Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khởi sắc trong tháng 3

, , , ,

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tốt trong tháng qua giúp cổ phiếu dòng “bank” cũng khởi sắc.

Kết thúc phiên 31/03/2023, chỉ số VN-Index vượt lên mức 1,064.64 điểm, tăng 39.96 điểm so với cuối tháng 2. Chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 31/03 cũng tăng tốt 24.71 điểm so với cuối phiên 28/02, lên mức 566.19 điểm.

Vốn hóa tăng gần 73 ngàn tỷ đồng

Trong tháng 03, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng 72,860 tỷ đồng, lên mức 1.7 triệu tỷ đồng (tính đến 31/03/2023), tỷ lệ tăng tương đương 5% so với mức 1.6 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 2.

Ở nhóm ngân hàng “gốc” Nhà nước, trong khi BIDV (BID) và VietinBank (CTG) có vốn hóa lần lượt tăng 5% và 7%, thì Vietcombank (VCB) đi lùi 2%.

Sự biến động vốn hóa tại ngân hàng cổ phần tư nhân có sự phân hóa mạnh nhưng hầu hết đều theo xu hướng tăng.

Theo đó, với mức tăng 31%, cổ phiếu PGB có thị giá tăng mạnh nhất trong tháng qua, từ 17,000 đồng/cp lên mức 22,200 đồng/cp. Các nhà băng còn lại có thị giá tăng đẩy vốn hóa tăng mạnh như EIB (tăng 26%), VPB (tăng 23%), HDB (tăng 13%), SGB (tăng 12%), STB, SHB, LPB cùng tăng 10%.

Động lực giúp cổ phiếu PGB trở thành điểm sáng của nhóm “cổ phiếu vua” trong tháng qua có thể đến từ sự kiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) (Petrolimex) sẽ thoái vốn toàn bộ 120 triệu cp, tương đương với 40% vốn của PG Bank. Thương vụ thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai tại HOSE vào ngày 07/04 tới đây.

Giá khởi điểm chào bán là 21,300 đồng/cp (thấp hơn 4% so với giá chốt phiên 31/03 là 22,2000 đồng/cp). Theo đó, ước tính ông lớn ngành xăng dầu có thể thu về tối thiểu 2,556 tỷ đồng nếu thoái vốn thành công.

Đáng chú ý, VBB là mã có thị giá giảm mạnh nhất trong tháng, với mức giảm 19% kéo theo vốn hóa rơi sâu.

Thanh khoản hồi phục

Tháng 3 này có hơn 140 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, tăng 9% so với tháng 2, tương đương tăng gần 12 triệu cp/ngày. Giá trị giao dịch cũng tăng 5%, đạt hơn 2,739 tỷ đồng/ngày.

Đáng chú ý, MSB là cổ phiếu có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng qua, với gần 12 triệu cp được chuyển giao mỗi ngày, tăng 86% so với tháng trước. Các ngân hàng cũng có thanh khoản tăng mạnh là NVB (tăng 79%), SGB (tăng 74%), BAB (tăng 64%) …

Ở chiều ngược lại, thanh khoản của cổ phiếu VAB giảm mạnh nhất, còn hơn 50,530 cp/ngày, giảm 94% so với tháng trước.

Tháng này, thanh khoản cổ phiếu SHB vươn lên dẫn đầu với gần 16 triệu cp được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và gần 7 triệu cp/ngày được “sang tay”.

BAB tiếp tục là ngân hàng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 15,092 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị chỉ gần 216 triệu đồng/ngày.

Khối ngoại bán ròng gần 420 tỷ đồng

Trong tháng 3, khối ngoại đã mua ròng hơn 3.4 triệu cp ngành ngân hàng. Tuy nhiên, giá trị bán ròng đạt gần 420 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB được mua mạnh nhất với hơn 27 triệu cp (277 tỷ đồng) và gần 12 triệu cp HDB (206 tỷ đồng).

Trái lại STB là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với giá trị hơn 790 tỷ đồng.