoán với việc giảm lãi suất; bất động sản với những chính sách tháo gỡ khó khăn, bán lẻ với giảm thuế VAT, nhóm đầu tư công với những chính sách tăng cường đầu tư hạ tầng của Nhà nước,… thì hiện nay, những nhóm này đang có xu hướng điều chỉnh và tìm điểm cân bằng mới.

Anh chị em có thể thấy rằng trong phiên giảm điểm vào thứ 6 vừa rồi, những nhóm ngành tác động tiêu cực nhất đến Index lần lượt là chứng khoán, bất động sản, xây dựng, thép, hạ tầng & KCN. Đây đều là những nhóm ngành dẫn dắt thị trường trong giai đoạn vừa qua và đều là những nhóm có mức tăng giá rất tốt từ đầu năm đến nay. Vì vậy, việc những nhóm dẫn dắt từ đầu năm đến nay suy yếu đòi hỏi phải có nhóm ngành nào đó lên dẫn dắt thay. Và theo quan điểm của cá nhân mình thì ngành ngân hàng đang là ngành có triển vọng nhất. Lý do là vì:

  1. Dựa trên kịch bản thị trường sẽ không giảm quá mạnh, thấp nhất chỉ quanh 1,170 điểm – Lãi suất hiện tại thấp hơn rất nhiều so với hồi đầu năm nên Index hiện tại sẽ có định giá cao hơn so với đầu năm. Trong bối cảnh những nhóm ngành như: CK, BĐS, ĐTC suy yếu thì việc có nhóm ngành đủ lớn để nâng đỡ thị trường chỉ còn ngân hàng.

  2. Cuối năm nay sẽ là thời điểm đáo hạn các khoản tiền gửi với lãi suất cao của giai đoạn cuối năm 2022 => giảm bớt chi phí cho ngân hàng => lãi suất cho vay thực sự giảm chứ không còn “giảm trên tivi”.

  3. Việc hạ lãi suất cho vay xuống như trên sẽ giúp cải thiện tăng trưởng tín dụng vồn đã thấp từ đầu năm đến nay.

  4. Ngành ngân hàng là nhóm tăng rất ít nếu so sánh với các nhóm ngành khác và định giá hiện tại đang hấp dẫn hơn rất nhiều.

V. Lựa chọn ngân hàng nào để đầu tư cho những tháng cuối năm?

  1. Đối với rủi ro nợ xấu tăng cao trong thời gian tới, những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như các NH có vốn Nhà nước được đánh giá khá cao: BID, CTG, VCB.

  2. Việc kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện trong những tháng cuối năm thì mọi người hoàn toàn có thể chọn các ngân hàng còn nhiều “room” tín dụng như: ACB, STB, VIB.

  3. Rủi ro hơn một chút là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn, với kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới: TCB, MBB, TPB, VPB.

Mỗi nhóm ngân hàng sẽ có những câu chuyện và rủi ro khác nhau, việc lựa chọn ngân hàng nào hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và phong cách đầu tư, kinh doanh của mọi người. Cá nhân mình chỉ góp một phần góc nhìn của mình về ngành này.

Trên đây là những nhận định của mình về đợt phát hành tín phiếu vừa qua của NHNN và về ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm. Tất cả đều là những quan điểm cá nhân và không có khuyến nghị mua bán bất kỳ cổ phiếu nào. Mọi quyết định mua bán đều là quyền của anh chị em.

Mọi thắc mắc, ý kiến đóng góp, chia sẻ mọi người có thể liên hệ với mình qua Sđt/Zal: 0383.258.580.

Chúc tất cả anh chị em thành công trên thị trường chứng khoán.

3 Likes

Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm nay đạt 5.33%, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ những năm trước đó.

Tăng trưởng tín dụng 8 tháng 2023

1 Likes

Định giá của ngành ngân hàng đang thấp hơn mức trung bình 10 năm.

1 Likes

Tăng trưởng tín dụng và room tín dụng của một số ngân hàng.

1 Likes